Nhiều Nỗ Lực Khắc Phục Tình Trạng Cao Su Rớt Giá
Vào thời điểm này, giá cao su xuất khẩu vẫn giảm mạnh, khiến nhiều người trồng cao su phải bán lỗ hoặc muốn bán cũng không tìm được thị trường, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh cũng như đảm bảo chế độ, quyền lợi cho người lao động.
Trước thực trạng này, nhiều doanh nghiệp cũng như người dân trồng cao su tiểu điền đang nỗ lực tìm mọi giải pháp để khắc phục những khó khăn trước mắt, đảm bảo chế độ, quyền lợi cho công nhân và tiếp tục duy trì diện tích vườn cây.
Doanh nghiệp khắc phục khó khăn
Gia Lai là một tỉnh có diện tích cao su lớn nhất Tây Nguyên, với 120.000 ha. Thời gian qua, 50% sản phẩm mủ cao su ở tỉnh ta được xuất khẩu chính ở thị trường Trung Quốc. Vì phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nên khi gặp rủi ro thì phần thiệt vẫn thuộc về người bán.
Qua tìm hiểu, trong giai đoạn khó khăn này, có lẽ duy nhất trên địa bàn tỉnh chỉ có Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông là tìm kiếm được thị trường ổn định để bao tiêu sản phẩm. Ông Phan Sỹ Bình-Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông, cho biết: Thị trường hàng hóa luôn có sự điều tiết theo quy luật cung-cầu.
Do vậy, Công ty đã có sự tính toán, chủ động trước diễn biến bất lợi của thị trường cao su, Công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu bao tiêu sản phẩm dài hơi tại thị trường nước ngoài.
Vì thế, dù giá cao su có tụt giảm đến đâu, Công ty vẫn yên tâm sản xuất. Mủ cao su của đơn vị sản xuất tới đâu đều bán hết tới đó. Đó là những điều kiện thuận lợi để Công ty phấn đấu sản xuất có lãi. Cùng với đó, Công ty thực hiện tiết giảm các chi phí, nên đời sống, các chế độ, chính sách của người lao động vẫn được đảm bảo.
Vào thời điểm trung tuần tháng 8-2014, chúng tôi có mặt tại Công ty 715 (Binh đoàn 15). Được biết, thời gian này, để khắc phục khó khăn, Công ty 715 cũng đã thực hiện nhiều giải pháp, như: tinh giảm biên chế ở những bộ phận gián tiếp, tiết kiệm chi phí nhằm giảm bớt khó khăn. Đồng thời, Công ty không trồng mới, tập trung thâm canh nâng cao năng suất vườn cây, nhằm hạ giá thành sản phẩm.
Để người lao động yên tâm gắn bó vườn cây, lương công nhân vẫn được giữ nguyên, chỉ giảm lương ở bộ phận gián tiếp. Đơn vị quyết tâm đảm bảo mức lương cho công nhân như năm 2013 (hơn 5 triệu đồng/người/tháng). Đó là nguồn động viên thiết thực để công nhân yên tâm gắn bó, chia sẻ khó khăn với đơn vị.
“Hơn nữa, để tiếp tục duy trì sản xuất chờ giá tăng trở lại, ngay từ đầu năm 2014, Công ty phấn đấu nâng công suất nhà máy chế biến mủ từ 3.700 tấn lên 4.200 tấn/năm. Đây là cơ sở giảm giá thành, hạ giá bán để Công ty tiêu thụ sản phẩm mủ cao su. Hơn nữa, Công ty tiếp tục nỗ lực tìm kiếm thị trường, đặc biệt là thị trường khu vực, như: Malaysia và Hàn Quốc”- Giám đốc Lê Đình Hùng cho biết.
Nông dân vẫn duy trì diện tích vườn cây
Trong khi nhiều nông dân trồng cao su tiểu điền lao đao vì giá cao su rớt thảm hại đã phải chặt bỏ vườn cây, qua tìm hiểu của P.V, phần lớn diện tích cao su tiểu điền trên địa bàn các huyện: Ia Grai, Đức Cơ, Đak Đoa vẫn được nông dân duy trì và chăm sóc tốt.
Thời điểm này đang là mùa cạo mủ, một trong những biện pháp mà người trồng cao su tiểu điền thực hiện là thay vì thuê người cạo nay chủ vườn đi học cạo mủ và về tự khai thác vườn cây của mình.
Ông Rơ Châm Ích, xã Ia O (huyện Ia Grai), cho biết: Khi lòng hồ thủy điện Sê San 4 bị ngập, gia đình được Nhà nước đền bù hơn 1 ha cao su đang trong thời kỳ khai thác năm thứ 10. Hai năm gần đây, giá bán giảm, chi phí vật tư trên vườn cây, phân bón, tiền nhân công không giảm mà còn tăng.
Trước tình hình này, trên địa bàn xã có mở lớp dạy nghề cạo mủ cao su cho nông dân, tôi đã đi học về tự cạo vườn nhà. Tiền thuê công cạo như mọi năm sẽ được cắt giảm để bù đắp phần mủ cao su rớt giá. Tính ra mỗi ngày gia đình tôi vẫn thu lời từ cây cao su khoảng 300.000-400.000 đồng.
Thay đổi chế độ cạo mủ cao su cũng được nhiều nông dân trồng cao su tiểu điền áp dụng trong vụ thu hoạch này. Ông Nguyễn Văn Nông, có 8 ha cao su khai thác ở xã Ia Dêr (huyện Ia Grai), cho biết: Hiện giá mủ thấp, rất nhiều nông dân lơ là với việc chăm sóc vườn cây.
Nhưng tôi thấy, dù giá mủ xuống thấp, nhưng thu nhập từ cây cao su vẫn có lợi nhuận hơn so với các cây trồng khác nên vẫn chăm sóc, bón phân bình thường và duy trì diện tích vườn cây. Chỉ khác, vụ thu hoạch này tôi thay đổi chế độ cạo mủ. Cách một ngày cạo một ngày để cây có thêm thời gian phục hồi, ít hao vỏ cạo hơn.
Có thể bạn quan tâm
Qua nguồn thông tin từ các hộ ngư dân hành nghề lặn hải đặc sản và báo cáo của các cộng tác viên tại địa phương, thì hiện nay đã có hiện tượng nguồn lợi nhuyễn thể hai mảnh vỏ bị chết tại một số khu vực trên vùng biển Bình Thuận. Chi cục Thủy sản đã cử cán bộ xuống khảo sát tại địa bàn.
Toàn tỉnh Bến Tre có 4 cơ sở sản xuất giống từ nguồn cá tra đã qua chọn lọc của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II. Đến nay, có 3 cơ sở sản xuất giống đã cho đẻ.
Lúa hè thu vùng ĐBSCL bước vào thời điểm thu hoạch đại trà vào tháng 7 và 8 nhưng trong bối cảnh cung vượt cầu trên thị trường gạo thế giới đã tạo nên áp lực lớn đến việc tiêu thụ, xuất khẩu trong nước. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), xung quanh vấn đề này.
Thấy giá cà phê tăng, nông dân Khánh Sơn (Khánh Hòa) lại ồ ạt trồng cà phê. Điều đáng nói là người dân chỉ trồng mà không chăm sóc nên hiệu quả không cao.
Ngày 16-11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTT) có công văn số 2911/QĐ-BNN-KHCN đồng ý cho Công ty TNHH Syngenta Việt Nam khảo nghiệm giống bắp biến đổi gen mới là MIR 162. Đây là giống bắp biến đổi gen (GMO) kháng sâu gây hại bộ vảy (miệng nhai).