Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tỉ Phú Dưới Chân Đồi Gò Loi

Tỉ Phú Dưới Chân Đồi Gò Loi
Ngày đăng: 23/10/2013

Những ngày công tác ở vùng trung du Hoài Ân (Bình Định), chúng tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện đẹp như cổ tích về những tỉ phú “chân đất” đi lên từ hai bàn tay trắng. Một trong số đó là người trưởng thôn đa năng, đa tài Mai Văn Rõ (52 tuổi), ở thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây.

Điển hình vượt khó

Trước khi chúng tôi tìm đến trang trại của ông Rõ, ông Trần Văn Diệt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ân Tường Tây, cho biết: “Ông này làm ăn giỏi lắm, một năm doanh thu hơn 2 tỉ bạc từ chăn nuôi heo, gà, vịt kết hợp trồng rừng”. Ấy vậy mà khi gặp mặt, ông Rõ nói kiểu “lùi bánh”: “Tôi có gì đâu mà viết báo. Cả thôn này có khối người giỏi hơn tôi ấy chứ!”. Nói vậy nhưng sau vài ly trà ấm, ông Rõ cũng đồng ý bắt đầu câu chuyện làm ăn của mình.

Bên bàn trà trong ngôi nhà khang trang, ông đưa chúng tôi trở về thời khởi nghiệp của ông: “Tôi vốn là người con vùng quê ven biển Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn. Năm 1990, nhận thấy đất đai trên này màu mỡ, rộng rãi, vốn là người mê làm nông nghiệp từ nhỏ, tôi vay mượn của bạn bè, anh em trong gia đình để sang nhượng khu đất rộng 4 ha dưới chân đồi Gò Loi thuộc thôn Tân Thịnh để làm trang trại trồng rừng kết hợp với chăn nuôi. Lúc đầu, do chưa rành kỹ thuật cộng với chưa có kinh nghiệm, nên làm đâu thất bại đó…”.

Loay hoay chưa biết phải làm cách nào để thoát được cái nghèo thì ông Rõ gặp lại người bạn thân đi lập nghiệp ở miền Nam về chơi và chia sẻ kinh nghiệm làm trang trại. Được ông bạn truyền cho nhiều “bí kíp” làm ăn, ông Rõ rất tin tưởng và quyết định tiếp tục đánh thức vùng đất trống, đồi trọc này bằng mô hình trang trại trồng trọt kết hợp chăn nuôi tổng hợp. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ban đầu ông nuôi vài con heo, dần dần lên đến bốn năm chục con; rồi tiếp tục mở rộng ra nuôi gà, nuôi bò, trồng rừng nguyên liệu giấy và trồng hồ tiêu…

Trở thành tỉ phú

Sau hơn 20 năm “cày ải” trên vùng đất đồi hoang hóa, nơi mà những giọt mồ hôi “dãi nắng dầm sương” đã thấm đẫm, cùng một cái đầu luôn biết tính toán năng động, đến nay, vùng đồi hoang ngày nào giờ đã trở thành trang trại cho thu nhập bạc tỉ. Hiện tổng diện tích trang trại của ông Mai Văn Rõ rộng khoảng 6 ha. Trong đó, diện tích rừng keo lai, bạch đàn 4 ha; chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, ao nuôi cá, vườn tiêu 2 ha.

Ông Rõ cho biết: Tôi có 4 ha rừng trồng, 400 gốc tiêu, 24 con heo nái lai sinh sản, 250-300 con heo thịt hướng nạc/lứa, 150 gà mái đẻ cùng 3.000 - 5.000 con gà thả vườn, 400 con vịt, tổng thu nhập của trang trại mỗi năm khoảng 2,2 tỉ đồng, sau khi trừ mọi chi phí, còn lãi gần 1 tỉ đồng. Trang trại của tôi thực hiện theo quy trình chăn nuôi khép kín và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi. Cơ bản là tôi tự sản xuất con giống để chăn nuôi, luôn chú trọng đến việc phòng và điều trị bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Theo ông Rõ, để làm kinh tế trang trại thành công, ngoài cái chung là phải có ý chí làm giàu, dám nghĩ, dám làm, chịu khó, chịu khổ, kiên trì, sáng tạo trong lao động sản xuất, còn phải nắm vững kỹ thuật chăn nuôi đối với từng loại vật nuôi. Đối với đàn gà thả vườn, người nuôi phải chú trọng đến khâu chọn giống, kỹ thuật úm gà khi còn nhỏ, tiêm vắc-xin định kỳ. Còn đối với đàn heo, phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng kết hợp tiêm vắc-xin phòng ngừa các loại dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả. Đồng thời, người chăn nuôi phải nhạy bén với thị trường, biết nhìn nhận và đánh giá thị trường vào từng thời điểm để có được giá bán sản phẩm cao.

