Người Luyện…tiên Đan Cho Lợn
Đó là câu chuyện của Tạ Hùng Đậu, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Một ngày, anh mời tôi tới nhà. Mâm cơm đã bày sẵn, thịt lợn “toàn tập” từ chả nướng, canh xương, lòng sốt đến thịt luộc. Đổ nồi nước đang sùng sục reo trên bếp, anh bảo tôi lấy nước máy chế vào kẻo nghi ngờ đã nêm mì chính. Thả từng miếng thịt sống vào nồi đun sôi rồi hãm lửa nhỏ để giữ lại các phân tử đường kết tinh trong tế bào thịt không bị bốc hơi. Đó là bí quyết luộc thịt của anh Đậu.
Kinh nghiệm này sai hoàn toàn với thịt nuôi bằng cám công nghiệp, thứ đó cứ phải đun sôi thật to để mùi hôi trong thịt bay bớt đi mới ăn nổi. Tôi nhẩn nha đưa một miếng thịt lên miệng. Thơm, ngon, dai, ngọt. Nhấp chút nước luộc, một vị ngọt len nơi khóe lưỡi, đầu môi. Nước trong, ít bọt với những sao mỡ nhỏ nhếnh nhoáng bên trên, điều hiếm thấy của thời đại “cám cò”.
Ám ảnh bởi bản tin đau lòng
Ngày 20 tháng 4 năm 2007, trên đài tiếng nói đưa tin trong năm 2006 Việt Nam có 150.000 người bị ung thư trong đó có 50.000 người bị ung thư từ nguồn gốc thực phẩm bẩn. Con số khủng khiếp cứ ám ảnh Tạ Hùng Đậu. Là một người trong ngành anh biết, cám công nghiệp giúp vật nuôi tăng trưởng nhanh nhưng đánh đổi là môi trường ô nhiễm, là tồn dư kháng sinh, hóc môn, axít béo không no (thủ phạm chính gây mùi hôi khi chế biến), là khả năng tích nước cao... Phải tìm ra một loại thức ăn sạch mới mong có thịt sạch, môi trường sạch, người kỹ sư chăn nuôi nọ nung nấu.
Lục trong tàng thư, Thiền sư Kỳ Bà từng ghi lại chuyện các nhà y học Trung Quốc từ xa xưa đã có những bài thuốc chỉ định dùng cho các quan thái giám khi đứng hầu cận vua, quan trong triều, nhất là khi có những bữa đại tiệc kéo dài. Sau khi uống thuốc, phân, nước tiểu và khí trung tiện của các thái giám này hầu như không còn mùi hôi. Các bài thuốc này ở Việt Nam, Hải Thượng Lãn Ông cũng sử dụng để giúp bệnh nhân tăng cường tiêu hóa, hấp thu các chất dinh dưỡng, trao đổi chất. Lại thêm các cuốn kinh điển Giáo trình dược thú y, Những bài thuốc nam và đặc biệt Cây thuốc và vị thuốc ở Việt Nam của Giáo sư Đỗ Tất Lợi như những chiếc phao để anh Đậu bấu víu một niềm tin.
Đọc nát sách, Tạ Hùng Đậu cho xây một chuồng lợn… tại gia giữa cái chốn phố phường đô hội để phục vụ cho đề tài nghiên cứu lợn sạch. Chuồng xây sát cầu thang, nhà hình ống, đằng trước đóng cửa, sau hút gió, thối là biết ngay, rất lợi hại cho mục đích khảo sát độ ô nhiễm của phân lợn.
Đầu tư không lớn, giá bán phù hợp với sức mua của nhiều người (khoảng 120.000 đ/kg thịt) đó chính là ưu thế đặc biệt của thịt lợn sạch. Tạ Hùng Đậu còn ấp ủ thử nghiệm phối trộn thức ăn tạo thịt lợn khi đưa vào chế biến không phải cho mì chính, gia vị hành tỏi vì đã có đủ vị trong đó rồi.
