Nuôi Cá Bống Dừa
Cá bống dừa có hình dạng bên ngoài giống như cá bống tượng và cũng là một loài cá dữ. Cá bống dừa có màu đen đậm hay nhạt tùy vào môi trường nước đang sống. Cá bống dừa (CBD) là sản phẩm mà tự nhiên ban tặng cho vùng sông nước tiếp giáp với biển.
Đây là loài cá sống và phát triển mạnh ở vùng lợ, rất quen thuộc với người dân Bến Tre nói riêng và miền Tây Nam bộ nói chung. Trong tự nhiên cá sống ở sông, rạch, ao vườn và đặc biệt là vùng có nhiều cây dừa nước phát triển. Cá có khả năng sinh sản phát triển rất nhanh và thích nghi tốt với điều kiện môi trường.
Cá thích sống trong điều kiện có nhiều bùn, cá thường trú ẩn trong hang, hốc, khe giữa hai bẹ dừa nước, bọng trái dừa chuột khoét… Cá có thể vùi dưới bùn rất lâu và sống trong điều kiện mực nước cạn hoặc ít nước.
Thông thường khi tát ao hoặc khi mò trong ao vườn thì trong một trái dừa chuột khoét hoặc trong bọng cây có rất nhiều cá, có khi trên 10 con với nhiều kích cỡ khác nhau. Lợi dụng đặc tính này mà người dân khi đánh bắt được đã vận chuyển cá đi đường dài trong thời gian từ 4 - 6 giờ không cần nước mà cá vẫn sống.
Tỉ lệ chết trong quá trình vận chuyển khô thường thấp chỉ vài phần trăm và đa số những con cá chết đều do đã bị xây xát trước đó.
CBD là loài cá linh hoạt, ăn tạp nhưng thích mồi có nguồn gốc là động vật hơn. Điều kiện rọng cá để ăn dần thì sau 4 – 5 ngày rọng trong thau, chậu nếu cho cơm nguội vào thì cá vẫn ăn hết. Cá rất háu ăn và khi đói là cứ xông vào ăn cho dù câu lên rớt xuống vẫn tiếp tục lao vào ăn.
Đây là loài cá duy nhất câu không cần lưỡi và có thể câu được nhiều con cùng lúc. Cách câu là dùng sợi chỉ câu luồn qua một hoặc nhiều con trùn sao cho chiều dài mồi câu từ 5 – 10 cm trở lên rồi đợi lúc triều cường, đặt mồi câu ở chỗ đầu nguồn nước chảy vào ao mà câu. Những người đặt lợp đã dùng mồi tanh đặt khi nước lớn vào và thu hoạch khi nước cạn.
Các loại mồi thường dùng để đặt lợp là tép, còng, con bà chằn, trùn… Với cách làm này có rất nhiều lúc khi thu hoạch cả lợp đầy kín chật những cá.
Như vậy trong tự nhiên cá có thể sống mật độ dày, điều kiện khắc nghiệt mà vẫn tồn tại và phát triển. Bộ máy tiêu hóa của cá cũng rất tốt, chúng có thể tiêu hóa càng ngoe của cua, tôm, còng gió một cách dễ dàng vì khi đặt lợp bằng mồi còng thì chúng ăn sạch không chút nào sót lại.
Cá thường bắt cặp vào một số ngày trong tháng, thường là các ngày 14 đến 18 âm lịch. Biết được đặc tính này nên người dân thường đi bắt cá “bống bợp” vào những ngày nêu trên và thường là bắt được hai con và cả hai thường là cá to. Thời điểm đặt lợp được nhiều cá thường vào đầu con nước, cụ thể như các ngày mồng chín đến ngày 12 âm lịch hàng tháng.
Trong các ao vườn nuôi tôm càng xanh, lúc thu hoạch sau 3 – 4 tháng nuôi tôm thì thường có một số ít CBD còn sót lại 5 – 10 con với trọng lượng cá thể từ 50 gram trở lên, đôi khi có một số cá đạt trọng lượng đến 100 gram. Khi bắt cá ngoài tự nhiên đã có cá đạt trọng lượng đến 130 gram/con. Nên tính việc nuôi thả cá bống dừa, chắc chắn đây là loài dễ nuôi, giá bán tốt, hiệu quả kinh tế sẽ rất cao.
