Nhiều Nông Dân Quay Lưng Với Cây Quý Tộc
Bình Phước có nhiều lợi thế để phát triển các loại cây trồng giá trị kinh tế cao như cao su, tiêu, điều, cà phê, cây ăn trái...
Nhưng do người dân chạy theo thị trường, không theo quy hoạch dẫn tới cung vượt cầu và hệ quả là điệp khúc trồng - chặt - trồng liên tục diễn ra, người nông dân rơi vào vòng luẩn quẩn. Hiện nhiều người dân đã quay lưng với cây cao su, loại cây một thời làm giàu cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh. Nhưng do người dân chạy theo thị trường, không theo quy hoạch dẫn tới cung vượt cầu và hệ quả là điệp khúc trồng - chặt - trồng liên tục diễn ra, người nông dân rơi vào vòng luẩn quẩn. Hiện nhiều người dân đã quay lưng với cây cao su, loại cây một thời làm giàu cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh.
THỜI HOÀNG KIM
Năm 1997, lúc mới tái lập tỉnh, Bình Phước chỉ có gần 100.000 ha cây cao su. Đến nay, diện tích đã lên 231.984 ha, trong đó, diện tích đang cho thu hoạch là 144.205 ha, năng suất bình quân đạt gần 19 tạ/ha, sản lượng đạt gần 276 ngàn tấn, đưa Bình Phước trở thành tỉnh có diện tích cây cao su lớn nhất cả nước.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Diện tích cây cao su phát triển mạnh nhất vào các năm 2010, 2011 do giá mủ tăng cao. Lúc này phong trào trồng cao su rầm rộ. Không ít hộ cưa bỏ vườn cây ăn trái, cây điều... đang kỳ thu hoạch để trồng cao su. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức đến thuê đất trồng cao su. Song song đó, nhiều dịch vụ “bám” theo cây cao su như làm giống, khoan lỗ, làm đất, thu mua mủ tiểu điền, kinh doanh vật tư... cũng phát triển mạnh.
Trước đây, anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Phước An (Hớn Quản) đã phá bỏ 4 ha cây ăn trái để trồng cao su. Gặp thời kỳ giá mủ cao anh Dũng xây được ngôi nhà hai tầng khang trang. Anh cho biết, nếu giữ lại 4 ha cây ăn trái thì cuộc sống của 6 người trong gia đình cũng chỉ đủ ăn, đủ mặc. Anh tính toán: “Thời điểm năm 2010-2012, giá mủ xấp xỉ 40 ngàn đồng/kg nên mỗi ngày vườn cao su của tôi thu về hơn 3 triệu đồng”. Cây cao su đã từng là cây làm giàu của hàng ngàn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh.
Bà Trương Thị Quỳnh Lương, công nhân Nông trường 4 (Công ty Cao su Phú Riềng) nhớ lại: “Những năm mủ cao su được giá, mỗi tháng, tiền lương hai vợ chồng gần bốn chục triệu đồng, cuối năm hơn trăm triệu đồng tiền thưởng/người nên tôi làm được nhà, mua thêm rẫy”.
Các loại hình dịch vụ đi kèm cây cao su phát triển mạnh. Các công ty cao su trên địa bàn tỉnh có thêm điều kiện để tái đầu tư sản xuất, xây dựng hạ tầng cơ sở. Bộ mặt nông thôn Bình Phước ngày một khởi sắc, đời sống của người dân được nâng cao cũng nhờ cao su.
KHÔNG BỀN VỮNG
Có thể nói, với những diễn biến thất thường về giá mủ trong thời gian qua cho thấy cao su thực sự là cây làm giàu không bền vững. Bởi lúc thì giá mủ tăng cao kỷ lục, khi thì tụt xuống tận đáy làm người trồng lao đao, trong khi các khoản chi phí đầu vào sản xuất và đời sống không giảm.
Theo thông báo của Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh về giá mủ nguyên liệu thu mua trong tháng 5-2014: Mủ nước 305 đồng/độ, mủ chén dây khô 13 ngàn đồng/kg, mủ đông ướt 9.500 đồng/kg... Đây là giá thấp nhất từ trước tới nay.
Anh Nguyễn Văn Hoàn ở thị xã Bình Long cho biết, đó là giá do công ty thu mua để chế biến, còn giá do tư thương mua mủ tiểu điền tại vườn rẫy thấp hơn nhiều. Hiện trên địa bàn thị xã Bình Long tuy chưa có ai đốn bỏ cây cao su nhưng đã nhiều nhà bỏ mặc vườn cây. Thu nhập không đủ trả tiền thuê công cạo nên vợ chồng anh Hoàn phải tự thu hoạch.