Thêm một tâm nguyện

Nhìn lại quãng thời gian hơn 20 năm gắn bó với mảnh đất Tân Thịnh, ông Rõ bộc bạch: “Ngày mới đến lập nghiệp ở đây, tôi cũng chỉ mong sao cuộc sống đỡ vất vả chứ đâu nghĩ sẽ có được cơ ngơi, sự nghiệp như ngày hôm nay. Thậm chí, khi tôi bắt tay vào khai phá vùng đất hoang hóa này, ai cũng bảo tôi bị… gàn”.

Ông Rõ nói thế, chúng tôi tưởng ông đã hài lòng với những gì mình có, nhưng không phải vậy. Ông tâm sự: Việc chăn nuôi hiện nay chỉ là biện pháp “lấy ngắn nuôi dài”. Tâm nguyện của tôi là khôi phục lại diện tích và thương hiệu cây chè Gò Loi nổi tiếng trước đây. Đất đai ở Tân Thịnh khá màu mỡ, phù hợp với cây chè, trước đây chè Gò Loi khá nổi tiếng với chất lượng thơm ngon. Tiếc là thời gian qua cây chè ở đây không được quan tâm nên dần dà bị phá gần hết.

Với tâm huyết khôi phục thương hiệu chè Gò Loi, ông Rõ cùng với một số người dân ở thôn Tân Thịnh liên hệ mua 200 ngàn cây giống chè ở Thái Nguyên về trồng trên diện tích 10 ha. Theo kế hoạch, đến năm 2015 sẽ mở rộng diện tích trồng chè lên 30 ha và sẽ mở cơ sở chế biến chè tại địa phương. “Nếu như cây chè phát triển đúng như dự tính của chúng tôi, thì không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân nơi đây. Đồng thời, chè Gò Loi sẽ dần lấy lại được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường để tiếp tục góp phần cải thiện đời sống của người dân Ân Tường Tây”.

Không biết việc hồi sinh cây chè Gò Loi rồi có trở thành hiện thực hay không, nhưng cứ nhìn vào cái cơ ngơi tiền tỉ mà ông Rõ đã tạo dựng nên từ đôi bàn tay và trí óc của ông, chúng tôi tin vào sự quả quyết đó.

Ông trưởng thôn được dân tin yêu

Trưởng thôn Mai Văn Rõ được người dân địa phương tín nhiệm vì luôn tận tụy với công việc chung của thôn. Qua 2 nhiệm kỳ làm trưởng thôn, ông luôn gắn bó với bà con, kịp thời triển khai những chính sách, chủ trương của cấp trên về công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội ở vùng đất trung du này.

Với phong thái nhanh nhẹn, rất am tường về các lĩnh vực tại địa phương, cùng cách nói chuyện gần gũi, chân chất, luôn hết mình vì công việc chung, ông đã chinh phục được người dân vùng quê nghèo nơi đây bằng sự tin tưởng, mến mộ. Ông Rõ luôn tâm niệm rằng, ngoài việc làm giàu cho bản thân, gia đình, mình cũng phải có trách nhiệm với xã hội, cùng tham gia gánh vác công việc chung để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, các gia đình không may mắn, hỗ trợ bà con thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Với tài “dân vận khéo”, từ khi triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, ông Rõ đã vận động người dân hiến trên 3.000m2 đất ruộng, đất vườn, đóng góp hàng trăm triệu đồng để xây dựng trên 3 km đường giao thông nông thôn tại địa phương.

