Ngành cao su đối mặt với nhiều thách thức trong giai đoạn tới
Đây là nhận định của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) tại Đại hội Hiệp hội Cao su Việt Nam lần thứ 4, tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh chiều 31/7.
Theo VRA, sản lượng cao su thiên nhiên thế giới vẫn ở tình trạng cung vượt cầu, khoảng 300.000-500.000 tấn. Cao su nguyên liệu còn gặp nhiều khó khăn do giá sụt giảm mạnh với những biến động khó dự đoán liên quan đến giá dầu thô, bất ổn chính trị, tỷ giá...
Bên cạnh đó, mức tiêu thụ cao su thiên nhiên trong nước để chế biến sản phẩm còn ít nên ngành cao su sẽ phải tiếp tục xuất khẩu nguyên liệu thô khoảng 70% tổng sản lượng cả nước trong nhiều năm tới.
Nguyên nhân là do cơ cấu chủng loại cao su thiên nhiên của Việt Nam chưa phù hợp với nhu cầu thế giới và ngành công nghiệp chế biến cao su trong nước.
Điều này khá nghịch lý khi hàng năm các doanh nghiệp sản xuất, chế biến các thành phẩm từ cao su phải nhập hàng nghìn triệu tấn cao su thiên nhiên để đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Mặt khác, hiện nay, Việt Nam đã có các tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng nguyên liệu cao su thiên nhiên tương đương với các nước tiên tiến, nhưng chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các nhà máy sơ chế, chế biến cao su và nguyên liệu đầu vào nên việc kiểm soát chất lượng khó thực hiện đồng bộ.
Công nghiệp chế biến thành phẩm cao su còn gặp khó khăn trong cạnh tranh với những sản phẩm nhập khẩu không được kiểm soát về giá cả.
Hiện vẫn còn thiếu hàng rào kỹ thuật trong thương mại để ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng nhập khẩu từ các nước, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa trong nước...
Trước những thách thức trên, lãnh đạo VRA cho biết sẽ đề nghị các doanh nghiệp sản xuất trong ngành tăng cường liên kết, phối hợp với các công ty chế biến, sử dụng cao su nguyên liệu; đồng thời, kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành liên quan tăng cường các biện pháp quản lý chất lượng cao su để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch VRA cho biết, Hiệp hội cũng đang kiến nghị với Bộ Tài chính không thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng VAT đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cao su. Việc kê khai thuế này mặc dù sẽ được Nhà nước trả lại, tuy nhiên thời gian hoàn lại khá lâu, ảnh hưởng đến vốn kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay.
VRA cũng kiến nghị miễn tiền thuê đất khoảng 6-7 năm trong thời kỳ cây cao su ở giai đoạn kiến thiết cơ bản, sau khi có thành phẩm doanh nghiệp sẽ tiếp tục đóng thuế như quy định...
Trong nhiệm kỳ 2012-2014, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, nhưng ngành lại có những điểm sáng tích cực của lĩnh vực công nghiệp cao su. Giá trị của sản phẩm cao su Việt Nam xuất khẩu đã phát triển tốt với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 21,3% mỗi năm.
Sản lượng cao su đang tiến gần mục tiêu 1,1 triệu tấn vào năm 2015 và đảm bảo xuất khẩu cao su thiên nhiên vượt mục tiêu 1,8 tỷ USD/năm. Trong khi diện tích cây cao su cũng được mở rộng thêm khoảng 176.000 ha và đạt tổng diện tích hơn 977.000ha.
Bế mạc Đại hội, đã có 29/143 hội viên được bầu vào danh sách ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Cao su Việt Nam. Ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tái cử chức Chủ tịch Hiệp hội cao su Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2017.
Có thể bạn quan tâm
Tân Sơn là huyện có diện tích đất rừng khá lớn, trong tổng số hơn 68 nghìn ha đất tự nhiên thì có tới ¾ là đất rừng. Vì vậy công tác bảo vệ và phát triển rừng được huyện đặc biệt quan tâm.
UBND tỉnh vừa quyết định thanh lý hơn 27,6ha rừng trồng bị thiệt hại do bão số 11 năm 2013 gây ra tại lô a, khoảnh 8 và 9, tiểu khu 597, xã Tam Sơn; lô a, b, c, d, e, f, g, h, i, khoảnh 2, tiểu khu 608, xã Tam Trà thuộc khu vực Núi Huỳnh (huyện Núi Thành) nằm trong lâm phận của Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh. Khu vực nêu trên trồng keo tai tượng vào năm 2008.
Dù đang sắp bước vào mùa mưa nhưng hầu hết các giếng khoan, giếng đóng của các hộ dân ở xã Bình Hải (Bình Sơn) đều khô khốc, nhất là ở hai thôn Thanh Thủy và Phước Thiện. Hàng chục hécta hành đang ngóng nước về để “duy trì sự sống”. Nhiều hộ dân phải mua nước về tưới cho hành với kinh phí không nhỏ.
Những ngày gần đây, ngư dân tỉnh Khánh Hòa được mùa cá nục, trong khi giá loại cá này vẫn ở mức cao đã giúp nhiều chủ tàu thu lãi hàng chục triệu đồng sau mỗi chuyến đi biển.
Ngoài yếu tố thời tiết năm nay thuận lợi, thì người nuôi cũng đã chủ động và có ý thức hơn trong việc thả nuôi theo đúng lịch thời vụ khuyến cáo, đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng quy trình công nghệ nuôi tiên tiến, thả con giống có nguồn gốc.