Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Doanh Nghiệp Giống Ăn Ngủ Không Yên

Doanh Nghiệp Giống Ăn Ngủ Không Yên
Ngày đăng: 09/04/2014

Thực hiện quy định áp dụng cân tải trọng xe được cho là sẽ khiến giá giống tăng 6 - 7%, chi phí vận tải tăng gấp 3 lần so với trước đó. Nhiều DN đang phải tính đến phương án chuyển sang chở lúa giống bằng đường sắt hoặc tàu thủy.

Lệnh áp dụng cân tải trọng xe dường như đang khiến việc lưu thông hàng hóa của cả ngành nông nghiệp chao đảo. Các DN kinh doanh giống cây trồng cũng không ngoại lệ khi đang đau đầu với phương án vận chuyển.

Trao đổi với NNVN, hàng loạt DN giống tại phía Bắc khổ sở cho biết, chỉ mấy ngày sau khi Bộ GT-VT áp dụng việc cân trọng tải xe, bài toán vận chuyển đang khiến họ như ngồi trên đống lửa.

“Kiểm soát tải trọng phương tiện nhằm hạn chế xe cộ phá hỏng đường sá là chủ trương đúng, tôi ủng hộ. Nhưng nên chăng có cơ chế áp dụng linh hoạt hơn hay có lộ trình thế nào đó để không gây sốc cho hoạt động SX-KD.

Việc chi phí vận tải đột ngột tăng do kiểm soát tải trọng, tôi nghĩ trước mắt chưa thể khiến giá giống tăng ngay, nhưng một thời gian nữa chắc chắn sẽ phải tăng ít nhất 7-10%. Chi phí đầu vào tăng thì chúng tôi cứ phải cộng vào giá giống thôi, rồi nông dân cũng phải chịu mua giá giống đắt hơn! Vấn đề ở đây tôi thấy ngành giao thông áp dụng cân tải trọng như thế lãng phí quá.

Một chiếc xe tải to oành như thế, mà chỉ cho chở có dưới 10 tấn, không lãng phí là gì? Về mặt nào đó, tôi nghĩ chỉ có những xe tải siêu trường siêu trọng, xe chở bê tông, xi măng tới 70 – 80 tấn mới có thể phá hỏng được đường, chứ xe chở lúa chở khoai, cùng lắm chỉ 20-25 tấn khó nói là làm hỏng đường, chưa nói bây giờ hạ tải thì để chở hết cùng một lượng hàng hóa đó lưu lượng xe tăng cao vừa hỏng đường vừa ách tắc giao thông, đồng thời tốn thêm cực kỳ nhiều chi phí phát sinh”.

(Ông Vũ Văn Nga, TGĐ Cty CP Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình)

Ông Vũ Văn Nga, TGĐ Cty CP Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình vò đầu than trời: Theo hợp đồng đã ký, Cty đang phải chuyển gấp một lô giống từ Ninh Bình lên Cao Bằng. Lô hàng chỉ có 14 tấn lúa giống thôi nhưng gọi chủ xe yêu cầu chở gọn trong một chuyến thì nơi nào cũng lắc đầu nguầy nguậy. Họ đòi phải chia chừng ấy thóc giống ra làm 2 xe, mỗi xe hết 30 triệu đồng tiền cước mới chịu.

Trước đây, mỗi chuyến xe chở lúa giống từ Ninh Bình lên các tỉnh miền núi phía Bắc thường chở trung bình từ 24 - 25 tấn, phí vận tải chỉ từ 27 - 30 triệu đồng/chuyến. Quy ra, mỗi kg thóc giống chỉ phải gánh 800 - 1.000 đ phí vận chuyển.

Tuy nhiên kể từ khi áp dụng cân trọng tải xe, các chủ xe chỉ chấp nhận chở tối đa 9,8 tấn/chuyến, khiến chi phí vận tải tăng gấp 3 lần so với trước.

Chi phí vận tải tăng đột ngột, nhưng không vận chuyển không được.

Theo ông Nga, không chỉ Cty của ông mà đa số các DN giống phía Bắc đều có vùng SX lúa giống tại các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL như Quảng Nam, Đăc Lăk..., thậm chí tận Long An.

Hiện tại, chỉ tầm một tuần nữa là tới vụ thu hoạch lúa giống nhưng vận chuyển ra miền Bắc thế nào cho tiện đang khiến các DN đau đầu.

“Trước đây, một xe tải chở 25 - 30 tấn giống từ Long An ra miền Bắc chỉ mất 30 - 35 triệu đồng. Bây giờ cũng 30 tấn lúa giống ấy, nhưng sẽ phải san làm 3 xe, mất đứt 90 triệu nhưng không tìm đâu ra xe mà thuê” - ông Nga lo lắng.

Trước tình hình này, DN cho biết đang phải tính đến phương án chuyển sang chở lúa giống bằng đường sắt hoặc tàu thủy. Nhưng xem ra, phương án chẳng hề dễ dàng.

Bà Trần Kim Liên, TGĐ Cty CP Giống cây trồng TƯ cho biết mấy ngày nay đang lo ngay ngáy với bài toán vận chuyển hàng nghìn tấn giống các loại từ TP.HCM ra phía Bắc, khi mà thời vụ thu hoạch lúa giống đã bắt đầu.

Trước mắt, Cty cho biết đang dồn ứ ít nhất 200 tấn giống trong kho tại TP.HCM nhưng vẫn chưa thể tìm được DN vận chuyển, bởi với giá cước vận chuyển tăng khủng khiếp như hiện tại, DN không thể kham nổi khi mà giá giống không thể tăng ngay lập tức để bù cho chi phí vận tải.

