Giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt
Đã giảm
Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam: Tính riêng trong tháng 7, giá thức ăn hỗn hợp dành cho gà thịt ở mức hơn 10.000 đồng/kg, giảm 1,9% so với tháng trước; thức ăn hỗn hợp dành cho lợn thịt cũng chỉ còn 8.800 đồng/kg, giảm sâu 3% so với tháng 6.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam đánh giá: Nhìn chung từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu dần “hạ nhiệt”. Cụ thể, giá thức ăn hỗn hợp gà thịt từ mức gần 11.000 đồng/kg ở tháng đầu năm xuống 10.000 đồng/kg trong tháng 7; giá thức ăn hỗn hợp lợn thịt từ mức hơn 9.600 đồng/kg xuống 8.800 đồng/kg. Điều này đã chứng minh chính sách miễn thuế GTGT đối thức ăn chăn nuôi có tác dụng.
“Từ đầu năm đến nay, giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lúc tăng lúc giảm. Ví dụ đối với mặt hàng ngô trong tháng 1 là 5.800 đồng/kg nhưng đến tháng 4 chỉ còn 5.100 đồng/kg, sang tháng 7 lại lên 5.700 đồng/kg. Giá ngô quanh quẩn ở mức 5.200-5.700 đồng/kg. Khô dầu đậu tương giảm từ 11.300 đồng/kg trong tháng 1 xuống 10.000 đồng/kg trong tháng 7. Bột cá trong tháng 5 và 6 có giá 28.000 đồng/kg, song tháng 7 lại tăng lên 29.000 đồng/kg. Giá cả nguyên liệu biến động theo nhiều yếu tố như thời tiết, đồng USD lên xuống. Tuy nhiên, bất kể sự trồi sụt đó, giá thức ăn chăn nuôi bán ra vẫn giảm chính là nhờ chính sách miễn thuế GTGT. Trong giá thức ăn chăn nuôi, việc giảm 0,5- 1,5% đã là mức giảm đáng kể, cho nên giảm giá như thời gian qua rất đáng ghi nhận”, ông Lịch nhấn mạnh.
Là chủ trang trại nuôi tới 10.000 gà đẻ trứng và khoảng 500 con lợn cả lợn nái lẫn lợn thịt tại xã Cấn Hữu, Quốc Oai (Hà Nội), ông Nguyễn Văn Lâm cho biết: Thời điểm hiện tại so với cùng kỳ năm trước, giá thức ăn chăn nuôi cho gà và lợn nói chung đã giảm trung bình khoảng 30-40.000 đồng/bao 25kg. Ví dụ trước đây cám cho lợn khoảng 290.000 đồng/bao thì nay chỉ còn 255.000 đồng/bao, cám gà từ 240.000 đồng/bao xuống còn 200.000 đồng/ bao. Ông Lâm tính toán, với mức giá giảm này, mỗi tháng cơ sở chăn nuôi của gia đình ông tiết kiệm được khoảng 6 triệu đồng so với trước.
Hộ ông Lâm hiện đang sử dụng cám của Công ty TNHH ANT 100% vốn Đài Loan. Ông Lâm cho biết, ngay sau khi chính sách miễn thuế GTGT cho thức ăn chăn nuôi có hiệu lực, DN này đã điều chỉnh giảm giá thức ăn chăn nuôi 3%, sau đó khoảng 2 tháng giảm tiếp 2%. Nhờ chính sách miễn thuế GTGT mà người chăn nuôi được hưởng nhiều lợi ích.
Có thể giảm hơn nữa?
Mặc dù giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường “hạ nhiệt” nhưng ông Lê Bá Lịch khẳng định, kể cả tiếp tục giảm giá bán thức ăn chăn nuôi hơn nữa so với hiện nay, các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn “rủng rỉnh” lãi.
