Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giá ớt đầu mùa cao kỷ lục, nông dân phấn khởi

Giá ớt đầu mùa cao kỷ lục, nông dân phấn khởi
Ngày đăng: 14/07/2015

Nông dân trồng ớt phấn khởi

Những ngày này dọc theo con đường huyện đi vào vùng trồng ớt thuộc xã Bình Ninh của huyện Chợ Gạo mới có thể thấy được bức tranh sống động, tràn đầy sức sống của "thủ phủ" ớt ở địa phương này. Nhiều rẫy ớt nằm san sát nhau dày đặc trái xanh xen lẫn một số ít ruộng ớt có màu đỏ thắm của trái ớt chín do ớt mới vào đầu vụ thu hoạch. Ngoài một số ít ruộng ớt nhộn nhịp người thu hoạch, vận chuyển ớt với niềm vui "được mùa, trúng giá" thì đa số những ruộng ớt còn lại đang được nông dân tích cực chăm sóc, bón phân, tưới nước để ớt tăng trưởng nhanh, mau chín, bán kịp giá và có năng suất cao.

Bà Nguyễn Thị Màu, nông dân đang thu hoạch ruộng ớt chín rộ hơn 3.000m2 ở xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo vui mừng cho biết: "Mấy ngày nay, thương lái thu mua ớt với giá dao động ở mức 45.000 - 48.000 đồng/kg do ớt mới vào đầu vụ thu hoạch, sản lượng ớt cung cấp cho thị trường chưa nhiều, trong khi nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ ớt trong nước tăng. Tuy nhiên, giá ớt thay đổi liên tục, có khi sáng giá này nhưng chiều giá đã khác.

Theo bà Màu cho biết, mỗi năm bà con nơi đây trồng 2 vụ ớt, chủ yếu là giống ớt "chỉ thiên" hay giống ớt "hai mũi tên" do 2 giống này dễ trồng, năng suất lại cao. Thường vụ 1 kéo dài từ tháng 4 đến tháng 7, sau đó bà con nhổ ớt, cải tạo đất, gieo hạt trồng vụ tiếp sao cho thu hoạch trước Tết âm lịch khoảng hơn một tháng. Mỗi vụ ớt chỉ khoảng hơn 100 ngày, trong đó 70 - 80 ngày là thời gian từ khi gieo hạt đến bắt đầu thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài trong khoảng 1 tháng.

Theo tính toán của người trồng ớt, hiện nay giá thành sản xuất ớt khoảng 20.000 - 22.000 đồng/kg (tùy theo kỹ thuật canh tác của từng hộ), năng suất ớt bình quân đạt khoảng 1 - 1,2 tấn/công. Với giá ớt hiện nay, nông dân trồng ớt lãi khoảng 25 - 32 triệu đồng/công. Tuy nhiên, sản lượng ớt thời điểm này không nhiều do ớt mới vào đầu vụ thu hoạch, chỉ những ruộng ớt xuống giống sớm mới có trái chín.

Ông Lê Văn Thời, một chủ vựa thu mua ớt đóng thùng xuất khẩu ở xã Bình Ninh cho biết, hiện nay nhu cầu ớt xuất khẩu sang các nước châu Á như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, nhất là Trung Quốc tăng mạnh nên ớt đang ở mức giá rất cao, có ngày phải thu mua ớt với giá 48.000 đồng/kg. Vì khu vực này có nhiều cơ sở thu mua ớt nên để có đủ lượng ớt cung cấp cho các thương nhân xuất khẩu, các cơ sở thu mua ớt phải cạnh tranh thu mua bằng cách cho người đến tận các ruộng ớt để thu mua, thậm chí mua cả các vườn ớt chưa chín hoàn toàn.

Phát triển bền vững cây ớt

Cách nay hơn 10 năm, Bình Ninh là một xã nghèo của huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) với đối tượng cây trồng chính là cây lúa. Từ khi địa phương này thực hiện chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang trồng hoa màu, chủ yếu là cây ớt thì đời sống người dân nơi đây được cải thiện đáng kể, nhiều người thoát nghèo vươn lên khá giả. Hiện nay, toàn xã có 3 ngàn hộ thì hơn 1 ngàn hộ sống bằng nghề trồng ớt. Mỗi hộ có diện tích từ 2 - 3 ngàn mét vuông đến 6 - 7 ngàn mét vuông, thậm chí có hộ trồng trên 10 ngàn mét vuông.