Thịt cá bống dừa có thớ mịn, dai, vị ngọt, ít xương, ít mỡ, không có mùi tanh hoặc mùi hôi cỏ, hôi bùn như nhiều loại cá khác. Sau khi nấu chín thì phần thịt và xương tách rời nhau dễ dàng nên khi ăn ít khi bị hóc xương. Từ CBD có thể chế biến ra các món ăn mang đậm nét quê hương như cá bống kho tiêu, kho tộ, nấu canh chùm ngót, canh rau tập tàng, canh mướp hương, cá nướng dằm nước mắm tỏi ớt, cá chưng tương… Với các món ăn này ai đã từng thưởng thức thì khó quên hương vị của miền thôn dã.
Trong tự nhiên lượng cá sản sinh ra rất nhiều. Nhờ vào việc biết rõ đặc tính của cá mà người dân đánh bắt rất hiệu quả mang lại nguồn thu nhập rất đáng kể cho gia đình.
Một người chuyên nghiệp có thể bắt được nhiều nhất đến 50 kg/ngày. Có gia đình vài ba người cùng bắt, lúc cao điểm có thể từ 70 kg đến cả trăm kg/ngày. Chính vì dễ đánh bắt nên việc khai thác đã bị lạm dụng quá mức. Khi bắt được thì cá to, cá nhỏ đều tiêu thụ hết, nhưng hầu hết cá bắt được đều là cá nhỏ (còn gọi là cá “nhi đồng”).
Cá to có chiều dài thân trên 10 cm với trọng lượng cá thể từ 15 gram trở lên, cá nhỏ chiều dài thân dưới 7cm, trọng lượng cá thể dưới 10 gram. Giá thu mua của các thương lái tại Bến Tre tùy nơi, biến động từ 25.000 đ đến 35.000 đ/kg, trong đó cá có đủ các kích cỡ.
Các thương lái khi vận chuyển bằng xe hai bánh đến phân phối tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh thì mỗi chuyến đi có thể chở từ 60 – 80 kg cá và cỡ cá lớn được bán ra từ 60.000 đ đến 80.000 đ/kg, cỡ cá nhỏ từ 35.000 đ đến 45.000 đ/kg. Điều này cho thấy cư dân thành phố cũng quen thuộc và rất ưa chuộng món ăn từ cá bống dừa.
Có thể bạn quan tâm
Từ năm 2011, khi các Dự án về nuôi cá giòn được triển khai ở địa phương, các chủ hộ được tập huấn kỹ thuật luyện cá nuôi thường (cá trắm và chép) thành cá giòn, đã giúp người dân nuôi hiệu quả hơn và nghề này ngày càng phát triển.
Để bảo vệ vườn chuối, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên đề nghị địa phương tổ chức tập huấn cho người trồng chuối về kỹ thuật canh tác và phòng trừ sâu bệnh hại chuối, đồng thời tiến hành áp dụng mô hình trồng chuối cao sản để nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Đến thời điểm này, vụ vải thiều năm 2014 đã kết thúc. Theo tổng hợp của ngành chức năng, sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang đạt hơn 191 nghìn tấn, tăng hơn 60 nghìn tấn so với năm 2013.
Một trong những hộ nuôi ong mật thành công trên địa bàn huyện là là anh Nguyễn Văn Thanh ở xã Tân Tiến. Hiện anh Thanh đang sở hữu khoảng 1.000 thùng ong với 6 năm kinh nghiệm nuôi ong lấy mật và anh là thành viên của hội nuôi ong tại địa phương.
Với đặc điểm của một xã vùng cao có diện tích đất nông nghiệp hạn chế cộng với khí hậu khắc nghiệt khiến việc trồng trọt ở Sủng Là gặp nhiều khó khăn, chỉ đủ ăn. Việc trồng cỏ và nuôi bò được xem là một hướng đi chính có nhiều triển vọng giúp người dân ở đây xóa đói giảm nghèo theo chủ trương của tỉnh.