Ngư Dân Trúng Lộc Biển Đầu Năm

Những ngày đầu năm mới, có mặt tại các cảng cá Quy Nhơn, Tam Quan, Đề Gi… của tỉnh Bình Định, chúng tôi ghi nhận được không khí nhộn nhịp của các tàu khai thác khơi xa vừa cập bến, tàu nào cũng đầy ắp cá, cùng với gương mặt rạng rỡ của ngư dân.
Trúng mùa biển
Năm nay, hầu hết ngư dân Bình Định đánh bắt cá ngừ đại dương đều đón Tết trên biển, nhờ thời tiết thuận lợi, cá nhiều, nên bà con tăng cường bám biển. Đến thời điểm này, trong số 600 tàu tham gia đánh bắt cá ngừ đại dương từ những ngày cận Tết, trên 400 tàu đã cập bờ, tàu nào cũng đầy ắp cá, sản lượng đạt 3,5 - 4 tấn cá/tàu.
Tại cảng cá Quy Nhơn, mỗi ngày có khoảng 20 tàu đánh bắt cá ngừ đại dương cập bến để bán sản phẩm. Trò chuyện cùng chúng tôi với nụ cười tươi rói, ngư dân Văn Công Truyền, thuyền trưởng tàu BĐ 96259 TS ở xã Hoài Hải (huyện Hoài Nhơn), cho biết: Năm nay, nhờ thời tiết ở ngư trường Trường Sa ấm hơn mọi năm nên cá ngừ đại dương nổi lên và đi ăn nhiều hơn. Do vậy, hầu hết các tàu hoạt động ở ngư trường này đều đạt hiệu quả cao.
Tàu chúng tôi có 10 thuyền viên, ra khơi từ 20 tháng Chạp; chưa đến 20 ngày, tàu đã đầy cá, sản lượng trên 3 tấn (khoảng 60 con cá ngừ đại dương) nên quay vào bờ sớm. Ngoài ra, nhờ làm thêm nghề chụp mực nên còn kiếm thêm được hơn 1 tấn mực nữa. Nhờ chuyến biển đầu năm được mùa, mỗi thuyền viên trên tàu có thu nhập trên 15 triệu đồng.
Vừa cập bến bán sản phẩm, ông Trương Văn Tý, ở xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), thuyền trưởng tàu BĐ 95897 TS, cho biết: “Tàu của tui ra khơi chậm mấy ngày so với nhiều tàu khác, nhưng nhờ gặp được luồng cá lớn nên trúng đậm. Chuyến này tàu cập bờ với trên 5 tấn cá, doanh thu 400 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 250 triệu đồng. Mỗi thuyền viên được chia “lộc” đầu năm 16 triệu đồng”.
Do được mùa biển nên những tàu cá về bến bán sản phẩm trong dịp Tết Nguyên đán cũng tranh thủ trở lại ngư trường sớm nhất. Vừa cập bến cá Tam Quan Bắc để bán sản phẩm sau thời gian 20 ngày hoạt động miệt mài trên biển thế mà anh Huỳnh Văn Bạn, ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc đã khẩn trương lấy “tổn” (lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, nước đá… ) để quay lại ngư trường đánh bắt. Anh Bạn tâm sự: “Nghề biển là thế. Biển được mùa là cố làm, không kể Tết nhất. Được mùa cá, ai cũng ham”.
Ngoài những tàu khai thác xa bờ, ngư dân làm các nghề khai thác gần bờ cũng được hưởng “lộc biển” đầu năm. Từ ngày mùng 4 và mùng 5 Tết, ngư dân các xã Nhơn Lý (TP.Quy Nhơn), Cát Khánh (Phù Cát), Mỹ An (Phù Mỹ), Tam Quan Nam, Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn)… đồng loạt “mở biển” đánh bắt thủy sản đầu năm, tàu nào cũng trúng đậm cá cơm mồm, ruốc, tôm hùm giống.
Tại xã Mỹ An, sau mỗi đêm đánh bắt, mỗi tàu có thể khai thác được khoảng 100 két cá. Với giá bán dao động từ 550.000 - 650.000 đồng/két (12kg), thu nhập từ mỗi thuyền khoảng 50 - 60 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 30 - 45 triệu đồng. Ngư dân xã Cát Khánh cũng được mùa khai thác tôm hùm giống, giá bán 250.000 - 300.000 đồng/con nên bà con có thu nhập khá.
Nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương
Tuy cá ngừ đại dương được mùa, nhưng ngư dân vẫn còn không ít nỗi lo. Trong đó, nỗi lo lớn nhất là chất lượng sản phẩm thấp, giá cả và đầu ra bấp bênh. Hiện tại cảng cá Quy Nhơn và cảng cá Tam Quan Bắc có trên 10 cơ sở thu mua cá ngừ đại dương, nhưng hầu hết đều là trạm trung chuyển. Trong khi đó, các cơ quan chức năng cũng không kiểm soát chặt chẽ được hoạt động của các cơ sở thu mua, nên không tránh khỏi tình trạng sản phẩm của ngư dân bị ép cấp, ép giá…
Để nâng cao giá trị sản phẩm cá ngừ đại dương, thời gian qua, UBND tỉnh Bình Định đã tăng cường việc xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực khai thác, chế biến xuất khẩu cá ngừ đại dương sang các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, EU…
Trong năm 2014 này, tỉnh xúc tiến mời gọi đầu tư vào các dự án (DA) thu mua, chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương trên địa bàn TP. Quy Nhơn, gồm: DA trung tâm bán buôn cá ngừ theo tiêu chuẩn quốc tế rộng 3ha, với quy mô gồm cảng xếp dỡ, thu mua cá ngừ; Trung tâm trữ đông, đấu giá, xuất khẩu trực tiếp rộng 3ha, tổng vốn đầu tư khoảng 7 triệu USD; DA dịch vụ hậu cần nghề cá rộng 1ha, mục tiêu đầu tư tàu dịch vụ thu mua hải sản ngoài khơi, xây dựng hệ thống kho, trạm thu mua và các dịch vụ trên bờ khác, phục vụ nghề đánh bắt hải sản, với tổng vốn đầu tư khoảng 3 triệu USD.
DA xây dựng nhà máy đóng hộp cá ngừ rộng 3ha, với quy mô 15.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 5 triệu USD. Đồng thời, cử một số ngư dân sang Nhật Bản để học kinh nghiệm đánh bắt cá ngừ đại dương, nhằm tăng hiệu quả khai thác, tăng giá trị mặt hàng cá ngừ đại dương.
Trong khi chờ các DA được đầu tư và đi vào hoạt động, ngư dân cần tuân thủ những khuyến cáo của ngành chức năng về hoạt động đánh bắt, bảo quản sản phẩm cá ngừ đại dương để sản phẩm đạt yêu cầu, giá cả ổn định hơn.
Có thể bạn quan tâm

