Người Nuôi Ong Ở Sa Pa Chật Vật Khôi Phục Đàn Ong Mật

Mùa xuân trăm hoa đua nở, nhưng vẫn khiến những người nuôi ong mật trên đất SaPa (Lào Cai) “đi ra thở ngắn, đi vào thở dài”. Cũng chỉ tại “ông trời” gây mưa tuyết trung tuần tháng 12/2013 đã giết chết hầu hết số ong nuôi lấy mật.
Ông Lê Thanh Hải, trú tại tổ 5, thị trấn Sa Pa là một trong những hộ nuôi nhiều ong mật nhất Sa Pa. Ông Hải từng có 47 đõ ong, là thành quả lao động trong suốt 3 năm tìm bắt, mua giống ong rừng về nuôi và thuần hóa rồi tách đàn.
Thế nhưng, chỉ sau một đêm mưa tuyết cuối năm 2013, đàn ong của ông Hải chỉ còn 8 đõ đặt dưới hiên nhà, số để ngoài vườn, trên lưng đồi đều chết hết. Ông Hải ngậm ngùi chia sẻ: 39 đõ đặt ngoài vườn, đêm tuyết rơi, sáng ra kiểm tra mà vã mồ hôi, toàn bộ ong chết cóng, chúng bám vào nhau thành bánh để tránh rét nhưng số phận đã không buông tha.
Do chênh lệch về độ cao địa lý và đặc trưng của thời tiết, nên không ai có thể mua giống ong mật từ các tỉnh, huyện vùng thấp mang lên Sa Pa nuôi. Ong vùng thấp mang tới Sa Pa, nếu vào mùa đông chỉ cần mở nút đõ sau vài giờ là chúng bỏ đi hết. “Muốn nuôi ong ở trên này chỉ có thể tự mình đi tìm hoặc mua lại của bà con bắt từ rừng về” - ông Hải tâm sự.
Năm 2013, ông Hải mua được 13 đàn ong tự nhiên, giá tùy thuộc vào số lượng ong, nên dao động 300 - 500 nghìn đồng/tổ. Theo ông Hải, nếu không có trận mưa tuyết cuối năm 2013, thì vào thời điểm này có nhiều người dân đi bán ong rừng. Mưa tuyết đã xua đàn ong khỏi đất Sa Pa, ong hiếm, nên giá lên tới 1 triệu đồng/đàn.
Cùng chung cảnh ngộ với ông Hải là gia đình ông Nguyễn Văn Dân, trú tại tổ 13, thị trấn Sa Pa. Ông Dân từng có 3 đõ ong nuôi lấy mật, sau trận mưa tuyết lịch sử chỉ còn lại 1 đàn ong. Ông Dân cho biết: Tuyết rơi, ong chết nhanh như bị nhúng vào nước sôi.
Thời điểm tuyết rơi, mọi người chỉ tập trung cứu rau, màu và đưa trâu, bò xuống vùng thấp chứ không có điều kiện để cứu ong, khi kiểm tra thì đã muộn rồi. Năm 2013, ông Dân thu gần 30 lít mật từ 3 đàn ong, thu nhập hơn 10 triệu đồng. Vụ nuôi ong 2014, ông Dân được nhiều người đặt tiền mua mật ong, nhưng đành từ chối, bởi việc tái đàn sẽ rất khó khăn.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết đa số mật ong Sa Pa đều có chất lượng và hương vị đặc biệt so với mật ong ở các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Thái, tổ 43, phường Kim Tân (thành phố Lào Cai), người có nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh mặt hàng ong mật Sa Pa cho biết: Mật ong Sa Pa có màu nâu thẫm, mở nút chai ra là có mùi thơm dịu, mật sánh, mịn và để lâu không đóng đường, dù là bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh qua nhiều ngày.
Kinh nghiệm của những vị cao niên trong việc thử mật ong là nhỏ một, hay vài giọt mật trên giấy mỏng mà không bị vỡ và lan rộng thì đó là thứ mật tốt. Khi nếm, mật cho vị ngọt khe khé ở cổ họng, thì có thể khẳng định đó là mật ong Sa Pa.
Đến nay, chưa có thống kê chính xác về thiệt hại của những hộ nuôi ong mật trên địa bàn sau trận mưa tuyết. Sa Pa cũng chưa hình thành câu lạc bộ hay tổ, nhóm những người có cùng sở thích nuôi ong mật, nhưng qua khảo sát của chúng tôi, riêng các tổ dân phố số 5, 11, 12, 13 của thị trấn Sa Pa đã có đến hơn 40 hộ nuôi ong lấy mật. Ngoài gia đình ông Lê Thanh Hải nói trên thì các hộ còn lại đã từng nuôi 3 - 15 đõ ong mật.
Lợi dụng nhiều hộ nuôi ong đang gặp khó, nên nhiều hộ kinh doanh đã nhập mật ong ở nơi khác để bán cho khách du lịch tại trung tâm thị trấn Sa Pa, tất cả họ đều khẳng định sản phẩm là “mật ong rừng địa phương”. Giá bán tùy thuộc vào khách mua, nhưng dao động trong khoảng 100.000 đồng/1 chai dung tích 700 ml. Thật khó thẩm định chất lượng sản phẩm, nhưng nếu sản phẩm là hàng nhái sẽ gây thiệt hại lớn cho người nuôi ong Sa Pa trong thời gian tới. Hơn thế, có thể khách du lịch sẽ có ấn tượng xấu về vùng đất du lịch Sa Pa khi dùng mật ong rởm.
Related news

Việc tổ chức hội nghị cập nhật kiến thức về Đề án tái cơ cấu nông nghiệp là cần thiết cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện trong việc nghiên cứu các nội dung, mục tiêu, giải pháp thực hiện đề án. Qua đó, tạo sự đồng thuận thông suốt trong cả hệ thống chính trị ở địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện đề án đạt kết quả cao nhất.

Qua triển khai, Phó chủ tịch UBND huyện Tam Nông Lê Hoàng Nam đánh giá cao triển vọng của dự án, đồng thời yêu cầu Công ty và Hợp tác xã tôm càng xanh thống nhất về thời gian xuống giống; UBND xã Phú Thành B tăng cường tuyên truyền để bà con đăng ký tham gia nhiều hơn; ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân trong suốt quá trình thực hiện dự án...

Là huyện nghèo, nền kinh tế chậm phát triển; trong những năm qua, huyện Xín Mần đã xác định: Lấy sản xuất nông nghiệp làm hướng đi chính trong phát triển kinh tế, XĐGN. Theo đó, để sản xuất nông nghiệp trở thành hướng đi chủ đạo của nền kinh tế, huyện đã quy hoạch, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy thế mạnh của từng vùng, áp dụng KHKT, đưa nhanh giống mới vào sản xuất, đầu tư thâm canh...

Dù không phải xã điểm của tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng sau 3 năm triển khai, đến nay, diện mạo xã Vị Bình, huyện Vị Thủy đã có nhiều thay đổi. Hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống chính trị đều được củng cố và phát triển, đời sống của người dân đang từng bước được nâng lên.

Ngay cả những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ cũng đã có những chính sách thay thế dần nguồn năng lượng hóa thạch (dầu mỏ, than đá) bằng các nguồn năng lượng tái tạo. Nguyên nhân do các nguồn năng lượng hóa thạch đang cạn kiệt dần việc khai thác, sử dụng loại nhiên liệu này là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chi phí ngày càng tăng cao.