Hiệu quả mô hình cải tạo và phát triển cây ăn quả ở Bảo Thắng (Lào Cai)
Những năm 70 của thế kỷ trước, ông Trần Đình Thi ở thôn Cốc Tủm 1 (xã Phong Niên) và nhiều người con ở Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên… theo tiếng gọi của Đảng lên Tây Bắc phát triển kinh tế, mang theo các giống: Nhãn lồng, bưởi, na dai. Ông Thi cho biết: Chúng tôi đã đem những giống cây ăn quả quý của quê hương lên đây trồng thử và thành công, rất bất ngờ khi cây thích hợp với khí hậu vùng núi, không chỉ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt mà còn đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các gia đình! Tuy nhiên, do có giai đoạn cây ăn quả phát triển ồ ạt, trong khi người trồng thiếu kiến thức chăm sóc, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật; cây đã trồng nhiều năm trở nên già cỗi, bị sâu bệnh, dẫn đến năng suất, chất lượng thấp, khiến người dân không còn mặn mà đầu tư chăm sóc, dẫn đến nhiều diện tích bỏ hoang hoặc chỉ trồng với mục đích đáp ứng nhu cầu gia đình.
Là huyện vùng thấp của tỉnh, Bảo Thắng có nhiều lợi thế để phát triển cây ăn quả. Theo điều tra của Viện Nghiên cứu cây ăn quả, điều kiện thổ nhưỡng dọc Quốc lộ 70 (đặc biệt là xã Xuân Quang và Phong Niên) phù hợp để quy hoạch một số loài cây trồng chủ lực như nhãn, na và một số loài cây khác như hồng, chanh... Mặt khác, người dân đã có kinh nghiệm, lại thích ứng khá nhanh, chủ động tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cây ăn quả. Bên cạnh đó, vùng cây ăn quả tại những địa phương này gần tuyến giao thông huyết mạch, thuận lợi cho việc vận chuyển sản phẩm đến các thị trường trong và ngoài tỉnh.
Để khai thác tiềm năng, thế mạnh đó, ngày 27/8/2013, UBND huyện Bảo Thắng đã ban hành Quyết định số 4509 về phê duyệt Dự án “Cải tạo và phát triển vùng sản xuất hàng hóa các cây nhãn, na trên địa bàn huyện Bảo Thắng giai đoạn 2013 - 2015”, được triển khai ở 2 xã Xuân Quang và Phong Niên. Mục tiêu của dự án là cải tạo và trồng mới cây na, nhãn trong hệ thống vườn tạp trên địa bàn huyện trở thành vùng cây ăn quả nhiệt đới tập trung, có giá trị hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời áp dụng kỹ thuật trồng mới, cải tạo vườn nhãn hiện có bằng phương pháp ghép cải tạo với giống nhãn mới chất lượng cao, trồng mới những giống nhãn đã được tuyển chọn do Viện Nghiên cứu cây ăn quả thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cung ứng. Dự án nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao từ phía nhân dân, đã có 327 hộ/17 thôn tại 2 xã tham gia dự án. Ông Đỗ Hồng Quân, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Bảo Thắng cho biết: Để dự án đạt hiệu quả thiết thực, huyện đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền và tổ chức các đợt tham quan, tập huấn giúp các hộ ở hai xã này tiếp cận những mô hình thực tế và thấy được hiệu quả của việc cải tạo vườn tạp.
Huyện đã tổ chức cho 36 người (gồm 21 nông dân và 15 cán bộ xã) tham quan học tập kinh nghiệm trồng nhãn tại huyện Sông Mã (Sơn La), qua đó trực tiếp thấy được hiệu quả của việc cải tạo cây nhãn đã già cỗi. Đồng thời, tổ chức cho 30 người (20 nông dân, 10 cán bộ xã) tham quan, học tập kinh nghiệm trồng na trên sườn núi đá tại huyện Chi Lăng (Lạng Sơn). Sau mỗi chuyến tham quan, nông dân trên địa bàn hai xã rất phấn khởi và mong muốn được tham gia dự án.
Ông Hoàng A Lỷ, ở thôn Cốc Sâm 3 (xã Phong Niên) là một trong những hộ đi đầu phong trào cải tạo vườn tạp tại xã. Từ năm 2010, ông bắt đầu trồng 680 gốc na chuyển đổi trên diện tích đất vườn nhà. Sau 3 năm, na đã cho thu hoạch. Năm vừa qua, gia đình ông thu trên 100 triệu từ bán quả na. Chính vì vậy, ông đã mạnh dạn trồng thêm 1.300 cây na với hy vọng trong tương lai, cây na sẽ giúp gia đình ông có thu nhập cao. Hiện, xã Phong Niên có 219 hộ tham gia dự án. Ông Phạm Việt Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Niên cho biết: Từ khi triển khai dự án, UBND xã chỉ đạo cán bộ khuyến nông thường xuyên, trực tiếp xuống các hộ theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn bà con thực hiện để đảm bảo quy trình, đảm bảo tỉ lệ sống cao nhất, đồng thời có biện pháp kịp thời khi có dấu hiệu sâu bệnh trên cây trồng.
