Người Nuôi Ong Ở Sa Pa Chật Vật Khôi Phục Đàn Ong Mật

Mùa xuân trăm hoa đua nở, nhưng vẫn khiến những người nuôi ong mật trên đất SaPa (Lào Cai) “đi ra thở ngắn, đi vào thở dài”. Cũng chỉ tại “ông trời” gây mưa tuyết trung tuần tháng 12/2013 đã giết chết hầu hết số ong nuôi lấy mật.
Ông Lê Thanh Hải, trú tại tổ 5, thị trấn Sa Pa là một trong những hộ nuôi nhiều ong mật nhất Sa Pa. Ông Hải từng có 47 đõ ong, là thành quả lao động trong suốt 3 năm tìm bắt, mua giống ong rừng về nuôi và thuần hóa rồi tách đàn.
Thế nhưng, chỉ sau một đêm mưa tuyết cuối năm 2013, đàn ong của ông Hải chỉ còn 8 đõ đặt dưới hiên nhà, số để ngoài vườn, trên lưng đồi đều chết hết. Ông Hải ngậm ngùi chia sẻ: 39 đõ đặt ngoài vườn, đêm tuyết rơi, sáng ra kiểm tra mà vã mồ hôi, toàn bộ ong chết cóng, chúng bám vào nhau thành bánh để tránh rét nhưng số phận đã không buông tha.
Do chênh lệch về độ cao địa lý và đặc trưng của thời tiết, nên không ai có thể mua giống ong mật từ các tỉnh, huyện vùng thấp mang lên Sa Pa nuôi. Ong vùng thấp mang tới Sa Pa, nếu vào mùa đông chỉ cần mở nút đõ sau vài giờ là chúng bỏ đi hết. “Muốn nuôi ong ở trên này chỉ có thể tự mình đi tìm hoặc mua lại của bà con bắt từ rừng về” - ông Hải tâm sự.
Năm 2013, ông Hải mua được 13 đàn ong tự nhiên, giá tùy thuộc vào số lượng ong, nên dao động 300 - 500 nghìn đồng/tổ. Theo ông Hải, nếu không có trận mưa tuyết cuối năm 2013, thì vào thời điểm này có nhiều người dân đi bán ong rừng. Mưa tuyết đã xua đàn ong khỏi đất Sa Pa, ong hiếm, nên giá lên tới 1 triệu đồng/đàn.
Cùng chung cảnh ngộ với ông Hải là gia đình ông Nguyễn Văn Dân, trú tại tổ 13, thị trấn Sa Pa. Ông Dân từng có 3 đõ ong nuôi lấy mật, sau trận mưa tuyết lịch sử chỉ còn lại 1 đàn ong. Ông Dân cho biết: Tuyết rơi, ong chết nhanh như bị nhúng vào nước sôi.
Thời điểm tuyết rơi, mọi người chỉ tập trung cứu rau, màu và đưa trâu, bò xuống vùng thấp chứ không có điều kiện để cứu ong, khi kiểm tra thì đã muộn rồi. Năm 2013, ông Dân thu gần 30 lít mật từ 3 đàn ong, thu nhập hơn 10 triệu đồng. Vụ nuôi ong 2014, ông Dân được nhiều người đặt tiền mua mật ong, nhưng đành từ chối, bởi việc tái đàn sẽ rất khó khăn.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết đa số mật ong Sa Pa đều có chất lượng và hương vị đặc biệt so với mật ong ở các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Thái, tổ 43, phường Kim Tân (thành phố Lào Cai), người có nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh mặt hàng ong mật Sa Pa cho biết: Mật ong Sa Pa có màu nâu thẫm, mở nút chai ra là có mùi thơm dịu, mật sánh, mịn và để lâu không đóng đường, dù là bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh qua nhiều ngày.
Kinh nghiệm của những vị cao niên trong việc thử mật ong là nhỏ một, hay vài giọt mật trên giấy mỏng mà không bị vỡ và lan rộng thì đó là thứ mật tốt. Khi nếm, mật cho vị ngọt khe khé ở cổ họng, thì có thể khẳng định đó là mật ong Sa Pa.
Đến nay, chưa có thống kê chính xác về thiệt hại của những hộ nuôi ong mật trên địa bàn sau trận mưa tuyết. Sa Pa cũng chưa hình thành câu lạc bộ hay tổ, nhóm những người có cùng sở thích nuôi ong mật, nhưng qua khảo sát của chúng tôi, riêng các tổ dân phố số 5, 11, 12, 13 của thị trấn Sa Pa đã có đến hơn 40 hộ nuôi ong lấy mật. Ngoài gia đình ông Lê Thanh Hải nói trên thì các hộ còn lại đã từng nuôi 3 - 15 đõ ong mật.
Lợi dụng nhiều hộ nuôi ong đang gặp khó, nên nhiều hộ kinh doanh đã nhập mật ong ở nơi khác để bán cho khách du lịch tại trung tâm thị trấn Sa Pa, tất cả họ đều khẳng định sản phẩm là “mật ong rừng địa phương”. Giá bán tùy thuộc vào khách mua, nhưng dao động trong khoảng 100.000 đồng/1 chai dung tích 700 ml. Thật khó thẩm định chất lượng sản phẩm, nhưng nếu sản phẩm là hàng nhái sẽ gây thiệt hại lớn cho người nuôi ong Sa Pa trong thời gian tới. Hơn thế, có thể khách du lịch sẽ có ấn tượng xấu về vùng đất du lịch Sa Pa khi dùng mật ong rởm.
Có thể bạn quan tâm

Hồ hởi bên ruộng dưa vừa thu hoạch, ông Nguyễn Văn Luôn, ngụ xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Năm nay tôi trồng thử nghiệm 1,5ha nhưng nhờ khí hậu thuận lợi nên năng suất dưa lê đạt gần 50 tấn. Sau khi thu hoạch xong, khấu trừ các khoản chi phí, lãi trên 200 triệu đồng. Nếu so với trồng lúa thì trồng dưa lê lợi nhuận cao hơn gấp 10 lần”.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa đưa ra kế hoạch xuất khẩu gạo trong năm 2015. Theo đó, trong quý I/2015, các DN trong nước dự kiến xuất khoảng 900 ngàn tấn gạo đi các thị trường.

Trao đổi với phóng viên, ông Mai Quốc Hậu, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lai Vung, Đồng Tháp cho biết, năm nay, thời tiết thuận lợi, nên sản lượng quýt hồng và quýt đường trên địa bàn huyện đều tăng so với năm ngoái. Sản lượng quýt hồng trên toàn huyện ước đạt khoảng 35.000-40.000 tấn, trong khi quýt đường vụ giáp Tết này cũng cho sản lượng 25.000 tấn (quýt đường 2 vụ/năm).

Năm 2014 tiếp tục là năm khó khăn với nền kinh tế Việt Nam nói chung và Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam (Vinachem) nói riêng. Tuy nhiên, Vinachem đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch mà điểm sáng là tín hiệu khả quan cho xuất khẩu sản phẩm cao su.

Ngoài bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu), Đồng Nai còn có nhiều vùng nổi tiếng về trồng cây có múi, như: quýt Thanh Sơn, bưởi da xanh ruột hồng Định Quán… Đây là những dòng cây đặc sản cho thu nhập cao nên ngày càng thu hút nông dân đầu tư mở rộng diện tích.