“Mấy ngày nay chúng tôi cũng đã suy nghĩ nát nước xem sẽ vận chuyển thế nào, kể cả đã liên hệ với các DN vận chuyển đường sắt nhưng do có quá nhiều DN cũng chuyển hướng từ vận chuyển đường bộ sang đường sắt nên quá tải, vì thế đã mấy ngày rồi họ vẫn chưa trả lời” - bà Liên cho biết.

Cùng tình cảnh, ông Phạm Quang Dương, GĐ Chi nhánh phía Bắc, Cty CP Giống cây trồng Miền Nam cho biết: Đối với các lô hàng vận chuyển từ TP.HCM sang Lào (qua Nghệ An), hiện phí vận tải đã tăng thêm ít nhất 2.000 đ/kg. Vì vậy, Cty cũng đang tính toán chuyển sang các hợp đồng vận tải đường sắt hoặc đường thủy để giảm áp lực chi phí.

Ông Dương phân tích: Chuyển bằng đường thủy hoặc đường sắt có ưu điểm là cước vận chuyển rẻ hơn đường bộ, nhưng lại rất mất thời gian. Chẳng hạn chở giống từ TP.HCM ra Hà Nội bằng ô tô chỉ mất lâu nhất 5 ngày, còn chở bằng đường sắt thì phải mất 10 ngày trở lên. Đó là chưa nói chở bằng tàu hỏa hay đường thủy rất mất công bốc dỡ, nên chung quy lại cũng không rẻ hơn đường bộ là mấy.

“Chở bằng tàu hỏa hay đường thủy cũng khó mà khả thi. Bởi một lô hàng chở bằng xe ô tô từ TP.HCM ra Bắc chẳng hạn, thường phải rải dần hàng tại các tỉnh dọc đường đi. Mà tàu hỏa hay tàu thủy làm sao có thể dừng giữa đường được? Tóm lại là khó trăm đường”, theo lời ông Dương.

Không khéo tạo điều kiện cho hàng Trung Quốc tràn vào

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Toan - Trưởng phòng Thị trường (Cty TNHH MTV Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc) cho biết: Việc Bộ GT-VT xiết chặt lại tải trọng là việc làm đúng để thực thi pháp luật. Tuy nhiên, trong bối cảnh các DN trong nước, đặc biệt là DN phân bón mấy năm nay gặp vô vàn khó khăn, nay lại đúng lịch thời vụ nên gần như việc vận chuyển urê từ nhà máy tới đại lí và người nông dân bị ách tắc cục bộ.

Bà Toan lo lắng, đây có khi lại là điều kiện thuận lợi cho phân bón lậu Trung Quốc tràn vào các tỉnh biên giới của Việt Nam vì quãng đường vận chuyển ngắn hơn, ít phải qua các trạm cân hơn so với DN phân bón trong nước. Bà Toan đề xuất, ngành giao thông cần phải có lộ trình phù hợp để các DN và người dân chuẩn bị, ít nhất là 1 quý hoặc 6 tháng chứ ra quân kiểu đột ngột như hiện nay DN trong nước trở tay không kịp.

Tất cả lại đổ lên đầu người dân

Ông Trang Hòa - TGĐ Cty CP Vật tư nông nghiệp 2 Đà Nẵng cho rằng, trong thời gian ngắn như vậy chắc chắn không DN nào đáp ứng được nhu cầu vận chuyển. Ông Hòa khẳng định, chắc chắn giá cả các mặt hàng vật tư nông nghiệp thời gian tới sẽ phải tăng vì chi phí vận tải tăng gấp đôi, gấp ba so với bình thường và người nông dân chính là đối tượng phải gánh chịu.


Có thể bạn quan tâm

Bảo tồn tôm hùm và ốc vú nàng Bảo tồn tôm hùm và ốc vú nàng

Tích cực nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo tồn tôm hùm và ốc vú nàng của Trung tâm Bảo tồn biển Cù Lao Chàm bước đầu có chuyển biến tích cực.

16/05/2015
Quảng Ngãi được hỗ trợ gần 15 tỷ đồng để giữ đất lúa Quảng Ngãi được hỗ trợ gần 15 tỷ đồng để giữ đất lúa

Chính phủ vừa quyết định bổ sung gần 471 tỷ đồng cho 9 địa phương từ nguồn chi sự nghiệp kinh tế của ngân sách Trung ương năm 2015 để thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa năm 2014 trong đó có Quảng Ngãi.

16/05/2015
Chú trọng phát triển mô hình kinh tế hợp tác Chú trọng phát triển mô hình kinh tế hợp tác

Nhiều năm qua, Hội Làm vườn (HLV) huyện Châu Thành phối hợp với các ban, ngành cùng chính quyền địa phương và các cấp Hội vận động hội viên (HV), nhà vườn đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế hợp tác (KTHT), kinh tế vườn theo hướng bền vững nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

16/05/2015
Xuất khẩu ớt sang Nhật Xuất khẩu ớt sang Nhật

Mỗi năm ông Cường xuất khẩu từ 600-800 tấn ớt ngọt cấp đông và mỗi ngày cung cấp hàng tấn rau, quả cho thị trường nội địa.

16/05/2015
Cảnh giác trước hiện tượng ráo riết thu mua quả cau non với giá cao Cảnh giác trước hiện tượng ráo riết thu mua quả cau non với giá cao

Khoảng một tháng nay tại huyện Châu Thanh, Châu Thành A và thành phố Vị Thanh của Hậu Giang, nhiều thương lái từ nơi khác đã tìm đến đây mua quả cau non với giá cao (từ 15.000 đến 40.000 đồng/kg).

18/05/2015