Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông dân điêu đứng vì khô hạn

Nông dân điêu đứng vì khô hạn
Ngày đăng: 14/07/2015

Hoa màu chết khô

Giữa trưa, trời nắng như đổ lửa nhưng trên các cánh đồng trồng hành ở xã Hòa Kiến, bà con nông dân vẫn chưa ai chịu về nhà. Mọi người còn đang hì hục lắp máy bơm, canh bơm nước để cứu hành. Ông Tô Kim Thơ ở thôn Sơn Thọ đang chạy máy bơm để bơm nước tưới cho 3 sào hành lá của mình, than thở: Cả tháng nay, trời liên tục nắng gắt, không có lấy một giọt mưa, nước ngày càng cạn kiệt. Cái giếng tôi mới đào sâu tới 10,5m nhưng cũng chẳng có nước bao nhiêu. Mỗi lần bơm chỉ chạy khoảng 15 phút là đứt nước, phải chờ đến gần 1 tiếng đồng hồ nước mới có lại để bơm tiếp.

Không những ban ngày mà cả ban đêm, người dân cũng canh bơm nước. Vụ hành này gia đình ông Thơ trồng được 3 sào, đến nay hành đã được hơn 30 ngày, đang vào kỳ thu hoạch. Vì bị thiếu nước liên tục nên cây hành không phát triển được, ốm yếu, lá cháy vàng, ngã đổ. Bên cạnh ruộng hành của ông Thơ, ông Trần Văn Minh cũng đang hì hục bơm chuyền nước từ giếng này sang giếng kia rồi lại tiếp tục bơm đẩy vào rẫy đu đủ cách đó hơn 10m để tưới. Ông Minh cho biết: 2,5 sào đu đủ của nhà tôi trồng đến nay đã hơn 7 tháng, vì thiếu nước nên cây đậu trái rất ít, lại không chịu lớn, lá vàng úa, rụng dần…

Hiện nhiều diện tích khổ qua, dưa leo, bắp… của nông dân xã Hòa Kiến, đặc biệt là hai thôn Sơn Thọ và Cẩm Tú cũng đang bị khô hạn gay gắt. Anh Nguyễn Văn Dân ở thôn Sơn Thọ rầu rĩ, chỉ tay vào đám bắp trồng đã hơn 1,5 tháng, cho biết: 3 sào bắp này được trồng theo mô hình khảo nghiệm giống bắp nếp NSSC536 của Công ty Giống cây trồng Miền Nam. Cây bắp đang giai đoạn ra trái nhưng vì không có nước tưới, trái bắp không phát triển được, cứ háp lại, giờ chỉ tận dụng cho bò ăn. Để tìm nước cứu cây trồng, bà con không chỉ đào giếng, nhiều ngày nay, các hộ trồng đu đủ ở gần suối Đá Bàn tìm thuê xe múc đào sâu lòng suối để tìm nước.

Theo UBND xã Hòa Kiến, trước khi vào vụ mới, địa phương này đã kiểm tra, xác định khoảng 40ha đất ở những khu vực thường bị thiếu nước và vận động bà con tạm dừng canh tác. Đến nay, toàn xã chỉ canh tác khoảng 60ha hoa màu nhưng hiện có hơn 70% diện tích bị khô hạn nặng.

Thiệt hại kinh tế

Vì thiếu nước tưới nên hiện hầu hết diện tích hoa màu của nông dân xã Hòa Kiến đều bị giảm năng suất đáng kể. Ông Tô Kim Thơ cho hay: Bình quân chi phí trồng mỗi sào hành hết khoảng 3,5 triệu đồng. Nhà tôi trồng 3 sào mất hơn 10 triệu đồng. Hiện mỗi sào hành tôi chỉ thu hoạch được khoảng 250kg hành lá, với giá bán 11.000 đồng/kg như hiện nay thì chỉ thu lại được 2,7 triệu đồng (chưa tính công thu hoạch, chăm sóc). Tính ra, vụ hành này tôi lỗ gần 2,5 triệu đồng. Cũng theo ông Thơ, ở các vụ hành trước khi có đủ nước tưới, mỗi sào hành cho năng suất bình quân từ 750kg đến 900kg, sau khi trừ hết các khoản chi phí, lãi khoảng 5 triệu đồng/sào.

