Khai Thác Mặt Nước Để Phát Triển Nuôi Trồng Thủy Sản
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô (Đắk Nông) thì trên địa bàn huyện hiện có khoảng 150-170 ha diện tích mặt nước đang được khoảng 600 hộ dân tận dụng để nuôi trồng thủy sản.
Trong đó, một số xã, thị trấn có diện tích mặt nước lớn là Buôn Choáh, Đắk D’rô, Đắk Mâm... việc phát triển nuôi trồng thủy sản đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Điển hình như hộ gia đình ông Trần Văn Hiệp, trú tại thôn Bình Gia, xã Buôn Choáh, 3 năm trước đã tận dụng diện tích mặt nước trên sông Krông Nô để đầu tư làm 5 lồng nuôi các loại cá: diêu hồng, rô phi, rô đồng, lăng...
Nhờ biết cách chăm sóc đúng kỹ thuật, cá lớn nhanh và mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình ông từ vụ đầu tiên. Thấy hiệu quả, ông tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô nuôi và hiện đã có đến 13 lồng nuôi đủ loại cá.
Ông Hiệp cho biết: “Tính theo thời vụ thì cứ 6 tháng một lứa đối với cá rô phi, rô đồng, cá diêu hồng và 2 năm trở lên đối với cá lăng, nhưng bây giờ tháng nào tôi cũng có cá bán. Cách làm của tôi là thả nhiều lứa với nhiều loại cá khác nhau, nên cứ xoay vòng liên tục, mỗi tháng bán từ 10 – 20 tấn cá, trừ chi phí thu được khoảng hơn 30 triệu đồng”.
Hiện nay, gia đình ông Hiệp đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cá với một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh cũng như liên kết với một doanh nghiệp cung cấp giống cá có chất lượng, nên năng suất, hiệu quả ngày càng tăng, giảm bớt rủi ro trong quá trình nuôi.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Tiến Đại ở Buôn Choáh cũng đã tận dụng diện tích 7 sào ao hồ tưới cà phê trong mùa khô để thả cá.
Với các loại cá trắm, mè, chép... mỗi vụ thu hoạch cũng giúp gia đình ông có thu nhập hàng chục triệu đồng. Theo UBND xã Buôn Choáh thì hiện có nhiều người dân trên địa bàn tận dụng mặt nước sông Krông Nô và các ao hồ tưới cà phê để nuôi thủy sản.
Những năm qua, cùng với việc xây dựng mô hình nuôi cá nước ngọt, xã cũng chú trọng phối hợp các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn cho các hộ dân về kỹ thuật chăn nuôi cá trên sông, ao hồ, cách khai thác, tái tạo nguồn lợi thủy sản, không để ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, tác hại đến hồ đập.
Theo ông Hoàng Trọng Phú, Phó Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô thì bước đầu, việc chăn nuôi thủy sản cho thu nhập khá và hứa hẹn sẽ là hướng phát triển kinh tế hiệu quả nếu được đầu tư đúng hướng. Về phía ngành nông nghiệp huyện cũng đã triển khai nhiều mô hình thí điểm nuôi các loại cá, lươn, ếch... để đa dạng hóa việc nuôi trồng thủy sản.
Hiện nay, nhiều mô hình nuôi cá với các giống chất lượng cao đã được hình thành, có sản lượng lớn, phục vụ nhu cầu tiêu thụ ở các chợ, nhà hàng, thậm chí xuất ra ngoài địa bàn. Vì vậy, huyện cũng đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân khai thác những tiềm năng, lợi thế về mặt nước để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Có thể bạn quan tâm
Sau 9 tháng, 2.000 con cá trắm đen nuôi, trên diện tích 5.000m2 của ông Đức Văn Khiêm (xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, Thái Bình) đã cho lãi 227 triệu đồng, hiệu quả cao gấp 3 - 4 lần so với nuôi cá nước ngọt truyền thống. Đây là mô hình điểm nuôi cá trắm đen thương phẩm tại vùng chuyển đổi nuôi cá của xã, cần được nhân rộng.
Hiện đang là thời điểm chính vụ thu hoạch mận cơm ở Lạng Sơn. Năm nay, do thời tiết thuận lợi nên mận cơm được mùa, giá bán cao hơn từ 3.000 – 5.000đ/kg so với năm ngoái.
Đề tài “Hoàn thiện và chuyển giao quy trình sản xuất giống nhân tạo cá gáy biển tại Khánh Hòa” vừa được Hội đồng khoa học và công nghệ cấp tỉnh nghiệm thu loại khá đã mở ra triển vọng về một loại đối tượng nuôi mới.
Thời điểm hiện nay, người dân trồng bí xanh sớm ở tỉnh Lạng Sơn đang bước vào đầu vụ thu hoạch với niềm vui được mùa, giá cao.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tháng 4 vừa rồi, kế hoạch đề ra là XK 700 ngàn tấn gạo, nhưng các doanh nghiệp chỉ giao hàng được 536.806 tấn.