Treo Miệng Cá Tra
Chuyện người nuôi cá tra “treo ao” đã cũ, giờ người nuôi bắt đầu phải “treo miệng” cá tra - ông Nguyễn Ngọc Hải - Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi cá tra Thới An (quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) than thở về tình cảnh người nuôi cá tra hiện nay.
Đã hơn 6 tháng qua, nông dân Nguyễn Thanh Bình ở phường Thới An (quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) bỏ đói cá tra vì không có vốn để mua thức ăn.
Cách đây 10 tháng, ông Bình thả nuôi 500.000 con cá tra giống trên diện tích 8.000 m2 và được Công ty Chế biến thủy sản Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) nhận bao tiêu sản phẩm với thỏa thuận công ty cung cấp 1,55 kg thức ăn để lấy lại 1 kg cá tra và người nuôi nhận 4.300 đồng tiền công. Thế nhưng khi con cá tra được 4 tháng, trọng lượng khoảng 500g thì công ty ngưng cung cấp thức ăn với lý do hết vốn.
Nhiều gia đình nuôi không có hợp đồng với công ty càng thê thảm hơn khi không có vốn để đầu tư. Nông dân Nguyễn Văn Tư cho biết: “Tôi nuôi cá 2 năm liên tiếp đều lỗ do giá cá tra nguyên liệu dưới giá thành. Khi không còn vốn để mua thức ăn thì chuyện bỏ đói cá tra vài ba tháng là bình thường”.
Ông Nguyễn Ngọc Hải – Chủ nhiệm Hợp tác xã cá tra Thới An - chia sẻ: “Hiện tại người nuôi bỏ đói cá tra vì nhiều nguyên nhân như: Giá cá nguyên liệu thấp nên càng đổ thức ăn xuống càng lỗ. Nếu tình hình giá cá tra dưới giá thành như hiện nay thì người nuôi rất khó cầm cự với nghề”.
Chỉnh đốn sản xuất, xuất khẩu để cứu cá tra
Hiện tại, rất nhiều nông dân ôm nợ chồng chất sau nhiều năm nuôi cá tra lỗ. Nông dân Đặng Văn Ngôn ở phường Thới An, đang nợ ngân hàng gần 700 triệu đồng sau mấy vụ liên tiếp thua lỗ. Ông Ngôn than thở:“Bây giờ giá cá chỉ khoảng 19.000 đồng/kg nên người nuôi lỗ khoảng 4.000 đồng/kg, trong khi đó vẫn phải trả lãi ngân hàng nên rất khó khăn. Nếu nhà nước có chính sách quản lý chặt việc xuất khẩu cá tra để đẩy giá nguyên liệu, đồng thời khoanh nợ, giảm lãi suất cho những người nuôi thua lỗ mới mong nông dân không bị trắng tay”.
Thực tế cá tra Việt Nam đang độc quyền trên thế giới, nhưng nhiều năm qua vẫn xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, đẩy giá nguyên liệu xuống thấp khiến nông dân điêu đứng. Ông Nguyễn Văn Kịch- Tổng giám đốc Cafatex (Hậu Giang) - nhìn nhận: “Áp lực phải trả nợ vốn vay ngắn hạn cũng là yếu tố khiến nhiều DN phải bán tháo sản phẩm với giá rẻ. Hoặc không ít DN phải bán bằng mọi giá để sớm thu hồi vốn, quay vòng đầu tư”.
Tuy nhiên, nhiều nông dân nuôi cá tra vẫn sống được với nghề khi liên kết với công ty chế biến có uy tín. Ông Võ Văn Tiễn, xã Thới An, mấy năm nay liên kết chặt chẽ với Công ty Cổ phần Sao Mai (An Giang) để nuôi theo hình thức gia công nên cầm chắc lợi nhuận dù giá cá có xuống thấp.
Ông Tiễn cho biết đã hợp tác 5 năm liền với Công ty Sao Mai, trung bình ông lãi từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Theo ông Tiễn, người nuôi sẽ đầu tư giống, nguồn thức ăn ban đầu, khi cá tra được khoảng 1 tháng, công ty sẽ đầu tư thức ăn, đến cuối vụ mua lại cá và trả công người nuôi từ 4.300 - 5.300 đồng/kg.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình:
Nghề nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra phải tổ chức sắp xếp lại nhiều mặt. Trước mắt, sẽ đề nghị các ngân hàng khoanh nợ, giảm lãi suất đối với những hộ nuôi cá tra thua lỗ trong thời gian qua.
Có thể bạn quan tâm
Sở NN&PTNT vừa phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) và Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tổ chức hội thảo khởi động dự án khôi phục rừng ngập mặn thông qua mô hình nuôi tôm bền vững và giảm phát thải ở Cà Mau.
Heo, gà, vịt, cá tra… kéo nhau rớt giá, cộng với dịch bệnh hoành hành trên diện rộng khiến hàng loạt hộ chăn nuôi ở ĐBSCL rơi vào cảnh lao đao. Chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế gia đình, do đó “cứu” ngành chăn nuôi đang là vấn đề cấp bách đặt ra.
Theo thống kê của Trạm bảo vệ thực vật huyện Châu Thành (Đồng Tháp), toàn huyện có trên 1.200 ha trồng cây có múi, trong đó diện tích bưởi bị sâu đục trái là 52ha (chiếm 40% diện tích), hiện tượng xì mủ do sâu đục trái cũng đã lây lan qua nhiều loại cây có múi khác như: cam sành, chanh, quýt. Trước thực trạng này, nhiều nhà vườn đã áp dụng biện pháp bao trái để phòng trừ và bước đầu đã thành công.
Tại hầu hết các quốc gia khu vực châu Phi, ngành nuôi trồng thuỷ sản, nhất là cá nước ngọt không phát triển do đó phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước. Trong khi đó, nguồn cung cá tra trong nước dồi dào với mức giá ổn định là điều kiện thuận lợi để các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực này. Thực tế cho thấy, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng như cá basa, tra, tôm sang thị trường khu vực đã không ngừng tăng trong những năm qua
Thời điểm này ở Quảng Ninh, tại khu vực bãi triều thôn Nam, mặc dù đang vào chính vụ thu hoạch nghêu nhưng đến đây chúng tôi thấy chỉ có lác đác một số hộ thu với số lượng nhỏ để bán lẻ tại các chợ, một số hộ khác đang nhặt ngao chết, nghêu quá lứa để tránh tình trạng nghêu chết hàng loạt.