Biết tin, đồng nghiệp nhìn anh bằng con mắt không bình thường, vợ phản đối, mẹ vợ càm ràm, hàng xóm xì xào mỗi khi có gió thốc mùi phân nồng nặc. Anh thử nghiệm cỡ 20 loại thảo mộc để bổ sung vào thức ăn cho lợn. Loại thịt ngon nhưng chậm lớn. Loại lớn nhanh nhưng không ngon. Loại ngon, lớn nhanh nhưng mổ ra thịt trắng bệch chứ không đỏ. Loại được màu thịt, được lớn nhanh và thịt ngon nhưng bài tiết phân vẫn thối. Loại gom đủ cả bốn thứ lớn nhanh, thịt ngon, màu đẹp, phân không thối nhưng khi chế biến nước luộc có màu xanh cũng phải bỏ đi.
Mỗi lứa lợn thịt xong anh lại đem cho hàng xóm để nhận về những câu nhận xét đại loại: “Thịt thơm nhưng mùi phân vẫn thối quá ông ạ! Người ta tiến sĩ, giáo sư không làm được ông thì làm được cái gì?”. Những câu nhận xét xót như kim châm, đắng như nếm mật. Những câu nhận xét khiến anh bồn chồn không yên, nhiều lúc chán nản, bỏ bẵng một thời gian rồi lại nhập cuộc hăng say như muốn chuộc lại thời gian đã mất.
Một năm ba lứa, ky cóp được đồng lương nào Đậu ném tất vào chuồng lợn. Cái nhà xây mấy năm rồi tầng hai chưa kịp lăn sơn đã hết tiền, trơ một màu vữa xám. Người vợ tần tảo chăm con, một mình vò võ làm kinh tế phụ chồng anh cũng chỉ biết ghi lòng mà chẳng thể giúp nổi. Khi thử nghiệm mở rộng đưa vào dân, hí hửng mổ thử một con lứa đầu, màu thịt trắng bệch khiến mặt chủ trại cũng tái sắc lo cả đàn lợn ế thì khốn. Lại một phen hì hụi đọc tài liệu, nâng cấp thức ăn, cứu vãn một bàn thua trong phút chót.
Quyển sổ tay của anh ghi chi chít: “Ngày, tháng, năm, thử nghiệm công thức, thấy phân khuôn đẹp, khô, giảm hôi thối phân và nước thải khoảng 60%…”. Lại có những đoạn rất đọc rất thú, rất “tình”: “Mông phát triển, dáng đi uyển chuyển, cơ thể như một khối vững chắc, lông mượt, lưng có rãnh” hệt như một giám khảo khó tính của cuộc thi Vietnam Nextop model. Quyển sổ ấy được Tạ Hùng Đậu giữ như mả tổ.
Công thức bí truyền
Trong những ngày đi tiêm chọc dịch vụ khắp chốn, hễ rảnh rang anh lại tự đi tìm thảo dược ở dặm dài những đồi núi vùng Ngọc Thanh, Tam Đảo. Sau nhiều thử nghiệm, kim ngân và thổ phục linh là một bộ đôi hoàn hảo bổ trợ cho công thức thức ăn sinh học. Ở Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam từ lâu dân gian đã sử dụng các loại cây này chữa bệnh cho người nhưng chưa có ai ứng dụng nghiên cứu phục vụ chăn nuôi.
Cây kim ngân có hoa mới nở màu trắng như bạc để lâu màu vàng, vị ngọt, tính hàn vào bốn kinh phế, vị, tâm, tì, có năng lực thanh nhiệt, giải độc, dùng chữa sốt, tả, lị, mụn nhọt, giang mai, tăng tuổi thọ. Thổ phục linh (cây khúc khắc), ngọt bình vào kinh can vị làm thông các mạch.
