Nhân Rộng Mô Hình Chuối Tiêu Hồng
Phong trào trồng cây đặc sản, mới lạ như chuối tiêu hồng, hồng xiêm lai xoài, mít Thái Lan, mít Nghệ An phát triển khá mạnh ở xã Đông Dương (Đông Hưng - Thái Bình) trong mấy năm gần đây. Đến nay, nhiều loại cây đã cho thu hoạch, sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Chuối tiêu hồng là một trong những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao ở Đông Dương hiện nay.
Ông Nguyễn Đức Đóa, Chủ tịch Hội Làm vườn xã Đông Dương, cho biết: 5 năm trước đây, một số người ở Đông Dương đã đưa chuối tiêu hồng về trồng thử nghiệm. Kết quả cho thấy, đây là loại cây dễ trồng, cho hiệu quả kinh tế cao, bình quân mỗi năm hộ trồng ít cũng thu được vài triệu đồng, nhiều hộ có thu trên 10 triệu đồng.
Từ đó, các hộ đã cải tạo vườn, nhân rộng mô hình trong toàn xã, thay thế hoàn toàn cây chuối ta. Tháng 8/2012, Đông Dương được Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam đưa 2.100 cây chuối tiêu hồng về trồng thâm canh trên diện tích 1ha; nông dân được hỗ trợ 100% giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.
Do đó, người dân trong xã đã có thêm kiến thức và kinh nghiệm về chăm sóc loại cây này. Đến nay, mô hình trên đã cho thu hoạch, 100% cây đều ra buồng, mỗi buồng trung bình có 10 - 12 nải, bán với giá 70.000 - 80.000 đồng/buồng, cao hơn chuối thường 20.000 - 30.000 đồng/buồng. Bình quân mỗi sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) chuối tiêu hồng cho thu lãi ít nhất 4 triệu đồng.
Theo ông Đóa, chuối tiêu hồng có nhiều ưu điểm vượt trội so với chuối ta, khi chín có vỏ màu vàng sáng đẹp, cuống màu xanh, ăn ngon và thơm. Đặc biệt, đây là sản phẩm sạch, không phun thuốc trừ sâu hay hóa chất nên được nhiều người ưa chuộng. Tỷ lệ ra quả đạt 100%, số nải cao hơn 3 - 5 nải so với chuối thường. Hơn nữa, đây là loại cây dễ trồng nên chỉ sau một thời gian ngắn, người dân Đông Dương đã tự nhân cây giống. Hiện nay, toàn xã có khoảng 3ha chuối tiêu hồng được trồng trong vườn, vùng đất bãi của các gia đình. Đối với những hộ trồng chỉ hơn 1 sào chuối như nhà ông Đóa, bình quân mỗi năm cũng thu lãi khoảng 5 triệu đồng.
Ông Dương Văn Cử ở thôn Cầu Thượng cho biết: “Chuối tiêu hồng là loại cây dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, chi phí bình quân chỉ khoảng 100.000 đồng/sào. Tuy nhiên, người trồng phải lưu ý đầu tư cột chống gió, bão tránh làm cây bị đổ. Nhận thấy ưu điểm của giống chuối tiêu hồng, ông Cử đã chuyển diện tích trồng ổi, rau màu các loại sang trồng chuối. Ông cải tạo lại toàn bộ diện tích vườn và đầu tư hơn 1 triệu đồng mua luồng, dây buộc để trồng hơn 200 cây chuối tiêu hồng trên diện tích 3,5 sào.
Bắt đầu trồng từ tháng 9 năm ngoái, tới nay, ông Cử đã bán được hơn 100 buồng với giá trung bình 70.000 đồng/buồng, buồng ít cũng được 8 nải, buồng nhiều tới 12 nải, trọng lượng bình quân trên 30 kg/buồng. Nếu thời tiết suôn sẻ, trong khoảng từ nay tới Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, ông sẽ thu hoạch thêm khoảng 50 buồng, dự tính bán với giá từ 80.000 - 100.000 đồng/buồng. Ngoài ra, ông còn tận dụng trồng xen hơn 1 sào cây mùi tàu dưới tán cây chuối. Trung bình hơn một tháng ông thu hoạch 1 lứa với giá 9.000 - 12.000 đồng/kg. Chỉ tính rau mùi tàu ông cũng thu được 18 triệu đồng/năm.
Khẳng định thêm về hiệu quả của loại chuối này, ông Đóa cho biết: “Chuối tiêu hồng thu hoạch đến đâu thương lái tới thu mua tới đó, thời điểm ế ẩm nhất cũng bán được 50.000 đồng/buồng. Nếu các hộ chịu khó chăm bón thì cây chuối sẽ ra buồng sớm, nải chuối to đẹp. Nhiều hộ biết cách chăm sóc để bán đúng vào dịp Tết sẽ thu lãi gấp đôi ngày thường với giá từ 100.000 - 120.000 đồng/buồng”.
Tuy nhiên, chuối là mặt hàng khó bán được giá cao ở vùng nông thôn nên các hộ chỉ có thể bán buôn cho thương lái, do đó phần lớn giá cả do thương lái quyết định. Thời gian tới, để tăng hiệu quả từ vườn chuối, Hội Làm vườn xã Đông Dương sẽ tuyên truyền, vận động bà con trồng lạc, gừng hoặc các loại rau ưa bóng mát xen với chuối để mang lại lợi nhuận kép.
Có thể bạn quan tâm
Theo đánh giá mới đây của Phòng NNPTNT huyện Châu Phú (An Giang), mô hình trồng thí điểm đậu bắp Nhật tại tổ hợp tác Hưng Thịnh, xã Bình Thủy (Châu Phú) đang cho hiệu quả khá tốt.
Xuất phát từ hai bàn tay trắng, vươn lên trong khó khăn để chuyển đổi từ mô hình cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng cây, con có giá trị kinh tế cao, trở thành người làm ăn hiệu quả nhất vùng chuyển đổi xã Đông Sơn (Đông Hưng - Thái Bình). Đó chính là ông Bùi Thọ Thính.
Thời gian qua, nhiều hộ gia đình tại tỉnh Đắk Nông đã tận dụng nguồn nước các lòng hồ thủy điện để nuôi cá lồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này đang mở ra một hướng làm giàu mới cho người nghèo, thiếu đất sản xuất.
Từ nhiều năm nay, cứ sau mỗi vụ thu hoạch lúa, bà con nông dân ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang) tận dụng lượng rơm rạ sẵn có để trồng nấm rơm nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Theo báo cáo của Chi cục Thú y Hà Tĩnh thì từ đầu tháng 8 đến nay phát hiện tôm chết hàng loại do dịch bệnh đốm trắng do vius và hội chứng gan tụy của 138 hộ nuôi tại 6 xã của huyện Kỳ Anh và xã Xuân Yên ở huyện Nghi Xuân.