Nhiều giải pháp giảm ô nhiễm môi trường vùng nuôi thủy sản ven biển
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 4.000 ha nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến và tôm - lúa, với tổng sản lượng tôm cung cấp cho thị trường hàng năm hơn 21.000 tấn. Bên cạnh đó, tỉnh có khoảng 2.150 ha nuôi nghêu, tập trung ở xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông) và xã Phú Tân (huyện Tân Phú Đông), với sản lượng nghêu gần 19.000 tấn/năm. Ngoài ra, các đối tượng thủy sản nuôi nước lợ khác như: Sò huyết, cua, cá kèo, cá chẽm... cũng được nuôi rải rác trên địa bàn các huyện phía Đông.
Mặc dù, nghề nuôi tôm thời gian gần đây phát triển khá ổn định, trình độ kỹ thuật của người nuôi và mức độ thâm canh ngày càng cao. Tuy nhiên, ý thức của người dân về sử dụng hóa chất, kháng sinh đúng cách trong nuôi tôm chưa cao; việc dập dịch, xử lý chất thải trong nuôi tôm trước khi thải ra môi trường chưa được người nuôi tôm quan tâm. Đối với nghề nuôi nghêu, việc quản lý môi trường vùng nuôi chưa được người nuôi thực hiện triệt để, từ đó gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái ven biển, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh bùng phát và làm giảm hiệu quả kinh tế trong nuôi tôm.
Để góp phần bảo vệ môi trường biển, hạn chế dịch bệnh, tăng hiệu quả cho người nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khuyến cáo: Đối với người nuôi tôm và các đối tượng nuôi thủy sản nước lợ trong ao, không sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh dạng nguyên liệu mà chỉ dùng các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản nằm trong danh mục được phép lưu hành hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép sản xuất, kinh doanh. Tuyệt đối không sử dụng các loại hóa chất diệt giáp xác, cải tạo ao nuôi tôm có nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật như: Cypermethrin, Deltamethrin...
Sử dụng quy trình nuôi tôm an toàn sinh học bằng cách sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế thấp nhất việc sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm, để giảm bớt chất thải do phân, thức ăn dư thừa, dư lượng các loại hóa chất, kháng sinh trong ao tôm, từ đó, giảm lượng chất thải thải ra môi trường sông, rạch tự nhiên khi cải tạo ao nuôi. Thường xuyên theo dõi sức khỏe, quản lý tốt lượng thức ăn hàng ngày của thủy sản nuôi, tránh tình trạng sử dụng thức ăn dư thừa, làm tăng lượng chất thải trong ao nuôi, bởi lượng thức ăn dư thừa sẽ tích tụ xuống đáy ao làm ô nhiễm môi trường ao nuôi.
Cần đầu tư hệ thống ao xử lý nước thải để xử lý nước ao nuôi thủy sản sau khi thu hoạch hay bị dịch bệnh trước khi xả nước trong ao ra môi trường, với diện tích ao xử lý nước thải tối thiểu bằng 30% diện tích ao nuôi. Bùn thải trong nuôi thủy sản phải có khu chứa riêng trong cơ sở nuôi, hay có phương án xử lý bùn thải phù hợp như: Bồi đắp nền nhà, tôn cao bờ đê, san lắp mặt bằng... Tránh tình trạng bơm bùn thải trực tiếp ra các kênh rạch, dẫn đến tình trạng ô nhiễm hữu cơ, để lại dư lượng hóa chất trong đất, nước và gây ra tình trạng bồi lắng các kênh rạch trong vùng nuôi.
Ngoài ra, bà con nuôi tôm cần thả tôm giống với mật độ thích hợp; cụ thể nên thả giống với mật độ 15 - 25 con/m2 đối với tôm sú, 45 - 60 con/m2 đối với tôm thẻ chân trắng. Cần áp dụng quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và chứng nhận VietGAP để quá trình nuôi tôm đảm bảo an toàn thực phẩm, dịch bệnh, môi trường và an sinh xã hội.
Đối với người nuôi nghêu ven biển, phải thường xuyên kiểm tra tình trạng sức khỏe nghêu, nếu phát hiện nghêu chết nên kịp thời thu gom đem ra khỏi bãi nuôi và có biện pháp khử trùng, để hạn chế ô nhiễm môi trường, dịch bệnh trên nghêu.
Có thể bạn quan tâm

Cuối năm 2011, từ chỗ giao dịch cao su có lúc gần như “tê liệt”, chỉ còn ở mức khoảng 68 triệu đồng/tấn, nhiều Cty cao su lo ngay ngáy vì lượng cao su tồn kho khá lớn do tiêu thụ khó khăn, có Cty tồn tới 7.000 tấn. Thế nhưng, sang quí 1/2012 và đến nay tình hình sáng sủa hẳn lên, giá cao su tăng mạnh trở lại gần 30%.

Sắp xếp thời gian hợp lý để vừa hoàn thành phần việc đảm trách ở xã, vừa phát triển kinh tế gia đình là cách làm của ông Đinh Đức Bân - Chủ tịch Hội ND xã Nam Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.

Ngày 30/3, ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã trao Chứng nhận rau Đà Lạt cho lãnh đạo thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, chính thức công nhận thương hiệu rau Đà Lạt.

Sáng ngày 12/6, tại xã Văn Sơn (Văn Bàn), Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai phối hợp với Viện Nghiên cứu ngô (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình trình diễn giống ngô lai đơn LVN 092.

Quá trình đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM, đang đặt ra vấn đề cấp bách là phải đào tạo nghề gắn với các mô hình sản xuất nông nghiệp, giúp người dân ven đô có sinh kế bền vững.