Tương tự, nhiều rẫy đu đủ của bà con đang bị giảm năng suất và chất lượng đáng kể. Bà Nguyễn Thị Thanh ở thôn Cẩm Tú, cho biết: Do thiếu nước nên 1.000 cây đu đủ của nhà tôi đến kỳ thu hoạch chỉ đậu trái thưa thớt. Trái lại nhỏ, da sần sùi và chảy mủ nên thương lái càng ép giá. Hiện đu đủ có trọng lượng trên 1kg/trái được thu với giá 7.000 đồng/kg, còn trái nhỏ dưới 1kg chỉ có giá 5.000 đồng/kg. Từ đầu vụ đến nay, gia đình chỉ mới thu hoạch được 100kg, tính ra năng suất chỉ cỡ 10kg/cây, giảm 2/3 so với các vụ trước. Trong khi đó, chi phí đầu tư lại tăng cao vì phải thường xuyên chạy máy bơm nên tốn rất nhiều điện.

Thiệt hại nặng nề nhất phải kể đến những hộ trồng bắp và các loại khổ qua, dưa leo. Theo ông Đặng Văn Châu, đám bắp 2 sào của nhà ông bây giờ đành phải để chết khô, bẻ cho bò, coi như hơn 2 triệu đồng đầu tư bị mất sạch.

Bà Dương Thị Như Thuở, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Kiến, cho biết: Lâu nay, nguồn nước để bà con canh tác hoa màu phụ thuộc chủ yếu vào nước từ suối Đá Bàn và các giếng. Nhưng hơn tháng nay, nước ở suối bị khô kiệt, nước giếng cũng hụt dần theo từng ngày nên không đủ nước để bà con canh tác. Hoa màu thiếu nước nên bị giảm hoặc mất năng suất. Tình hình sẽ còn căng thẳng hơn nữa nếu trời cứ tiếp tục nắng nóng kéo dài, diện tích khô hạn sẽ mở rộng thêm, người dân càng khó khăn hơn.


Có thể bạn quan tâm

Thành công nhờ liên kết trong sản xuất Thành công nhờ liên kết trong sản xuất

5 năm qua, hàng ngàn lượt hộ nông dân được vay vốn phát triển sản xuất, Khánh Hòa được đánh giá là một trong số ít tỉnh huy động và sử dụng vốn Quỹ HTND hiệu quả nhất nước.

14/09/2015
Người hồi sinh thung lũng Cọ Phiêng Dìa Người hồi sinh thung lũng Cọ Phiêng Dìa

Không chỉ hồi sinh thung lũng Cọ Phiêng Dìa hoang hóa, anh Lò Văn Nghĩ (bản Sẳng, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La) còn trực tiếp hướng dẫn các hộ nghèo cách làm ăn bằng chính mô hình trang trại của mình.

14/09/2015
Lạ đời giống gà ta có lông mọc dưới chân Lạ đời giống gà ta có lông mọc dưới chân

Dù chỉ là giống gà ta bình thường chứ không phải loại quý hiếm như gà Tò "tiến vua" ở Quỳ Phụ (Thái Bình) nhưng cặp gà gồm 1 trống, 1 mái của bà Nguyễn Thị Nga (52 tuổi, ở thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi) vẫn có lông phủ từ khuỷu đến tận bàn chân.

14/09/2015
Về thông tin tẩm độc sầu riêng ở Đăk Lăk Coi chừng nông dân vạ lây Về thông tin tẩm độc sầu riêng ở Đăk Lăk Coi chừng nông dân vạ lây

Nhiều cơ sở thu mua sầu riêng tại Đăk Lăk vừa bị phát hiện dùng hóa chất tẩm cho sầu riêng chín nhanh, đều. Chưa biết tác hại thực sự của việc làm này đến đâu, song rõ ràng đã ít nhiều ảnh hưởng đến thương hiệu sầu riêng Đăk Lăk.

14/09/2015
Thoát cảnh ăn sáng lo trưa, khấm khá hơn nhờ cừu Thoát cảnh ăn sáng lo trưa, khấm khá hơn nhờ cừu

15 năm về trước, kinh tế gia đình anh Nguyễn Thành Nga (thôn Gò Sạn, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) rất khó khăn, tình cảnh “ăn sáng lo trưa”. Gia đình anh chỉ khá lên kể từ khi anh vay được nguồn vốn của Ngân hàng NNPTNT huyện Thuận Bắc để làm ăn.

14/09/2015