Được Mùa Măng
Năm nay, ở Sơn La mưa nhiều hơn mọi năm nên măng phát triển mạnh, được mùa. Nhiều gia đình có thêm một khoản thu nhập khá từ măng.
Mùa măng Sơn La bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch. Khi những cơn mưa phùn đi qua, nắng vàng ánh lên, những chồi măng non nhú lên khỏi mặt đất, người dân nghỉ làm cỏ ngô, làm ruộng và bắt đầu đi đào những đợt măng đầu tiên.
Măng được xem như là lộc rừng. Đến các bản xa xôi của huyện Mộc Châu như bản người Thái, bản Khơ Mú, Xinh Mun… dịp này thấy nhà nhà đều vắng tanh vì cả làng đổ xô lên rừng đào măng. Từ người già cho đến trẻ con ai cũng mang trên vai những gùi măng nặng hàng chục cân.
Chị Hà Thị Uối (xã Trường Sơn, huyện Mộc Châu, Sơn La) cho biết: Ở đây, người dân đi đào măng từ lúc 8h sáng cho đến 9h tối. Bà con thường lên núi Pa Che để lấy măng rừng. Đi đào măng vất vả lắm, có khi phải mang cơm đi theo rồi ở cả ngày trên rừng nhưng ai cũng phấn khởi, vì nhờ măng mà người dân có thêm thu nhập, có những hộ gia đình đông người, thu nhập được cả chục triệu đồng sau mỗi vụ măng.
Ở chợ Km 70 – Mộc Châu, măng từ các bản được đổ về nhiều và chất thành đống. Thương lái khắp các huyện Yên Châu, Vân Hồ… đi vào tận các bản để thu mua măng. Tại thời điểm này, giá măng đắng dao động trong khoảng 5-6 ngàn đ/kg. Đầu mùa, khi măng đắng đang được ưa chuộng, giá mỗi kg măng có thể lên tới 20- 25 ngàn.
Măng được chở về các nơi như thành phố Sơn La, Hà Nội và các tỉnh lân cận khác. Lái buôn Lê Thị Làn cho biết thêm: Hiện nay, người tiêu dùng chuộng các loại măng ngọt. Ở dưới xuôi, người ta thích măng vì măng dễ ăn, chế biến được nhiều món như măng luộc, măng nướng, măng chua, măng khô…
Dọc theo con đường 20/11 thuộc chợ Bảo Tàng (thị trấn Mộc Châu, Sơn La), đồng bào người Dao, Mông, Xinh Mun… ngồi xếp thành hàng dài ở ven đường bán măng. Chị Hà Thị Diễn (xã Lóng Sập, huyện Mai Châu, Sơn La) chia sẻ: Năm nay thời tiết mưa nhiều nên măng mọc nhiều lắm. Ngày nào, bà con Xinh Mun cũng có măng để ra chợ bán. Ai cũng vui và phấn khởi vì được mùa măng.
Tuy nhiên, hiện măng rừng ở Sơn La ngày càng bị thu hẹp. Việc lấy măng của người dân bị hạn chế. Nhiều nơi đã treo biển cấm dân vào rừng lấy măng để bảo vệ rừng. Vì thế, ở nhiều địa phương đã triển khai việc trồng tre lấy măng thay thế cho măng rừng.
Tại bản Suối Lìn (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, Sơn La), diện tích trồng tre lấy măng ngày càng mở rộng. Trung bình mỗi hộ đều trồng từ 1- 2 ha tre lấy măng. Măng được trồng là loại măng không đắng, có vị ngọt và mát. Từ lúc trồng cho đến khi thu hoạch được chứng 2- 3 năm. Cứ 2-3 ngày, người dân lại đào măng một lần. Đầu mùa, giá măng dao động từ 6-10 ngàn, đến giữa mùa giảm còn 5- 6 ngàn đ/kg.
Bà Bàn Thị Ánh, người có diện tích trồng măng lớn nhất trong bản cho biết: "Năm nay, gia đình tôi trồng 3 ha tre lấy măng. Cả nhà đều đi thu hoạch măng, cứ ba ngày thu hoạch được 500kg măng. Tính sơ sơ cả vụ thu về gần 50 triệu đồng. Vụ măng chỉ là vụ phụ còn làm lúa và trồng ngô vẫn là chính, nhưng nhờ trồng măng mà gia đình cũng có đồng ra đồng vào".
Ông Mùi Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ khẳng định: Việc trồng tre lấy măng khá đơn giản lại không phải đầu tư nhiều như những loại cây trồng khác nên mang lại thu nhập cao, được bà con rất ưa chuộng. Diện tích trồng tre lấy măng ngày càng được mở rộng. Nhiều gia đình qua mỗi vụ măng mua sắm được xe máy và các đồ đạc cần thiết trong gia đình, cho con cái đi học...
Măng cũng là cây giúp bà con thoát nghèo.
Có thể bạn quan tâm
Dễ trồng, đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế rất cao. Đó là đánh giá về hiệu quả trồng cây măng tây xanh của người dân phường Văn Hải, TP Phan Rang- Tháp Chàm (Ninh Thuận).
Quốc đảo Philippines từ lâu đã nổi tiếng là nơi cung cấp dừa và các sản phẩm từ dừa lớn nhất thế giới. Một phần ba dân số của Philippines sống phụ thuộc vào ngành công nghiệp dừa. Nhóm phóng viên VTC16 đã đến tìm hiểu về ngành công nghiệp đã đem lại kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho đất nước này.
Điểm khác nhau giữa mô hình 3 giảm, 3 tăng với các ruộng sản xuất đại trà là: sử dụng giống nguyên chủng PC6 (lúa chất lượng cao) với lượng giống 50 - 60 kg/ha, kết hợp công cụ sạ hàng để giảm lượng giống gieo sạ, điều tiết mật độ cây thích hợp và giảm công lao động, sử dụng phân bón vi sinh để thay thế 50% lượng phân đạm và lân, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho lúa trong thời gian 40 ngày sau sạ
Từ bỏ công việc buôn bán, Học đăng ký thầu 5ha đất trũng thuộc khu Đầm Sung với thời gian 10 năm để thực hiện kế hoạch làm giàu.
Theo tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa giảm thuế chống bán phá giá cho cá tra Việt Nam