Để nâng cao hiệu quả cũng như phát triển bền vững nghề trồng ớt, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đang triển khai mô hình hình ứng dụng vi sinh vật có ích để sản xuất cây ớt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn GAP tại xã Bình Ninh. Lãnh đạo UBND xã Bình Ninh cho biết, thực hiện mô hình này sẽ giúp nông dân giảm thiểu rủi ro, tăng sản lượng thu hoạch. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã chú trọng đến công tác thủy lợi nội đồng để đảm bảo đủ nước tưới cho cây ớt vào mùa khô. Trong thời gian tới, Bình Ninh sẽ đẩy mạnh phát triển cây ớt nhằm hướng đến vùng chuyên canh trồng ớt ở địa phương này.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Chợ Gạo, toàn huyện hiện có khoảng 650 hecta ớt thì riêng xã Bình Ninh đã có tới hơn 350 ha ớt, chiếm khoảng 97% diện tích đất trồng hoa màu của xã. Nếu so sánh về hiệu quả kinh tế, trồng ớt có hiệu quả cao gấp 3 lần trồng lúa. Nhờ mô hình trồng ớt, mà nhiều hộ gia đình ở xã Bình Ninh đã thoát nghèo bền vững.

Với diện tích trồng ớt lớn và có hiệu quả kinh tế cao, Bình Ninh đã trở thành "thủ phủ" ớt trong khu vực, bởi ngoài việc hình thành nghề hái ớt thuê thu hút lao động từ các địa phương khác, địa phương này còn là "mô hình điểm" đón tiếp nhiều cuộc tham quan, học hỏi kinh nghiệm của nông dân các tỉnh ĐBSCL. Tại Tiền Giang, từ mô hình trồng ớt ở xã Bình Ninh, hiện cây ớt đang phát triển mạnh tại các xã lân cận trên địa bàn huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, TX Gò Công… với nhiều vùng chuyên canh ớt nổi tiếng như: Bình Ninh, Bình Phan, Bình Phục Nhứt, Vĩnh Hựu với tổng diện tích trồng ớt toàn tỉnh trên 900 hecta.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Từ Cây Hành Vụ Đông Hiệu Quả Từ Cây Hành Vụ Đông

Trong khi việc bảo hộ giá bán nông sản trên địa bàn tỉnh Hải Dường chưa được đáp ứng, người dân vẫn chịu ảnh hưởng của tình trạng được mùa rớt giá thì mấy năm trở lại đây cây hành đã đáp ứng được điều mà người dân và các cấp chính quyền đang mong đợi

05/02/2012
Người Trồng Mía Bị Nâng Khống Tiền Nợ Người Trồng Mía Bị Nâng Khống Tiền Nợ

Cả trăm hộ dân trồng mía ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa, Phú Yên) vô cùng bức xúc vì bị nhân viên nông vụ của Công ty TNHH Công nghiệp KCP - Việt Nam (Công ty KCP), chiếm đoạt tiền.

19/05/2012
Thấp Thỏm Với Nguồn Giống Cá Tra Thấp Thỏm Với Nguồn Giống Cá Tra

Sau Tết Nguyên đán, giá cá tra nguyên liệu tăng nhẹ khiến nhiều hộ nuôi tại khu vực ĐBSCL phấn khởi khi thả vụ mới. Tuy nhiên, chất lượng con giống vẫn khiến hàng trăm hộ lo lắng.

10/03/2012
Làng Biển Nuôi Cá Nước Ngọt Làng Biển Nuôi Cá Nước Ngọt

Xã Ngư Thủy (Lệ Thủy- Quảng Bình) anh hùng thời chống Mỹ với đội nữ pháo binh cả nước biết đến. Bây giờ, Ngư Thủy được chia thành 3 xã gồm: Ngư Thuỷ Bắc, Ngư Thuỷ Trung và Ngư Thuỷ Nam. Có lẽ cả dải đất ven biển nước Việt, ít có vùng nào lại nuôi cá nước ngọt như ở đây.

13/03/2012
Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Cá Tầm Trên Địa Bàn Huyện Đại Từ Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Cá Tầm Trên Địa Bàn Huyện Đại Từ

Từ nay đến tháng 11-2013, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ được tỉnh Thái Nguyên giao triển khai Dự án “Nhân rộng mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ nuôi cá Tầm” với kinh phí thực hiện là trên 200 triệu đồng, được trích từ nguồn sự nghiệp khoa học của tỉnh. Theo đó, khu vực được lựa chọn để nuôi cá tầm là vùng nước lạnh thuộc các xã nằm ven dãy núi Tam Đảo của huyện.

19/05/2012