“Trong cơ thể con người và động vật lúc nào cũng có chứa vi trùng hoặc một số vi khuẩn bất lợi, khi sức đề kháng mất cân bằng với độc lực của vi trùng, vi khuẩn sẽ sinh bệnh. Phục linh là tinh khí của đất (thổ) và dự khí của cây tùng mà thành, từ chỗ không mà có, dược tính của nó chủ yếu vào tì, phàm những thuốc lợi thủy đều đi lên rồi giáng xuống. Phục linh dùng trong nhân y để tẩy độc cơ thể (nhất là độc thủy ngân), bổ dạ dày, khỏe gân cốt, làm ra mồ hôi. Trong các thức ăn thông thường thường bao giờ cũng có khả năng tồn dư kim loại nặng, nhờ thảo dược có cơ chế hấp thu và thải trừ mới lọc sạch”, Đậu cho hay.
Tất cả các thành phần trong thức ăn sinh học như cám, ngô, đậu…cùng vài chục thành phần khác phối trộn đều là loại thượng thặng, thậm chí dùng cả dầu thực vật cho người để bổ sung. Ngay cả nước cho lợn uống cũng phải lọc sạch như người để tránh ngộ độc kim loại nặng. So với lợn nuôi công nghiệp tăng trọng 22-24kg/tháng thì lợn ăn “tiên đơn” tăng trọng xấp xỉ với tỷ lệ tiêu tốn thức ăn cỡ 3 kg/1kg tăng trọng.
Người kỹ sư ấy miệt mài thử nghiệm từ năm 2002 đến năm 2006 mới thành công để viết đề tài khoa học về lợn sạch cấp tỉnh. Các mẫu thịt liên tục được gửi lên Viện Công nghiệp Thực phẩm kiểm nghiệm từ năm 2006 đến năm 2011 mỗi năm vài mẫu với nhiều chỉ tiêu. Chưa một mẫu nào có dư lượng vượt quá cho phép. Thịt sạch 100%. Sau bốn năm ròng rã nộp đơn, công thức bí truyền loại thức ăn thảo dược của Tạ Hùng Đậu được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích ngày 7/10/2011.
Lúc tôi ghé chơi, nhà anh tất bật người đến viết phiếu đăng ký mua thịt. Anh chỉ mổ lợn theo lịch đặt hàng, mỗi tuần một hai lần. Người mua chủ yếu trên địa bàn Thị xã Phúc Yên. Mấy cơ sở chăn nuôi ở huyện Sóc Sơn mới đây anh Đậu liên kết cho một kế hoạch dài hơi hơn tung thịt sạch vào thị trường Hà Nội.
Có thể bạn quan tâm
Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai vừa phối hợp Công ty CP Giống cây trồng Miền Nam (SSC), Công ty Dekalb Việt Nam, tổ chức Hội nghị “Đánh giá kết quả triển khai thí điểm mô hình liên kết sản xuất ngô lai thương phẩm DK6919 và DK8868 vụ xuân hè 2015” trên địa bàn tỉnh.
Là bác sĩ làm việc tại một bệnh viện lớn ở TP.HCM, nhưng cuối mỗi tuần, anh Hồ Thanh Bình đều về thị xã Tân Uyên (Bình Dương) để được chăm sóc những vườn rau sạch rộng hàng nghìn m2 của mình. Ngoài ra, anh còn trồng dưa lưới, dưa vàng trong nhà kính 1.000m2...
Với phương châm cùng nông dân (ND) tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, Hội ND quận Liêu Chiểu, TP.Đà Nẵng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp để tạo điều kiện cho hội viên khai thác hiệu quả, làm giàu từ đất dự án bỏ hoang.
TS Lê Thanh Hiền - trưởng bộ môn bệnh truyền nhiễm và thú y cộng đồng (ĐH Nông lâm TP.HCM) - khẳng định như vậy khi đề cập đến vấn nạn dùng tràn lan chất cấm trong chăn nuôi.
Nhật là thị trường nhập khẩu cua ghẹ lớn thứ ba của Việt Nam, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP).