Cánh Đồng Lớn Bắt Đầu... Trục Trặc
Đến vụ lúa ĐX 2013-2014 vừa thu hoạch gặp ngay lúc thị trường tiêu thụ khó khăn, CĐL ở một số địa phương vùng ĐBSCL lại tái diễn chuyện không tuân thủ hợp đồng đã ký kết.
+ Cty Doximexco lật kèo nông dân!
Thành tựu sau 3 năm (2011-2013) triển khai từ mô hình cánh đồng mẫu đến nhân rộng thành những cánh đồng lớn (CĐL) đã chứng minh bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, đến vụ lúa ĐX 2013-2014 vừa thu hoạch gặp ngay lúc thị trường tiêu thụ khó khăn, CĐL ở một số địa phương vùng ĐBSCL lại tái diễn chuyện không tuân thủ hợp đồng đã ký kết.
DN lật kèo
Có người nói, tưởng như nông dân làm lúa bên ngoài CĐL lo âu vì chưa được DN ký kết bao tiêu, nào ngờ làm ăn ký kết trong CĐL giấy trắng mực đen đàng hoàng vẫn bị lật kèo.
Chuẩn bị từ trước khi vào vụ lúa ĐX 2013-2014, UBND tỉnh Đồng Tháp chủ trương mời gọi các DN tham gia liên kết cùng nông dân tiêu thụ lúa trên CĐL. Theo đó ngày 13/10/2013, Cty Doximexco (Đồng Tháp) đã ký hợp đồng tiêu thụ lúa gạo với 7 HTX trên địa bàn huyện Tân Hồng, diện tích 746 ha, có 210 hộ tham gia.
Hợp đồng thỏa thuận cụ thể theo quy trình SX giữa Cty và HTX là: HTX thông báo cho Cty biết từ thời gian xuống giống, thời điểm thu hoạch, kế hoạch thu mua và từng loại giống SX được Cty đưa ra cho nông dân gieo trồng. Bản ký hợp đồng giữa Cty với nông dân của 7 HTX được xem là một hình thức làm ăn mới, tạo niềm tin với nông dân.
Thế nhưng hoàn toàn bất ngờ, khi ngoài đồng lúa no hạt, chín vàng sắp thu hoạch, nhiều bà con nôn nóng liên tục liên hệ với Cty cử đại diện xuống thăm đồng để thỏa thuận giá cả. Đến khi người đại diện của Cty xuống thì hai bên không thống nhất được giá thu mua như hợp đồng đã ký. Phía Cty chịu mua lúa, nhưng thấp hơn giá thị trường 200-300 đồng/kg. Lý do Cty Doximexco cho rằng độ lẫn trong lúa quá cao nên không thể thu mua theo hợp đồng đã ký.
Ông Trần Văn Khỏe, nông dân HTX Thành Lập, xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng, buồn bã: “Lâu nay bà con làm lúa tự bơi, bán lúa trông cậy vào thương lái, giá cả lên xuống thất thường. Vì vậy khi có DN hợp tác khâu tiêu thụ, bà con chúng tôi cảm thấy nhẹ lo, nhất là được Cty hứa hẹn mua lúa cao hơn giá thị trường 200-300 đồng/kg.
Nào ngờ thấy lúa rớt giá, phía DN viện dẫn ra lý do lúa lẫn. Nhưng giống lúa mà chúng tôi gieo sạ do chính Cty Doximexco giới thiệu mua. Nếu giả sử lúa có lẫn thì lỗi này không phải do nông dân. Chuyện rõ như ban ngày mà Cty vẫn bỏ rơi nông dân chúng tôi!”.
Được biết xử lý hòa giải vụ lật kèo này, tỉnh Đồng Tháp đã có cuộc họp giữa các bên liên quan, tìm biện pháp tháo gỡ. Phía Cty Doximexco vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng độ lẫn trong lúa cao nên không thu mua. Sau đó UBND tỉnh Đồng Tháp giao Sở NN-PTNT mời đơn vị độc lập thứ 3 tiến hành lấy mẫu, kiểm tra lại độ lẫn của lúa để có hướng xử lí tiếp theo.
Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp chọn Trung tâm Nghiên cứu và SX giống của Cty CP BVTV An Giang kiểm nghiệm độ thuần tại ruộng lúa Jasmine của các hộ dân ở huyện Tân Hồng. Kết quả kiểm định độ thuần của giống lúa Jasmine của 4 hộ nông dân ở 3 xã An Phước, Tân Phước và Tân Thành B cho thấy độ thuần của lúa đều trên mức 99%. Kết quả này gần đúng với kết quả kiểm định của Chi cục BVTV tỉnh Đồng Tháp và Trạm BVTV huyện Tân Hồng trước đó.
Đổ lỗi lẫn nhau
Cuối tháng 3/2014, Sở NN-PTNT Sóc Trăng và các tỉnh trong vùng triển khai Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết SX gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng CĐL và kèm theo thông tư hướng dẫn. Trong đó, điều 4, 5, 6 qui định chính sách ưu đãi hỗ trợ, đối với DN, tổ chức đại diện của nông dân và nông dân.
