Hoài Ân Tập Trung Đẩy Nhanh Tiến Độ Xây Dựng Nông Thôn Mới

Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bộ mặt nông thôn Hoài Ân đã có nhiều thay đổi tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, để đảm bảo hoàn thành các tiêu chí NTM, huyện Hoài Ân vẫn còn nhiều việc phải làm.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo XDNTM huyện Hoài Ân, bên cạnh việc hướng dẫn 14/14 xã XDNTM lập đồ án quy hoạch và đề án XDTNM, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phát động phong trào thi đua “Hoài Ân chung sức XDNTM” nhằm huy động mọi nguồn lực để XDNTM trên địa bàn. Trong 3 năm (2011-2013) từ các nguồn vốn, huyện đã đầu tư hơn 28,36 tỉ đồng xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, văn hóa, giáo dục và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi…
Thời gian qua, nông dân huyện Hoài Ân đã đẩy mạnh phong trào phát triển chăn nuôi, cải tạo vườn tạp thành vườn kinh tế, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Qua XDNTM, cơ sở hạ tầng nông thôn của huyện dần được hoàn thiện, đời sống của nhân dân cũng khá hơn trước. Đến nay, xã Ân Thạnh đã đạt 12/19 tiêu chí; các xã Ân Phong, Ân Tường Tây, Ân Hảo Đông, Ân Tín đạt 10/19 tiêu chí... Trong năm 2014, 3 xã thực hiện XDNTM giai đoạn 2011-2015 là Ân Thạnh, Ân Phong, Ân Tường Tây nỗ lực phấn đấu đạt thêm từ 5-7 tiêu chí; các xã còn lại đạt thêm từ 1-3 tiêu chí. Đến năm 2015, hoàn thành XDNTM tại 3 xã nói trên.
Ông Nguyễn Cần, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Hoài Ân cũng còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện XDNTM. Thực tế cho thấy kinh phí XDNTM là rất lớn, trong khi việc huy động nguồn lực phục vụ XDNTM ở địa phương còn hạn chế, chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Hơn nữa, nhận thức về mục đích, ý nghĩa XDNTM của một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa cao, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của cấp trên. Sự phối hợp giữa các ban ngành, hội - đoàn thể ở địa phương trong thực hiện XDNTM chưa chặt chẽ và đồng bộ.
Nguồn kinh phí hỗ trợ trực tiếp của Trung ương và tỉnh còn thấp, trong khi huyện chưa chủ động lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, nên việc cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình gặp rất nhiều khó khăn. Công tác vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, con em trong và ngoài địa phương tham gia đóng góp XDNTM chưa đạt kết quả như mong muốn...
Vừa qua, Ban chỉ đạo XDNTM của tỉnh đã làm việc với Huyện ủy và UBND huyện Hoài Ân về tình hình XDNTM ở địa phương.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo huyện, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện đã phân tích những hạn chế trong quá trình XDNTM ở Hoài Ân, đồng thời yêu cầu lãnh đạo huyện Hoài Ân phải đánh giá lại các tiêu chí NTM đã đạt và chưa đạt, trên cơ sở đó xây dựng các giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đi đầu trong việc đóng góp công sức và tiền của để XDNTM, đồng thời vận động nhân dân thực hiện, xác định người dân là chủ thể XDNTM, không được trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước.
Bên cạnh đó, huyện cần tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, nguồn vốn đóng góp của các doanh nghiệp và nhân dân, lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các tiêu chí NTM. Chú trọng phong trào toàn dân xây dựng đời sống mới ở khu dân cư, tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện cũng đã chỉ đạo Ban chỉ đạo XDNTM của tỉnh cùng các sở, ngành của tỉnh tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện thuận lợi nhất, giúp huyện Hoài Ân khắc phục khó khăn, thực hiện có hiệu quả XDNTM ở địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Cứ đến mùa, hàng ngàn hộ nuôi ong ở Đắk Lắk lại tất bật ngược xuôi khắp các tỉnh thành để mang ong đi đánh mật. Họ mải miết bay theo cánh ong, lấy trời đất, bốn bể là nhà, cuộc sống lênh đênh như những gã du mục.

Qua khảo sát thực tế cho thấy những năm gần đây, các gia đình, trang trại chăn nuôi đang có xu hướng sử dụng 100% thức ăn hỗn hợp trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Nhiều năm nay, Đồng Nai là nơi thu hút nhiều “ông lớn” đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Không “cờ giong trống mở”, song các nhà đầu tư sẵn sàng rót hàng triệu USD để xây dựng mới và mở rộng chăn nuôi theo quy trình khép kín.

Ngoài việc tránh hạn thành công, việc chuyển sang trồng rau quả còn mang lại cho người nông dân thu nhập cao hơn trồng lúa. Trong khi nhiều địa phương khác ở Tây Nguyên bị thiệt hại nặng bởi hạn hán, thì tại huyện Chư Quynh, tỉnh Đắc Lắc, nông dân đã tránh hạn thành công nhờ chuyển đổi nhiều diện tích đất lúa sang trồng những loại hoa màu phù hợp.

Đến ngày 3/5/2015, nông dân huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) thu hoạch được 600/700ha mè vụ hè thu năm 2015, tập trung ở các xã Bình Hàng Trung, Mỹ Hội, Mỹ Thọ, An Bình, Nhị Mỹ, Tân Nghĩa và Phong Mỹ; năng suất đạt từ 1 – 1,5 tấn/ha.