Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phát Triển Nuôi Nhuyễn Thể Hai Mảnh Vỏ Bền Vững

Phát Triển Nuôi Nhuyễn Thể Hai Mảnh Vỏ Bền Vững
Ngày đăng: 09/11/2014

Ngày 6-11, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Quảng Ninh tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề Phát triển nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ bền vững.

Tham gia diễn đàn có các đại biểu của Vụ, Viện nghiên cứu về nuôi trồng thủy sản của Bộ NN&PTNT, đông đảo bà con ngư dân của các tỉnh Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa và Quảng Ninh.

Tại hội nghị, tiến sỹ Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định: Nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi nhuyễn thể nói riêng đạt hiệu quả kinh tế cao phụ thuộc vào nguồn giống tốt và khoa học kỹ thuật tốt. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của các tỉnh phía Bắc trong nuôi nhuyễn thể là nguồn giống trong nước sản xuất ra chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu con giống của ngư dân, phần còn lại phải nhập giống chủ yếu từ Trung Quốc nên khó kiểm soát chất lượng con giống.

Cũng tại diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng để phát triển nuôi nhuyễn thể bền vững đòi hỏi các địa phương cần có quy hoạch và quản lý quy hoạch chi tiết vùng nuôi nhuyễn thể tập trung để kiểm soát tốt về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và cân đối cung cầu về sản lượng, hạn chế tình trạng khủng hoảng thừa/thiếu. Kiểm soát tốt chất lượng con giống, mật độ nuôi và các yếu tố môi trường để giảm thiểu dịch bệnh và hiện tượng chết do thiếu nguồn thức ăn tự nhiên; tăng cường công tác quản lý, quan trắc môi trường; kiểm tra, lấy mẫu và cấp giấy chứng nhận xuất xứ, chất lượng để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch.

Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh cũng đã đưa ra giải pháp cần đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng, cân bằng sinh thái; tăng cường tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật, thông tin đến người nuôi các biện pháp kỹ thuật mới một cách thường xuyên.

Nhân dịp này, các Viện nghiên cứu của Bộ NN & PTNT đã giới thiệu cho bà con ngư dân các tỉnh phía Bắc một số phương pháp sản xuất con giống loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ như: Sản xuất giống ngao Bến Tre, Hầu bám, Hầu rời...

Nhuyễn thể được xác định là đối tượng nuôi chủ lực của nước ta, trong đó các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ nuôi phổ biến ở các tỉnh ven biển phía Bắc, tập trung ở các bãi bồi, cửa sông ven biển, nơi có nền đáy có cát hoặc cát pha bùn. Diện tích nuôi nhuyễn thể tăng liên tục trong những năm gần đây. Nếu như năm 2008 tổng diện tích nuôi nhuyễn thể là hơn 20.000 ha thì đến năm 2013 đã tăng lên tới gần 41.000 ha. Mục tiêu phát triển diện tích nuôi nhuyễn thể hai mảnh ở khu vực phía Bắc đạt hơn 43.000 ha trong năm 2015 và hơn 55.000 ha vào năm 2020.

Tại diễn đàn, các nhà khoa học, cơ quan chức năng đã trực tiếp giải đáp những thắc mắc của bà con ngư dân và các doanh nghiệp về kỹ thuật, cách phòng chống dịch bệnh và sản xuất giống trong nuôi nhuyễn thể.


Có thể bạn quan tâm

Mía Trổ Bông, Nông Dân Mếu Ở Quảng Ngãi Mía Trổ Bông, Nông Dân Mếu Ở Quảng Ngãi

Vụ mía năm nay Công ty đường Quảng Ngãi thực hiện mua theo phương thức xác định chữ đường tại ruộng, được nông dân đồng tình ủng hộ. Sự minh bạch này đã xóa những nghi ngờ của nông dân về cách tính chữ đường của đơn vị thu mua. Tuy nhiên, gần 1/2 diện tích mía lại không được thực hiện theo phương thức này, gây ra tình trạng chậm trễ khiến mía già, trổ bông, sản lượng sụt giảm.

22/01/2013
Xoài Cát Hòa Lộc Trúng Giá Ở Tiền Giang Xoài Cát Hòa Lộc Trúng Giá Ở Tiền Giang

Xoài cát Hòa Lộc được thương lái mua tại vườn với giá cao, từ 50.000 - 55.000 đồng/kg, giúp nhà vườn chuyên canh trái xoài đặc sản này ở huyện Cái Bè (Tiền Giang) đạt lợi nhuận cao.

23/01/2013
Giống Cá Nước Lạnh & Đầu Ra Sản Phẩm Giống Cá Nước Lạnh & Đầu Ra Sản Phẩm

Bộ NN-PTNT đã chọn Lâm Đồng để triển khai đề tài “Phát triển giống cá nước lạnh tại VN” do Viện Nghiên cứu Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 đảm trách.

03/08/2013
Hiệu Quả Mô Hình Trồng Cam Sành Xen Ổi: Hạn Chế Được Sự Lây Nhiễm Của Bệnh Vàng Lá Gân Xanh Trên Cây Cam Sành Ở Trà Vinh Hiệu Quả Mô Hình Trồng Cam Sành Xen Ổi: Hạn Chế Được Sự Lây Nhiễm Của Bệnh Vàng Lá Gân Xanh Trên Cây Cam Sành Ở Trà Vinh

Năm 2010, mô hình trồng cam sành xen ổi do dự án Jica (Tổ chức phi chính phủ Nhật Bản) hỗ trợ; từ 02 mô hình vườn mẫu ban đầu, với diện tích 1,4 ha, đầu tư cho 02 hộ ở ấp Dinh An, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè (Trà Vinh). Đến nay, đã phát triển nhân rộng được gần 15 ha, có 30 hộ tham gia trên địa bàn các xã Phong Phú, Tam Ngãi, Thông Hòa, An Phú Tân (huyện Cầu Kè).

24/01/2013
Khó Khăn Trong Việc Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Học Khó Khăn Trong Việc Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Học

Mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học triển khai ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) từ năm 2009 đến nay, qua áp dụng cho thấy mô hình thật sự mang lại hiệu quả, giải quyết khoảng 90% ô nhiễm môi trường, giảm chi phí, công lao động đầu tư trong chăn nuôi. Mô hình thích hợp cho những hộ chăn nuôi gia đình gần khu dân cư.

03/08/2013