Sau 3 năm triển khai dự án, bước đầu đã đem lại hiệu quả, dự án được triển khai nhờ sự đồng thuận, nhất trí cao từ phía nhân dân. Một số diện tích cây nhãn ghép cải tạo đã cho quả bói tương đối to, đẹp, vị ngọt đậm, được các chuyên gia nông nghiệp đánh giá cao và các hộ nông dân rất phấn khởi, tin tưởng vào hướng đi đúng đắn của ngành nông nghiệp huyện. Trong 3 năm qua, 484 hộ tham gia dự án đã trồng mới gần 6.600 cây nhãn, gần 75.000 cây na và ghép cải tạo trên 3.000 cây nhãn, nâng tổng số diện tích cây na, nhãn trên địa bàn 2 xã lên 925,7 ha, vượt 220 ha so với kế hoạch. Ông Đỗ Hồng Quân, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết thêm: Kỹ thuật ghép cải tạo lần đầu tiên được triển khai tại huyện, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo sát sao từ phía huyện, cộng với sự đồng thuận của nhân dân nên tỷ lệ cây sống đạt tương đối cao, bước đầu hình thành các vùng cây ăn quả chuyên canh, mở ra hướng đi bền vững cho phát triển nông nghiệp của huyện.
Trước thành công của dự án trên, dự án quy hoạch vùng cây ăn quả huyện Bảo Thắng giai đoạn 2015 - 2018 đã được UBND tỉnh phê duyệt gồm 4 loài cây ăn quả chính là nhãn, na dai, bưởi Múc, chanh, ngoài ra còn có một số cây ăn quả phụ trợ, với mục tiêu đến năm 2018, toàn huyện có 750 ha cây ăn quả được đầu tư, thâm canh. Dự án sẽ thực hiện trên địa bàn 48 thôn thuộc 6 xã của huyện, gồm: Xuân Quang, Phong Niên, Phong Hải, Bản Cầm, Phố Lu và Thái Niên. Người dân tham gia dự án sẽ được hỗ trợ giống cây, tập huấn kỹ thuật. Cụ thể, toàn huyện sẽ trồng mới 2.847 cây nhãn (giống nhãn chín sớm, chín muộn), 81.000 cây na, 23.790 cây chanh (chanh đào, chanh tứ quý), 81.000 cây bưởi Múc. Dự án nhằm cụ thể hóa chủ trương phát triển kinh tế, xã hội của huyện và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào cải tạo, trồng mới, tập trung phát triển vùng cây ăn quả tập trung dọc Quốc lộ 70 và các xã ven sông Hồng, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân, đồng thời bảo vệ, duy trì và phát triển vùng cây ăn quả trên địa bàn huyện bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Qua gần 1 năm triển khai, với sự hỗ trợ, hướng dẫn của ngành Khuyến nông, trong tháng 2-2014, trại thanh long ruột đỏ của ông Trần Công Sơn (ấp Thân Đức, xã Thân Cửu Nghĩa) được tổ chức VietCert cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây cũng là trại thanh long đầu tiên trên địa bàn huyện Châu Thành (Tiền Giang) được chứng nhận đạt tiêu chuẩn này.
Trong khi giá các loại cá rô, cá lóc, cá trê… liên tục rớt thê thảm khiến cho người nuôi điêu đứng, thì cá sặc rằn vẫn hút hàng và giá vẫn rất cao, từ 55.000 đến 60.000 đồng/kg và một ưu thế nữa của cá sặc rằn đó chính là người nuôi cá không bị tiểu thương ép giá, bởi cá sặc rằn càng lớn thì giá càng cao.
Khi hoa vải thiều bung nở cũng là lúc hàng chục nghìn đàn ong khắp các nơi trong cả nước "bay” về Lục Ngạn - Bắc Giang (huyện có 18 nghìn ha vải thiều) "đánh” mật. Mùa khai thác mật ong lớn nhất trong năm ở vương quốc vải thiều đã bắt đầu.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) nhiều hộ nông dân đã triển khai thực hiện mô hình trồng nấm rơm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo một số hộ trồng thanh long ruột đỏ tại 2 huyện Xuân Lộc và Trảng Bom (Đồng Nai), gần 1 tuần nay thanh long ruột đỏ xuất đi Trung Quốc bị ách tắc tại cửa khẩu, khiến giá bán tại các nhà vườn đang từ 65-70 ngàn đồng/kg giảm xuống còn 26 - 28 ngàn đồng/kg. Đây là lần thứ 2 kể từ đầu năm 2014 đến nay, giá thanh long ruột đỏ bị giảm sâu.