Người Nuôi Cá Tra Chờ… Giải Cứu
Mặc dù Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra đã có hiệu lực hơn 2 tháng nhưng công tác triển khai còn chậm chạp. Cả người nuôi lẫn doanh nghiệp đều lâm cảnh ngóng chờ hiệu ứng của chính sách.
Hỏi bất kỳ người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nào về Nghị định 36, một nghị định được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, thì câu trả lời chỉ là: Có nghe qua nhưng chẳng biết rõ thế nào!? “Lúc này điều chúng tôi mong mỏi nhất chỉ là sớm được khoanh nợ và cơ quan chức năng cần xem xét kiến nghị phía ngân hàng coi ao đang thả nuôi cá tra là tài sản thế chấp để chúng tôi được vay vốn. Hàng tỷ đồng đổ vào đó, từ cá giống, thức ăn nhưng khi ngân hàng xét cho vay lại chỉ tính diện tích đất ao thế chấp, nên được có vài chục triệu đồng thôi, vô lý hết sức”, anh Lưu Văn Kiệt, người nuôi cá tra ở cù lao Tân Lộc (TP.Cần Thơ) bức xúc.
Cái khó của người nuôi cá tra hôm nay chính là hệ lụy của sự phát triển “nóng” vượt tầm kiểm soát. Vậy nên, Nghị định 36 được kỳ vọng tạo nên bộ khung quan trọng để hạn chế tình trạng nuôi cá tự phát tràn lan như vừa qua. Đây cũng là cơ sở để từng bước chuyên nghiệp hóa cho nông dân nuôi cá tra đạt chất lượng tối ưu trong khả năng của nông hộ.
Thế nhưng, việc người nuôi thủy sản vẫn còn thờ ơ, hay nói đúng hơn chưa nắm bắt được tinh thần cơ bản của Nghị định 36 là giúp họ trong công tác quy hoạch vùng nuôi một cách bền vững, lại là câu hỏi đáng phải suy ngẫm với các cấp thực thi chính sách.
Thông tin ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hậu Giang, chia sẻ ít nhiều cũng đưa ra được niềm hy vọng cho người nuôi: “Sẽ nhanh chóng hướng dẫn nông dân sớm tiếp cận chuẩn hóa nghề nuôi theo những tiêu chuẩn mà Nghị định 36 quy định”. Nhưng vào thời điểm nào thì chính ông Đồng cũng khó lòng đưa ra câu trả lời chính xác.
Ngành cá tra đã qua giai đoạn phát triển thần tốc, và đang bước vào giai đoạn suy yếu. Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Nghị định 36 sẽ góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc của ngành như: hạn chế được tình trạng mất cân đối cung cầu trong sản xuất cá tra nguyên liệu; liên kết giữa cơ sở nuôi và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu... Điểm mới mà Nghị định đưa ra đối với việc nuôi, chế biến cá tra bao gồm quy hoạch nuôi, chế biến cá tra; điều kiện về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm cá tra chế biến...
Đối với cơ sở chế biến cá tra phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về chế biến thực phẩm thủy sản do cơ quan quản lý nhà nước cấp...
Song, đối tượng doanh nghiệp, chịu điều chỉnh trực tiếp từ Nghị định, lại phản ứng khá “gay gắt” với những quy định trên. Thí dụ như, theo các doanh nghiệp, Nghị định 36 đã “siết quá chặt” hoạt động của doanh nghiệp; một vài thông số quy định về kỹ thuật chưa đúng với thực tế sản xuất và nhu cầu của khách hàng. Được biết, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp để trình Bộ Nông nghiệp và PTNT nhằm có được hướng dẫn cụ thể.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Hiệp hội đã sẵn sàng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất để thực hiện các công việc hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc ngành hàng. Trong đó, sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống các cơ sở nuôi áp dụng tốt các quy phạm thực hành nuôi tốt cũng như các tiêu chuẩn của quốc tế: VietGAP, GlobalGAP, ASC.
Đến cuối năm 2015, tất cả các cơ sở sản xuất cá tra xuất khẩu đều phải chứng nhận VietGAP theo quy định và các chứng nhận tương đương cũng như thực hiện quản lý vùng theo hướng bền vững trong nuôi cá tra. Hoàn thiện cơ chế quản lý xuất khẩu đối với các doanh nghiệp xuất khẩu; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thương trường quốc tế.
Người nuôi và doanh nghiệp tham gia vào chuỗi nuôi và khai thác, chế biến, xuất khẩu từng tạo nên sức mạnh đáng kể của một sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn như cá tra.
Từ đó tạo nên vị thế đáng kể của Việt Nam trong xuất khẩu cá tra trên thế giới. Thế nhưng, sau những ngày dài tăng tốc, giai đoạn khó khăn khiến cho “vương miện” một thời trở thành gánh nặng cho cả người nuôi lẫn doanh nghiệp.
Người nuôi lâm vào tình thế quay lưng với cá tra thì không đành, tiếp tục cũng chẳng xong. Doanh nghiệp cũng vậy, nói tái cơ cấu và tái cấu trúc không phải chuyện ngày một ngày hai, trong khi chuyện sống còn thì đối diện ngay trước mắt.
Vậy nên, Nghị định 36 có hiệu lực mang theo kỳ vọng của nhà quản lý và cũng chất chứa nỗi mong đợi của người thực thi. Biết là còn có khoảng cách giữa Nghị định và đời sống, còn những khó khăn trong thực thi, nhưng nếu cơ quan quản lý không đồng hành cùng đối tượng chịu tác động của Nghị định thì e rằng, đời sống của một chính sách được kỳ vọng “cứu sống” một ngành khó lòng được như mong đợi.
Chính quyền các cấp, Hiệp hội Cá tra Việt Nam hơn lúc nào hết cần thấu hiểu thực tế để trong thực thi có cái nhìn thấu suốt cái khó, cái khổ của người dân và doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Nhanh tay cấy nốt diện tích lúa của gia đình, chị Nguyễn Thị Minh, xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) cho biết: Ngay sau khi thu hoạch lúa xuân, gia đình tôi tiến hành làm đất, vì vậy có thể cấy lúa mùa sớm nhằm tạo quỹ đất cho sản xuất cây vụ đông ưa ấm. Cũng như gia đình chị Minh, đến thời điểm này, gia đình anh Vũ Văn Hải, xã Hải Tây (Hải Hậu) cũng đã hoàn thành việc gieo cấy lúa mùa.
"Sáng cấy, chiều gặt” là câu nói vui của diêm dân về nghề sản xuất muối nhưng ẩn giấu trong đó bao nỗi nhọc nhằn.
Với 72km bờ biển, những năm qua kinh tế biển đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khối nông, lâm, thủy sản cả về sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản. Sự phát triển của ngành kinh tế biển còn góp phần quan trọng vào công cuộc giữ gìn chủ quyền, an ninh trên vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của đất nước.
Mô hình làm lúa không sử dụng thuốc trừ sâu, rầy ở xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, An Giang mà người dân gọi là lúa siêu sạch, đang giúp nhiều nhà nông hạ giá thành sản xuất, ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập.
Thực hiện phong trào thi đua yêu nước, 5 năm qua (2010-2015), hàng ngàn hộ nông dân (ND) Quảng Bình đã vươn lên làm giàu trên những vùng đất còn nhiều gian khó. Và điều đặc biệt hơn, trong cộng đồng người Rục nổi tiếng nghèo khó đã xuất hiện triệu phú!