Xây Dựng Mô Hình Trồng Mây Nếp, Nâng Cao Hiệu Quả Sử Dụng Đất Ở Cam Thủy
Xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) là địa phương thuộc vùng trung du có diện tích tự nhiên 2.069 ha. Hiện nay, đất đai được người dân sử dụng trồng rừng kinh tế và trồng cây cao su rất lớn, với diện tích 1.073 ha (trong đó diện tích rừng trồng là 650 ha, diện tích trồng cây cao su là 423 ha), chiếm 51,86% diện tích tự nhiên của địa phương.
Qua thực tế cho thấy, với diện tích rừng hiện có và các trang trại cần đưa thêm đối tượng cây mây vào trồng vành đai thì sẽ tăng tính đa dạng, bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông dân.
Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Trị đã đầu tư thực hiện mô hình trồng rừng thâm canh cây mây nếp tại xã Cam Thủy, với quy mô 29 ha, trồng theo dạng vành đai quanh các lô rừng trồng, quanh các lô cao su và vườn nhà bằng nguồn vốn dự án từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Mô hình được thực hiện tại 4 thôn: Thiện Chánh, Tân Xuân, Tam Hiệp và Lâm Lang 1.
Với phương thức bố trí mô hình theo dạng trồng vành đai, đã có các loài cây lâm nghiệp vành đai làm giá đỡ. Với đặc tính sinh thái của cây mây nếp phù hợp với điều kiện trồng có độ che bóng 0,3 - 0,5, khi lên phải có các cây để leo, bám. Vì vậy phương thức bố trí mô hình như trên là phù hợp cho cây sinh trưởng, phát triển.
Qua gần 1 năm thực hiện, cây mây hiện nay đạt tỷ lệ sống cao trên 90%, cây đã cho ra 1 - 2 lá mới. Cây mây có đặc điểm năm đầu sinh trưởng rất chậm, đến năm thứ 2 trở đi mới bắt đầu sinh trưởng 1 - 2 m chiều cao mỗi năm. Năm 2013, mô hình được dự án tiếp tục đầu tư chăm sóc, bón phân năm thứ 2.
Bằng nguồn vốn Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đầu tư, các mô hình trồng cây mây nếp đã được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Trị thực hiện từ năm 2007 đến nay với diện tích 135 ha, triển khai tại các huyện có tiềm năng đất trồng rừng cao su và trang trại vườn rừng. Cụ thể: Tại xã Cam Nghĩa, Cam Thủy, huyện Cam Lộ; xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong; xã Hải Phú, Hải Lâm, Hải Thọ huyện Hải Lăng; xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị; xã Trung Sơn, huyện Gio Linh.
Qua thực tế triển khai cho thấy cây mây nếp tương đối dễ trồng, đạt tỷ lệ sống cao sau khi trồng; cây trồng chăm sóc năm thứ 3 (24 tháng tuổi), bình quân chung mỗi gốc đạt 2,5 cây, chiều cao biến động tương đối lớn giữa các điều kiện lập địa khác nhau trong khoảng 0,5 – 2,5 m.
Với các điều kiện đất tốt, ven khe suối có tán che khoảng 30 - 40% cây mây sinh trưởng rất nhanh hoặc các điều kiện đất đỏ bazan, có tán che 30 - 40%. Nếu trồng xung quanh vườn nhà bị che bóng nhiều hoặc không được che bóng cây sinh trưởng chậm. Đây là loài cây trồng một lần có thể khai thác nhiều lần, khi đến tuổi khai thác từ năm thứ 5 trở đi cây đạt chiều cao trên 5 m là đạt quy cách sản phẩm khai thác.
Mỗi gốc mây sẽ trở thành các bụi với số lượng trên 5 cây/ gốc, người dân có thể chọn các cây đủ tiêu chuẩn chiều cao để khai thác, các năm sau cứ tiếp tục khai thác khi các cây khác đủ tiêu chuẩn và từ khi có sản phẩm người dân có thể khai thác hàng năm, bụi mây sẽ tiếp tục nhảy thêm cây mới. Hiện nay trên thị trường mây sản phẩm có thể bán với giá 5.000 - 7.000 đ/kg, sản phẩm mây thu mua sẽ được các đơn vị sử dụng gia công hàng mộc mỹ nghệ, đan lát đồ gia dụng.
Với phương thức bố trí trồng mây nếp như trên cho thấy, sau 3 năm thực hiện cây mây bắt đầu phát huy tác dụng là các vành đai bảo vệ vườn cao su, vườn đồi, vườn nhà, bảo vệ đất đai, chống xói mòn. Đến tuổi khai thác với sản phẩm mây thu được sẽ giúp người dân có thêm nguồn thu từ thực hiện mô hình, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Kết quả thực hiện thành công của mô hình sẽ là các điểm trình diễn cho nông dân trên địa bàn tỉnh đến tham quan học tập, làm theo, làm tăng nguồn mây nguyên liệu hiện nay đang còn khan hiếm. Đây là đối tượng cây trồng lâm nghiệp mới không chiếm diện tích đất đai (là cây trồng xen dưới tán), người trồng rừng cần lưu ý có thể đưa vào trồng xen quanh các lô trồng rừng, vườn rừng, vườn đồi, trang trại của mình.
Có thể bạn quan tâm
Qua một thời gian tập trung nhiều nguồn lực và giải pháp nhằm đẩy mạnh đánh bắt, khai thác thủy sản xa bờ, đến nay, triển vọng đối với ngành đánh bắt xa bờ tại Ninh Thuận đang có những khởi sắc.
Sản xuất nông sản theo hướng sạch đã và đang được các nhà khoa học và ngành chức năng khẳng định là hướng đi tất yếu nhằm đảm bảo các yếu tố bền vững cho môi trường, an toàn cho người sản xuất và người sử dụng sản phẩm.
Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) phối hợp với Khoa Thủy sản- Trường Đại học Cần Thơ tổ chức triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất giống và nuôi cá lóc trong bể lót bạt” cho nông dân trên địa bàn huyện.
Hôm 18/7, Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế thuộc Tổ chức y tế thế giới (WHO) lần đầu công bố qui định mức an toàn về lượng arsenic có trong gạo và được nhiều nước đồng tình.
Việc chuyển đổi từ hình thức chăn nuôi và trồng trọt nhỏ lẻ sang mô hình kinh tế trang trại đã đem lại hiệu quả cho các nông hộ trên địa bàn huyện Thăng Bình.