Anh Hoàn tính, hiện cạo 1 ha cao su vào loại tốt tiền bán mủ chỉ 150 ngàn đồng/ngày. Trong khi tiền công cạo là 180 ngàn đồng/ngày. Nhiều chủ vườn đã thỏa thuận chia đôi sản phẩm thu hoạch với thợ cạo. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời cho cả chủ vườn lẫn thợ cạo.
Năm 2012, anh Hoàng Văn Bảo ở thị trấn Đức Phong (Bù Đăng) đã cưa bỏ 12 ha điều hơn 10 năm tuổi để xuống giống cao su. Anh Bảo than thở: Nếu vườn điều được giữ lại thì năm nay tôi trúng đậm. Nay 12 ha cao su mới trồng đã không có nguồn thu lại tốn nhiều tiền chăm sóc, thuê người bảo vệ...
Những vườn cao su thu hoạch trên 5 năm thì chủ vườn chưa bị thiệt hại nặng vì họ đã được hưởng lợi từ giá mủ cao của những năm trước. Còn đối với những hộ mới trồng thì thiệt đơn, thiệt kép. Những trường hợp vay vốn ngân hàng để mua đất, trồng mới cao su khó tránh nguy cơ mất vốn.
BÀI HỌC TỪ LOẠI CÂY "QUÝ TỘC"
Gọi là “quý tộc” bởi cao su không phải là loại cây dễ trồng như nhiều loại cây khác. Người trồng cao su phải có điều kiện kinh tế, nhân lực thì khả năng sinh lợi cao. Còn hộ nghèo, ít vốn, thiếu nhân lực... chạy đua với cây cao su thì bị thiệt là điều khó tránh khỏi.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, 1 ha đất có thể trồng 500-550 cây cao su. Số tiền đầu tư cho mỗi ha cao su lớn gấp đôi so nhiều loại cây trồng khác. Chủ cơ sở giống cây trồng Quốc Thắng (Chơn Thành) cho biết, hiện giá cao su stump trần là 3.000 đồng/cây, stump bầu 6.000-9.000 đồng/cây tùy loại. Để trồng 1 ha cao su, tiền giống khoảng 15 triệu đồng, chưa kể phân bón, công làm đất, đào hố...
Tìm hiểu tại một số cơ sở sản xuất giống cao su trên địa bàn huyện Chơn Thành thì vài năm trước, đây là thời điểm xuất hàng, nhộn nhịp cảnh mua bán. Nhưng hiện hầu hết các điểm sản xuất này đều vắng khách.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, do chạy đua về giá mà không nghĩ tới hậu quả lâu dài nên nhiều hộ đã bỏ mặc vườn cao su. Mủ cao su dù mất giá nhưng vẫn còn giá trị về gỗ. Do vậy, những hộ có điều kiện nên tiếp tục chăm sóc vườn cây để chờ giá, lại đảm bảo chất lượng gỗ khi khai thác.
Có thể bạn quan tâm
Gần 2 tháng nữa, Kỳ Sơn (Nghệ An) mới bước vào mùa thu hoạch gừng, nhưng đã có rất nhiều thương lái, doanh nghiệp tìm đến phố núi Mường Xén để tìm nguồn hàng. Hiện nay, giá gừng tươi chất lượng tốt tại Mường Xén lên đến 34 ngàn đồng/kg…
Được coi là một loại cây dược liệu quý, cây trinh nữ hoàng cung đã được một số hộ dân ở xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn, Ninh Thuận) trồng theo hướng thâm canh, thu lá và hoa phơi khô để bán cho một số đầu mối thu mua, chế biến dược liệu. Nhưng từ khoảng một năm nay, do không tiêu thụ được nên người trồng điêu đứng.
Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 461ha mía, năng suất bình quân 100-115 tấn/ha, tập trung ở huyện Phụng Hiệp và TX.Ngã Bảy. Do giá đường trên thị trường đang ở mức thấp (12.000-12.100 đồng/kg) nên giá thu mua mía nguyên liệu đầu vụ không cao, nông dân có lợi nhuận ít nên không mấy phấn khởi.
Những ruộng mía, vườn chuối trăm triệu là nguồn thu nhập trông đợi cả năm trời bỗng chốc đổ rạp cùng với nỗi lo đè nặng lên vai người nông dân Gia Bình (Bắc Ninh) sau cơn bão số 3. Thiệt hại bão gây ra cho sản xuất nông nghiệp của địa phương này là không nhỏ và những biện pháp khắc phục, cứu vớt tài sản đang được chính quyền và người dân Gia Bình khẩn trương thực hiện.
Để phát triển kinh tế, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, mặt nước, nhân lực... góp phần tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, UBND huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương trên địa bàn tập trung mở rộng diện tích, đa dạng hình thức nuôi trồng thủy sản theo hướng phát triển bền vững.