Nỗ Lực Ổn Định Đàn Heo
Sau thời gian dài bị tuột dốc, cuối tháng 10 và đầu tháng 11 này ở An Giang, giá heo hơi quay về mức 45.000 đ/kg, có lúc từ 47.000 đến 50.000đ/kg và dự đoán khả năng sẽ còn tăng thêm. Đây là sự kích thích người chăn nuôi tiếp tục đầu tư, phục hồi đàn heo, chăm sóc quyết liệt giai đoạn cuối năm và chuẩn bị cho Tết sắp tới.
Số lượng liên tục dao động:
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Đoàn Ngọc Phả thông tin: Đàn heo toàn tỉnh năm 2012 trên 170.300 con, bằng 95,7% so với cùng kỳ năm 2011 và giảm 7.647 con. Nguyên nhân chính là do giá thức ăn liên tục biến động tăng cao, nhưng giá thịt heo hơi luôn ở thấp, người chăn nuôi không có lãi, hạn chế tái đàn dẫn đến số lượng đàn heo toàn tỉnh bị sụt giảm. “Đây là điều khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện kế hoạch khôi phục, ổn định số lượng đàn heo toàn tỉnh” – ông Phả cho hay.
Thực tế cho thấy, đến giữa năm 2013, giá heo hơi trên địa bàn liên tục sụt từ 54.000 xuống còn 44.000đ/kg và cầm chừng ở mức 42.000đ/kg. Khi có thông tin phát hiện chất cấm trong chăn nuôi và tình hình dịch bệnh ở một vài khu vực lân cận khiến việc tiêu thụ càng gặp khó khăn, tác động mạnh đến phát triển số lượng đàn heo trong tỉnh. Tính đến tháng 6 - 2013, tổng đàn heo của An Giang có 177.731 con, giảm trên 5.000 con so với cùng kỳ năm 2012. Theo nhận định của Sở NN-PTNT, với mức giá bán dao động từ 42.000 – 44.000đ/kg heo hơi, người chăn nuôi sử dụng 100% thức ăn công nghiệp sẽ không có lãi, thậm chí còn bị lỗ. Như vậy, nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, người chăn nuôi heo theo mô hình kinh tế trang trại chuyển sang nghề khác. Đến đầu tháng 10 - 2013, đàn heo trong tỉnh còn khoảng 137.800 con, bằng 80,92% so với cùng kỳ năm ngoái (giảm 32.499 con) và tổng sản lượng thịt xuất chuồng trên 18.500 tấn, chỉ tương đương 86,3% so với cùng kỳ. Tuy số lượng giảm nhưng theo Chi cục Thú y An Giang, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và vệ sinh tiêu độc các nơi mua bán giết mổ đã được thực hiện tốt nên tình hình dịch bệnh tiếp tục được khống chế.
Nhiều giải pháp thiết thực:
UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt đề án “Phát triển chăn nuôi tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020”, với mục tiêu tập trung phát triển sản phẩm chăn nuôi có lợi thế và khả năng cạnh tranh theo xu hướng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ mới để tăng năng suất, chất lượng. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn với thị trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường; chuyển dần hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang hình thức trang trại, công nghiệp…
Theo Hội Nông dân các huyện Tri Tôn, Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn và thành phố Long Xuyên…, các mô hình sản xuất - kinh doanh giỏi trên lĩnh vực chăn nuôi heo vẫn tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, khả năng ứng phó trước diễn biến về giá cả mua bán, thức ăn, chăm sóc… không có sự chuẩn bị tốt. Chẳng hạn như huyện Tri Tôn, số lượng đàn heo phần lớn từ chăn nuôi gia đình, hễ có biến động thì nông dân sẽ bỏ nghề ngay. Nhưng, sau đó cũng lập tức tái nuôi kịp thời do quy mô nhỏ, đòi hỏi vốn ít, nhờ các đoàn thể hỗ trợ vốn hoặc giới thiệu đi vay theo các chương trình, dự án. Ông Dyvonna, Trưởng trạm Thú y huyện Tri Tôn khẳng định, cán bộ chuyên môn vẫn phải hoạt động thường xuyên và làm quyết liệt, kể cả việc phối hợp kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm qua biên giới để đảm bảo an toàn cho nội địa.
Anh Trần Anh Châu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) cho hay, mặc dù có biến động giá cả về thức ăn và thị trường tiêu thụ heo hơi, nhưng các mô hình chăn nuôi trang trại trên cù lao này vẫn “cầm cự” được và tái đàn nhanh chóng khi giá thức ăn đứng lại, giá thịt heo hơi nhích lên. “Kết quả xét chọn nông dân giỏi năm 2013, các mô hình nuôi heo ở Mỹ Hòa Hưng vẫn duy trì tốt và đạt danh hiệu cấp thành phố, cấp tỉnh” – anh Châu nói. Còn tại phường Bình Khánh, hiện có 74 hộ chăn nuôi heo với trên 1.100 con heo thịt và trên 100 con heo nái. Dự kiến, Phòng Kinh tế và Hội Nông dân TP. Long Xuyên tổ chức lớp huấn luyện kỹ thuật chăn nuôi heo theo hướng bán công nghiệp. Ông Lê Văn Te, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Bình Khánh cho hay, đây được xem là giải pháp thiết thực, hiệu quả nhất để góp phần ổn định đàn heo trên địa bàn, nhất là những tháng cuối năm và chuẩn bị cho thời gian sắp tới.
Cuối năm 2012, tổng đàn heo toàn tỉnh có trên 170.300 con, trong đó heo nái chiếm 12,68%, còn lại là heo thịt. Số lượng hộ chăn nuôi quy mô từ 20 con heo nái hoặc 100 con heo thịt trở lên chiếm tỉ lệ rất thấp (0,42%) trên tổng số hộ chăn nuôi. Qua đó cho thấy, nghề chăn nuôi ở An Giang vẫn còn mang tính nhỏ lẻ và quy mô trang trại chưa phát triển mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Với nhiều cán bộ từ miền xuôi lên và đang công tác ở huyện miền núi huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) thì sâm cau được gọi là cây "nhớ vợ". Bởi lẽ theo họ, một khi đã uống sâm cau thì chỉ muốn về nhà "thăm" vợ.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tự hào: “Xã Anông chúng tôi đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2014. Đây là xã miền núi đạt chuẩn đầu tiên của tỉnh Quảng Nam. Nhờ NTM, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 69,69% năm 2010 xuống còn 39,34% hiện nay.
Dự báo thời tiết trong những ngày tới tại khu vực miền Trung sẽ là nắng ráo, thuận lợi cho nông dân thu hoạch vụ lúa hè thu đang mùa chín rộ.
Góp sức làm nên cuộc Cách mạng Tháng 8 thành công, không thể không kể đến các địa danh đỏ - là nơi nuôi giấu cán bộ, là nơi tập hợp những cán bộ, chiến sĩ ưu tú. Trước đã anh dũng, kiên cường, còn nay các địa chỉ đỏ vẫn sáng ngời trên con đường phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương.
Trong khi tình trạng khoai tây Trung Quốc được nhập về Đà Lạt và trộn thêm đất đỏ để “đội lốt” khoai tây Đà Lạt ngày càng tràn lan thì mới đây, Lâm Đồng đã xác định động cơ của hành vi trộn đất đỏ Đà Lạt vào khoai tây Trung Quốc trước khi đưa đi tiêu thụ là hành vi “gian lận thương mại” và yêu cầu điều tra để làm rõ.