Trưởng thôn Mai Văn Rõ chia sẻ: “Bà con đã tin tưởng mình nên họ mới tín nhiệm bầu lên. Mà đã nhận nhiệm vụ thì phải nỗ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, nhất là vận động người người, nhà nhà tự lực, tự cường phát triển kinh tế gia đình để từng bước xóa đói, giảm nghèo. Nếu kinh tế gia đình nào cũng khấm khá, người dân đồng tâm hiệp lực thì bộ mặt kinh tế-xã hội cả thôn mới khởi sắc, và việc xây dựng nông thôn mới của thôn, của xã mới thành công”.

Ông Trần Văn Diệt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ân Tường Tây, nhận xét: “Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Rõ là một trưởng thôn có trách nhiệm, năng nổ, nhiệt tình, công tác xã hội rất hiệu quả. Rất nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khi tiếp thu ở xã, ở huyện về là ông triển khai ngay đến tận người dân. Ông luôn lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con, kịp thời phản ánh đến lãnh đạo các cấp, các ngành để cấp trên nắm bắt, giải quyết. Không những làm kinh tế giỏi, Trưởng thôn Mai Văn Rõ luôn hoàn thành xuất sắc chức trách ông đảm nhiệm”.


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Thâm Canh Đậu Phụng Có Hiệu Quả Mô Hình Thâm Canh Đậu Phụng Có Hiệu Quả

Vụ Đông Xuân (ĐX) 2013 - 2014 và vụ Thu 2014, huyện Phù Cát (Bình Định) đã thực hiện 2 mô hình (MH) cánh đồng mẫu lớn (CĐML) sản xuất đậu phụng trên diện tích 88 ha tại 2 xã Cát Hiệp và Cát Hải, có 373 hộ tham gia. Bên cạnh việc thực hiện tốt quy trình kỹ thuật, MH còn được triển khai 5 công thức bón phân cho cây đậu phụng.

22/11/2014
Lao Đao Vì Dịch Chổi Rồng Lao Đao Vì Dịch Chổi Rồng

“Nông dân cần kịp thời được tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ vốn, giống mới. Thu hoạch cách nhau mấy ngày mà chênh lệch đến mấy triệu đồng... Sống nhờ vườn mà nghề vườn bấp bênh, rủi ro quá, nhiều người đã bỏ đất đi làm thuê làm mướn”, anh Nghĩa nói vậy. Bản thân anh cũng đang hợp đồng với ngành du lịch Vĩnh Long chạy đò chở khách để kiếm thêm phụ vợ nuôi bầy con.

22/11/2014
Cam Cao Phong Hành Trình Xây Thương Hiệu Cam Cao Phong Hành Trình Xây Thương Hiệu

Với giá trị kinh tế nổi bật, cây cam đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho các hộ trồng cam trên địa bàn huyện Cao Phong. (Gia đình anh Cao Xuân Quỳnh, xóm Nam Thành, xã Nam Phong (Hòa Bình) thoát nghèo vơn lên làm giàu nhờ cây cam).

22/11/2014
Nhiều Cơ Hội Mở Ra Cho Sản Phẩm Cam Cao Phong Nhiều Cơ Hội Mở Ra Cho Sản Phẩm Cam Cao Phong

Trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu, sản phẩm cam Cao Phong ngày càng khẳng định được lợi thế nổi bật so với các loại đặc sản khác của địa phương. Đến nay, cam Cao Phong là sản phẩm đầu tiên và duy nhất của tỉnh đã đăng ký bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý (CDĐL). Kết quả này mở ra nhiều cơ hội để cam Cao Phong trở thành một thương hiệu mạnh, có sức vươn bền bỉ ra thị trường trong và ngoài nước.

22/11/2014
Cây Hồng Xiêm Giúp Hàng Nghìn Hộ Dân Thoát Nghèo Cây Hồng Xiêm Giúp Hàng Nghìn Hộ Dân Thoát Nghèo

Ông Trần Văn Quát, Chủ tịch UBND xã Kim Sơn, huyện Châu Thành - địa phương có diện tích cây hồng xiêm lớn nhất tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay hồng xiêm đang là cây chủ lực của xã, đời sống nhân dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ cây hồng xiêm. Tới đây, diện tích trồng hồng xiêm của xã sẽ còn tăng lên bởi loại cây này dễ chăm sóc, có giá cả ổn định

22/11/2014