Nông dân Anh Sơn cứu chè sau mưa
Sau cơn mưa, chúng tôi có mặt tại những đồi chè đội 29, xã Long Sơn, Anh Sơn. Có những đồi chè đã xanh hẳn, có những đồi chè mới chỉ nhú mầm.
Gia đình anh Nguyễn Như Liên ở đội chè 29, xã Long Sơn, Anh Sơn có hơn 1 ha chè công nghiệp, trong đợt nắng vừa rồi đã làm cho diện tích chè gia đình anh chết hơn một nửa, số còn lại cũng bị cháy lá nghiêm trọng. Uớc tính thiệt hại lên đến 60 - 70 triệu đồng. Nhờ những cơn mưa dài trong những ngày qua đã phần nào giải cứu cho ruộng chè của gia đình anh. Sau cơn mưa, những mầm chè mới cũng đã bắt đầu được nhú lên thay cho màu đen của những cành chè mới cháy.
Nhiều diện tích chè được giải cứu sau những cơn mưa vàng
Anh Liên chia sẻ. "Những cơn mưa vàng quý lắm, nhưng nếu mưa đến sớm khoảng nửa tháng sẽ cứu được nhiều diện tích chè hơn". Anh cũng cho biết thêm: Để chăm sóc diện tích chè bị cháy, gia đình tôi đã chuẩn bị 6 tấn phân, đợi ít hôm nữa đất ráo sẽ bỏ phân bón thúc cho cây chè nhanh được phục hồi.
Tuy nhiên, mưa xuống không phải diện tích chè nào cũng được hồi xanh. Gia đình Nguyễn Thị Liễu ở đội 29, xã Long Sơn có 0,5 ha chè chỉ còn một vài cây chè là chống chịu được với cái hạn kéo dài.
Tuy nhiên, nhiều diện tích chè không thể phục hồi do thiệt hại quá nặng
Chị Liễu buồn bã nói: “Mưa lớn nhưng do diện tích chè đã bị chết nên không thể nào hồi phục được, coi như vụ chè năm nay gia đình tôi mất trắng. Mất đi nguồn thu nhập không biết thời gian tới lấy tiền đâu để trồng lại chè mới đây. Trong khi đó thì trồng chè cần đến tiền giống, tiền phân bón và đến cả tiền công đào rãnh nữa. Và 3 năm sau nếu không bị hạn thì diện tích chè đó mới có thu hoạch".
Ông Nguyễn Công Thế - Trưởng phòng nông nghiệp huyện Anh Sơn cho biết: Trong đợt nắng hạn vừa qua đã có 300 ha chè bị chết, đây chủ yếu là diện tích chè trồng mới của năm 2013 và 2014. Diện tích chè kinh doanh bị ảnh hưởng là 1.500 ha. Ngay sau khi có mưa, huyện Anh Sơn đã chỉ đạo phòng nông nghiệp huyện kiểm tra tình hình thực tế tại các vùng chè, chỉ đạo người dân tập trung chăm sóc, bón phân đạm, khắc phục lại diện tích chè đã bị thiệt hại. Những diện tích chè bị chết thì hướng dẫn người dân tiếp tục trồng mới để đảm bảo vùng nguyên liệu trên địa bàn.
Mưa lớn đã giúp cho nhiều diện tích chè của huyện Anh Sơn đã được "giải nhiệt", tuy nhiên diện tích chè chết của người dân hiện vẫn rất lớn. Người dân Anh Sơn mong chính quyền các cấp có cơ chế hỗ trợ khắc phục để tiếp tục trồng lại diện tích chè bị chết sau hạn.
Có thể bạn quan tâm
Hiện tại cả nước đang tồn đọng 520.000 tấn đường lưu kho. Trong khi đó bình quân mỗi ngày có hàng trăm tấn đường giá rẻ từ Thái Lan nhập lậu.
Lâm Đồng trong những năm qua là địa phương có nhiều cố gắng trong trồng rừng phân tán và cây phân tán nhưng hiệu quả mang lại chưa cao như mong muốn.
Nếu như gà ta thời điểm trước có giá 90-100 ngàn đồng/kg, giờ đã giảm xuống còn 65-70 ngàn đồng /kg; gà lông màu trước đây 55-60 ngàn đồng/kg, giờ chỉ còn 35 -39 ngàn đồng/kg; gà công nghiệp có giá 50-55 ngàn đồng/kg, nay chỉ còn 30 -35 ngàn đồng/kg.
Để giúp người chăn nuôi tiêu thụ được sản phẩm gia cầm, đồng thời chuẩn bị sẵn nguồn sản phẩm này sau khi hết dịch CGC, TP.HCM đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tạm trữ sản phẩm gia cầm. Nhờ đó, giá gà, giá trứng ở Đông Nam bộ (ĐNB) sau khi bị giảm sâu đã bắt đầu tăng trở lại.
Trồng nấm rơm nhẹ vốn, ít chi phí, lợi nhuận cao, đầu ra sản phẩm ổn định, lại có thể trồng nhiều vụ trong năm. Giá nấm rơm tăng do nguồn cung năm nay ít mà nhu cầu thị trường ngày càng tăng cao.