Liên quan tới vấn đề này, ông Lâm cho rằng, thời gian qua giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trên thị trường giảm nhiều hơn. So sánh mức giá mua nguyên liệu và giá bán thức ăn thành phẩm của các DN thức ăn chăn nuôi, độ chênh lệch khá lớn, nghĩa là dù giảm giá do thuế GTGT về 0% nhưng các DN vẫn lãi nhiều. Ông Lâm mong muốn, những DN sản xuất thức ăn chăn nuôi có thể xem xét, cân đối để điều chỉnh giá bán giảm hơn nữa nhằm chia sẻ gánh nặng, rủi ro với người chăn nuôi.
Theo ông Lịch, ngoài trông chờ vào động thái giảm giá bán thức ăn chăn nuôi từ phía các DN, các cơ sở chăn nuôi đủ tiềm lực nên phát triển theo hướng tự đầu tư nhà xưởng, máy móc và mua nguyên liệu về để trực tiếp phối trộn, tự sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nếu đầu tư đúng mức, tìm hiểu đầy đủ kỹ thuật, đây là cách làm hoàn toàn có thể thực hiện được và phù hợp với điều kiện của nhiều cơ sở chăn nuôi hiện nay.
Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long, Thanh Oai (Hà Nội) là đơn vị đã triển khai việc tự sản xuất thức ăn chăn nuôi được hơn một năm nay. ông Nguyễn Trọng Long, Chủ nhiệm hợp tác xã cho biết: Đầu tư nhà xưởng, máy móc ban đầu hết khoảng 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, tự túc sản xuất thức ăn chăn nuôi giúp hợp tác xã tiết kiệm được 1.500-2.000 đồng/kg so với đi mua sản phẩm từ DN. “Khi tìm hiểu kỹ lưỡng nắm rõ các kỹ thuật và đủ nguồn lực về vốn, các cơ sở chăn nuôi hoàn toàn có thể triển khai theo cách làm này. Tuy nhiên, những nhược điểm cần tính đến là chất lượng sản phẩm cũng như độ ổn định trong quy trình sản xuất sẽ khó bằng được các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi chuyên nghiệp, bài bản”, ông Long nói.
Có thể bạn quan tâm
Vào vụ cá nam năm nay, nhất là thời gian gần đây ở Bình Thuận, mỗi chuyến biển ra khơi ngư dân trở về với những khoang cá cơm đầy ắp. Ở các bến cảng tấp nập tàu thuyền tập kết, tiếng cười, tiếng nói ngư phủ cũng rộn rã hơn sau những ngày “hái bạc”…
Không mất nhiều công gieo vãi, chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, có tác dụng làm đất tơi xốp, bên cạnh đó còn tận dụng được diện tích đất 2 lúa, nên cây đậu tương đã và đang trở thành cây trồng được tỉnh Thanh Hóa lựa chọn để trồng trong vụ đông trên chân đất 2 lúa trong nhiều năm qua.
Nghề của ông Nguyễn Cao Cường, thôn Tăng Sơn, xã Hoà Sơn, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) "độc" nhất trong vùng kể cả nghĩa đen và nghĩa bóng - nuôi rắn hổ mang phì (rắn hổ phì). Với nhiều người, chỉ cần nghe đến rắn đã rợn tóc gáy, vậy mà nghề "độc" này lại giúp gia đình ông gây dựng được cơ nghiệp.
Chiến tranh đã lùi xa 38 năm, những người lính tham gia kháng chiến một thời, nay trở về đời thường với những vết thương không thể xóa nhòa. Cuộc sống hôm nay với bao khó khăn, vất vả nhưng họ vẫn hăng say, quyết tâm làm giàu bằng ý chí và nghị lực ngay trên quê hương mình.
Năm 2013 Trung tâm Khuyến nông Lai Châu triển khai mô hình nuôi ghép cá rô phi đơn tính đực khu vực miền núi nằm trong dự án phát triển nuôi cá rô phi đơn tính đực quy trình GAP tại thị trấn Tân Uyên và xã Thân Thuộc huyện Tân Uyên, quy mô 01 ha với 13 hộ nông dân tham gia.