Riêng điều 8 xử lý vi phạm hợp đồng: Các bên tham gia liên kết vi phạm hợp đồng sẽ bị xử lý theo qui định của pháp luật hiện hành; DN, hộ nông dân, tổ chức đại diện hộ nông dân đã nhận hỗ trợ của Nhà nước nhưng vi phạm hợp đồng liên kết đã ký với đối tác mà không có lý do chính đáng sẽ bị thu hồi và không được xét hỗ trợ ở năm tiếp theo.
Ngày 31/3 vừa qua, lãnh đạo Sở NN-PTNT các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và các DN, đại diện nông dân tham dự hội thảo “Hợp tác, liên kết SX gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng CĐL”, do Bộ NN-PTNT tổ chức tại Đồng Tháp.
Nhiều ý kiến cho rằng đến vụ lúa ĐX 2013-2014 thì CĐL vẫn còn gặp trục trặc, chủ yếu do hai bên đối tác đổ lỗi lẫn nhau.
Ông Nguyễn Văn Đời, Chủ nhiệm HTX Bình Thành, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, đổ cho DN là phía “bẻ kèo”, phá hủy hợp đồng khi thị trường tiêu thụ có biến động.
Trong vụ ĐX 2013-2014 HTX được 4 DN bao tiêu toàn bộ diện tích 1.200 ha lúa và cam kết mua cao hơn giá thị trường vào thời điểm thu hoạch 100 đồng/kg với giống IR50404 và 200 đồng/kg đối với giống OM6976. Tuy nhiên, khi thu hoạch chỉ có 2 trong số 4 DN thực hiện theo hợp đồng đã ký.
Tuy nhiên về phía các DN, ông Lê Việt Hải, Giám đốc Cty CP Mê Kông than phiền: Từ hơn 10 năm trước đây Cty CP Mekong đã thực hiện đầu tư và bao tiêu lúa Jasmine với nông dân Cần Thơ và Hậu Giang, mỗi năm từ 1.200 ha đến 4.000 ha.
Dù vậy vẫn còn xảy ra tình trạng nông dân bẻ kèo, không thực hiện hợp đồng như cam kết ban đầu. Mỗi khi gặp những trường hợp như vậy, chúng tôi đành chịu không thể làm gì nông dân được, vì biết kêu ai để xử lý khi tranh chấp hợp đồng?
Mới đây, một DN tại Cần Thơ lần đầu tiên thực hiện liên kết tiêu thụ vụ lúa ĐX 2013-2014 trên CĐL tại xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ đã gặp ngay chướng ngại.
DN này cho biết đã ứng trước tiền đầu tư lúa giống cho nông dân trên 100 ha.
Đến khi thu hoạch thấy lúa có giá, nhiều nông dân không bán lúa cho DN mà bán qua thương lái, dù rằng DN mua bằng giá với thương lái. Hợp đồng có chính quyền xã xác nhận, nhưng đến nay chưa biết cách nào thu lại được tiền lúa giống của từng hộ bẻ kèo.
Có thể bạn quan tâm
Trong khi ngành chăn nuôi lao đao vì giá cả bấp bênh, vì dịch bệnh thì riêng chăn nuôi bò lai nông dân ít gặp rủi ro, giá cả luôn ổn định, trở thành mũi nhọn kinh tế cho nhà nông hiện nay.
Gần đây, diện tích rừng trống, đồi núi trọc trên địa bàn các xã miền núi được phủ xanh bởi những cánh rừng tràm, rừng cao su bạt ngàn. Từ đây, nhiều hộ dân phát triển mô hình nuôi ong mật mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, tiềm năng này của Thừa Thiên Huế vẫn đang bị lãng phí.
Hoa lài là loại cây có hoa màu trắng và hương thơm có thể trồng được quanh năm, nhưng tốt nhất là vào thời điểm trước và sau mùa mưa. Ngoài tác dụng làm thuốc, hòa lài còn được sử dụng chế biến ướp trà. Những năm gần đây, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã đưa cây lài vào mô hình có hiệu quả kinh tế cao trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó Trà Vinh là tỉnh có điều kiện khí hậu và đất đai thích hợp loại cây trồng này.
Tỉnh Tiền Giang đã triển khai Dự án "Cải thiện sinh kế cho nông hộ nghèo ở huyện Tân Phú Đông" với sự tham gia của Tổ chức Heifer, Tổ chức Liên minh Na uy tại Việt Nam (NMA). Dự án có tổng kinh phí trên 18,2 tỉ đồng, trong đó UBND tỉnh Tiền Giang đầu tư 4 tỉ đồng. Thời gian thực hiện trong vòng 5 năm từ 1/7/2013 đến hết tháng 6/2017.
Năm nay là vụ thứ 3 tỉnh Bắc Kạn đưa dong riềng vào cơ cấu cây trồng mũi nhọn với quy mô đại trà, nhờ đó diện tích cây trồng này đã nhanh chóng được mở rộng lên tới gần 3.000ha, trong khi kế hoạch năm 2013 mới chỉ là 2.100ha. Sản lượng củ dong năm nay ước đạt 193.000 tấn.