Nghiên Cứu, Phát Triển Các Giống Chè Xanh, Chè Ô-Long Chất Lượng Cao
Nghiên cứu, chọn tạo các giống chè năng suất, chất lượng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các nhà khoa học nhằm góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu thưởng thức đồ uống của người dân trong nước và xuất khẩu.
Bằng nhiều phương pháp khác nhau, nhất là phương pháp lai hữu tính, những năm gần đây, các nhà khoa học Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía bắc (KHKTNLNMNPB) đã chọn tạo, phát triển được gần 200 giống chè tốt phù hợp cho chế biến chè đen, chè xanh và chè Ô-long.
Theo Phó Viện trưởng KHKTNLNMNPB Nguyễn Hữu La, những năm qua, nước ta dù có nhiều kết quả đáng kể trong công tác chọn tạo giống chè, nhưng phần lớn các giống chè đang sản xuất dù có ưu điểm năng suất cao nhưng chất lượng còn thấp, cho nên thương hiệu chè hảo hạng được đánh giá ở mức "khiêm tốn".
Trong khi đó, xu thế phát triển và cạnh tranh chè trên thế giới hiện nay và tương lai là sản phẩm chè xanh chất lượng cao và chè Ô-long. Trước yêu cầu đó, Viện đã tiến hành thực hiện đề tài khoa học: Nghiên cứu, chọn tạo giống chè năng suất, chất lượng phục vụ trong nước và xuất khẩu.
Ðề tài đã chọn tạo được nhiều giống chè mới phục vụ sản xuất chè đen, năng suất bình quân đạt khoảng 20 tấn/ha. Chọn tạo được bốn dòng chè triển vọng có khả năng chế biến chè xanh chất lượng cao và chè Ô-long, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu, năng suất đạt 15 tấn/ha. Bên cạnh đó, chọn được 10 giống chè có các tính trạng tốt dùng làm bố mẹ, xác lập 15 cặp lai, mỗi tổ hợp lai 300 hoa, dự kiến thu được 4.500 hoa.
Cùng với những phương pháp chọn tạo giống chè truyền thống, Viện áp dụng các phương pháp: chọn tập đoàn, lai tạo, gây đột biến và lai hữu tính. Ðể định hướng và rút ngắn thời gian chọn tạo giống mới bằng phương pháp lai tạo, các nhà khoa học tập trung đánh giá xu thế di truyền của một số tính trạng chủ chốt quyết định đến năng suất và chất lượng.
Ðáng chú ý, trong lai hữu tính, phương pháp lai trở lại hay còn gọi là lai tích lũy (đem con cái ở thế hệ sau lai trở lại với bố mẹ) rất hiệu quả đối với các chỉ tiêu phẩm chất định lượng được. Phần lớn các giống chè của Việt Nam qua đánh giá mới chỉ dừng lại theo phương pháp F1 mà chưa thực hiện các phép lai trở lại.
TS Ðỗ Văn Ngọc, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Việt Nam có hơn 40 tỉnh, thành phố có diện tích trồng chè, trong đó các tỉnh Lâm Ðồng, Yên Bái, Thái Nguyên và Phú Thọ có diện tích chè khá lớn, bình quân từ 14 đến gần 30 nghìn ha. Ðể kịp thời chọn ra nhiều giống chè có chất lượng và chống chịu tốt, các nhà khoa học của Viện tập trung nghiên cứu, tìm hiểu đặc điểm sinh sản của cây chè trên các vùng sinh thái khác nhau nhằm xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho công tác lai hữu tính.
Ðồng thời, đánh giá các đặc điểm hình thái, năng suất, chất lượng của các giống chè trên thế giới và Việt Nam; xác định mối quan hệ các tính trạng kiểu hình với di truyền (kiểu gien) của các giống chè làm cơ sở chọn cặp bố mẹ trong lai hữu tính.
Bằng phương pháp lai hữu tính, các nhà khoa học của viện đã chọn được nhiều giống chè phù hợp để chế biến chè xanh và chè Ô-long như: PH8 và PH9. Ngoài những giống trên, các nhà khoa học còn chọn được nhiều dòng chè có triển vọng như: dòng số 10, số 12, số 13, 14, 15... và ba nghìn cá thể F1 thu được từ các tổ hợp lai giữa các giống có chất lượng với giống năng suất cao và chống chịu tốt. Ðáng chú ý, đề tài này đánh giá được một số cấu tạo hình thái, mầu sắc của lá, thân, cành, búp... của 23 giống chè như: Bát Tiên, Long Vân, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên...
Tính riêng tại tỉnh Phú Thọ, chè chất lượng cao do Viện KHKTNLNMNPB nghiên cứu, chọn tạo chiếm hơn 60% tổng diện tích trồng chè (khoảng 8.000 ha). Ðồng thời, Viện cũng triển khai dự án phát triển chè Ô-long tại thị xã Phú Thọ với diện tích 50 ha. Kết quả cho thấy, phần lớn các giống chè nghiên cứu đều có búp xanh vàng sáng đến xanh vàng, điều này có lợi cho chất lượng sản phẩm.
TS Ðỗ Văn Ngọc khẳng định, để có bộ giống tốt phục vụ chế biến chè đen, chè xanh và chè Ô-long, chọn giống theo phương pháp lai hữu tính là hiệu quả nhất. TS Ðỗ Văn Ngọc cho biết thêm, để đẩy nhanh tiến độ chọn tạo giống chè mới cần áp dụng kỹ thuật "vườn sản xuất gốc" mà một số nước trên thế giới đã và đang đạt hiệu quả cao.
Có thể bạn quan tâm
Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) không chỉ góp phần cung cấp các giống, cây con mới cho bà con nông dân, mà còn từng bước đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào trong quá trình sản xuất. Đây cũng chính là mục tiêu quan trọng được ngành chức năng của tỉnh chủ động triển khai thực hiện trong thời gian qua.
Trái ngược với xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm vừa qua, trong tháng Một, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng trong ngành nông nghiệp đều có sự sụt giảm đáng kể, đặc biệt là các ngành hàng vốn được xem là thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu của ngành như: thủy sản, gạo, càphê, gỗ, hạt tiêu…
Tăng được dư nợ thêm gần 100 tỷ đồng trong năm 2014 có thể coi là một thành công lớn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Bắc Kạn. Trong đó, vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm hơn 70% đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên toàn tỉnh.
Không khí tết len lỏi đến vườn cây bằng tín hiệu thu hoạch thì thị trường trái cây tết cũng bắt đầu sôi động. Các loại trái cây chủ lực của chợ tết như bưởi, cam, chanh, quýt, mãng cầu,... đang được nhiều vựa tất bật thu mua, có loại đang chuẩn bị thu hoạch cũng đã được đặt hàng trước vài tuần. Tại vườn, các thương lái ráo riết “săn hàng” để kịp đưa trái cây bán ra chợ tết.
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng như các kế hoạch về xây dựng GTNT trong giai đoạn kinh tế gặp khó khăn, nguồn thu ngân sách không ổn định, vốn đầu tư công cắt giảm song với quyết tâm và kiên định mục tiêu đã đề ra, UBND tỉnh đã tập trung nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và GTNT nói riêng. Riêng lĩnh vực GTNT, vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh không bị cắt giảm mà luôn duy trì ổn định 60 - 90 tỷ đồng/năm.