Nằm giữa sông Tiền lộng gió, cù lao xã Ngũ Hiệp được phù sa bồi đắp không chỉ thích hợp cho cây sầu riêng phát triển, mà cả giống vú sữa bơ được anh Nguyễn Văn Phúc ở ấp Tân Sơn (Tiền Giang) mạnh dạn trồng trên đất cù lao cho thu nhập cao.

Theo Ban quản lý dự án Lifsap Đồng Nai, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 3 vùng thí điểm thực hành chăn nuôi tốt, gồm: các huyện: Xuân Lộc, Thống Nhất và thị xã Long Khánh. Trong đó có 52 nhóm và 1.047 hộ chăn nuôi áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn (GAHP); 24 hệ thống trộn thức ăn đã được lắp đặt cho các nhóm để tự chế biến thức ăn chăn nuôi. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 78 hộ GAPH được cấp chứng nhận đủ điều kiện truy xuất nguồn gốc.

Nhờ bán được giá cao, đối với dưa không hạt 10.000 đồng/kg, còn dưa có hạt 6.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước, nên mỗi héc-ta sau khi trừ chi phí thu lợi nhuận gần 100 triệu đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Đây là loại khoai có chất lượng ngon, người tiêu dùng rất ưa chuộng. Nếu một số loại khoai khác tiêu thụ không ổn định, giá cả bấp bênh thì khoai lang Dương Ngọc luôn ổn định giá cả và năng suất. Vì vậy, người dân nơi đây đã gắn bó với giống khoai này trên 15 năm.

Ngày 16-2, tại TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức họp báo về việc tổ chức Festival Thủy sản Việt Nam năm 2014.