Nông Dân Bạch Thông Làm Giàu Từ Cây Quýt
Tỉnh Bắc Kạn hiện có hơn 1.300 ha quýt, tập trung nhiều tại huyện Bạch Thông với 1.020 ha. Là cây trồng chủ lực, mỗi héc-ta quýt mang lại cho người dân thu nhập khoảng 200 triệu đồng/vụ. Hiện nay, quýt Bắc Kạn đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là niềm tự hào đồng thời cũng đặt ra cho huyện trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và quảng bá loại quả đặc sản của địa phương.
Lâu nay, nói đến quýt Bắc Kạn người ta vẫn thường nhắc đến vùng đất Quang Thuận (Bạch Thông)- nơi được coi là khởi nguồn của cây quýt. Ông Hà Lưu Túy, người cao tuổi nhất của thôn Khuổi Piểu cho biết, Vào cuối thế kỷ 18 cây quýt xuất hiện sớm nhất tại khe Khuổi Piểu. Hồi ông còn nhỏ đã thấy cây quýt được trồng rải rác tại một vài hộ. Thấy quả quýt có vị ngon nên một số hộ trong xã lấy hạt trồng thêm.
Đến năm 1990 quả quýt ở Quang Thuận bắt đầu có được bán ra thị trường, nhưng giá trị còn thấp. Xác định cây trồng này có thể mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhân dân, Đảng ủy xã Quang Thuận đã đưa cây quýt vào chỉ tiêu phát triển kinh tế trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ. Mục tiêu đề ra là mỗi gia đình đảng viên có một vườn quýt. Kể từ đó quýt được trồng phổ biến hơn, diện tích bắt đầu tăng dần, trở thành đặc sản của vùng.
Thời kỳ đầu, cây quýt được gieo trồng bằng hạt nên phát triển rất chậm, 10 đến 15 năm sau mới cho thu hoạch. Sau đó người dân chuyển sang phương pháp chiết cành, nhưng số lượng nhân giống ít, giá trị kinh tế không cao.
Đến năm 2000, chính quyền đã thành lập nhiều đoàn đi thăm quan, học tập kinh nghiệp ở một vài địa phương khác. Sau đó xã được tỉnh, huyện và Viện Rau quả Trung ương hỗ trợ triển khai kỹ thuật ghép giống quýt bằng mắt với gốc bưởi, đồng thời triển khai mô hình khảo nghiệm trồng cây quýt mắt ghép và phục tráng cây cằn cỗi.
Ưu điểm của phương pháp này là nhân giống nhanh với số lượng nhiều, thời gian bói quả sớm và chăm sóc dễ dàng hơn. Nhận thấy cơ hội thoát nghèo, người dân nhanh chóng mở rộng diện tích trồng quýt.
Đến nay toàn xã đã có 530ha quýt, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu tương đồng nên nhân dân các xã Đôn Phong, Dương Phong, Tú Trĩ, Sỹ Bình, Cao Sơn cũng chủ động đưa cây cam quýt về trồng, góp phần đưa tổng diện tích loại cây đặc sản này của toàn huyện Bạch Thông lên hơn 1.000ha.
Hơn chục năm nay, quýt đã trở thành cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cao cho hàng nghìn nông hộ trên địa bàn huyện Bạch Thông.
Được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã Dương Phong chúng tôi tìm đến hộ anh Bàn Văn Lợi- dân tộc Dao ở thôn Khuổi Cò. Anh Lợi là một trong những người tiên phong đưa giống quýt về trồng tại xã. Để có 10 ha quýt sai trĩu quả, xanh ngút tầm mắt, gia đình anh Lợi đã trải qua bao nhiêu khó khăn, vất vả.
Với bản tính cần cù và ý chí kiên cường của một người lính, năm 2000 anh Lợi đã phát dọn, cải tạo những diện tích rừng đồi thấp được giao khoán của gia đình và mua 200 cây quýt giống về trồng. Đất không phụ công người, đến nay nhà anh đã có 6/10 ha quýt cho thu hoạch, mỗi năm thu về hàng tỷ đồng.
Ở thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận, gia đình ông Lưu Chấn Thụ là hộ đi đầu trồng cây quýt ghép do Viện Rau quả Trung ương khảo nghiệm tại địa phương. Ông Thụ cho biết: Lúc bấy giờ nhận thức của người dân còn hạn chế, cho rằng ghép bằng gốc bưởi thì quả quýt sẽ chua. Nhận cây giống về nhưng nhiều nhà bỏ không trồng.
Thấy tiếc số cây giống này, gia đình ông Thụ đã mạnh dạn mang về trồng. Chỉ sau 3 đến 4 năm, các cây quýt ghép đã bói quả lứa đầu tiên, chất lượng quả ngon hơn. Đến nay gia đình ông đã sở hữu 3 ha quýt, hằng năm cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng.
Theo thống kê, hằng năm sản lượng quýt của Bạch Thông đạt khoảng 6.000 tấn, giá trị kinh tế thu về 60 tỷ đồng. Cây quýt ở Bạch Thông đã được nhân giống để trồng sang các địa phương khác và đã trở thành loại quả được thị trường một số tỉnh như Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng ưa chuộng.
Hiện nay, Quang Thuận có 80% hộ dân trồng quýt, trong đó khoảng 40% có thu nhập cao từ quýt, tiêu biểu như: hộ gia đình ông Lưu Đình Thăng, thôn Nà Chạp; Lưu Đình Lý, Lộc Văn Nghinh thôn Nà Thoi; Nông Văn Bình thôn Nà Vài…
Cam, quýt đã trở thành cây trồng mũi nhọn, giúp nhiều hộ dân huyện Bạch Thông thoát nghèo, nâng cao thu nhập. Nhiệm vụ đặt ra cho cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân vùng trồng quýt hiện nay là làm thế nào để phát triển cây ăn quả đặc sản này một cách bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Từ năm 2007, người dân xóm 9, xã Hải Đường (Hải Hậu, Nam Định) đã đưa cây thanh long vào trồng thử nghiệm. Với quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập và kinh nghiệm thâm canh của người dân nơi đây, cây thanh long đã sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao.
Ngày 17.12, ngư dân Phạm Lâm (trú tại thôn Bãi Làng, Cù Lao Chàm - Quảng Nam) khi đánh bắt tại khu vực biển Cù Lao Chàm đã câu được 3 cá mú “khủng”. Con nhỏ nhất nặng 16 kg, con kế tiếp nặng 28 kg, con lớn nhất nặng gần 73 kg với chiều dài thân lên đến 2 mét, chiều ngang 0,6 mét.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Đặng Trường Khanh đã làm nhiều việc khác không liên quan gì đến cây ca cao, nhưng bỗng dưng anh lại được “lệnh” của cha mình rời TP.Hồ Chí Minh lên huyện Định Quán (Đồng Nai) thay ông triển khai dự án phát triển cây ca cao ở vùng đất này. Hơn 8 năm qua, anh đã có biết bao buồn vui với cây ca cao.
Dự án chăn nuôi gà thịt hàng hóa theo hướng an toàn sinh học (ATSH) được triển khai thử nghiệm tại 12 hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Phú Bình (Thái Nguyên) thời gian vừa qua đã bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho người chăn nuôi…
Năm 2011, anh Huỳnh Văn Thành, 59 tuổi đầu tư hơn 1 tỉ đồng xây dựng trang trại tại xã Phước Thắng (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) nuôi heo siêu nạc.