Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Những Mô Hình Nuôi Tôm Siêu Thâm Canh Đảm Bảo Tính Bền Vững Và Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Những Mô Hình Nuôi Tôm Siêu Thâm Canh Đảm Bảo Tính Bền Vững Và Hiệu Quả Kinh Tế Cao
Ngày đăng: 30/07/2014

Để phát huy thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản và nhân rộng những mô hình sản xuất bền vững cho giá trị kinh tế cao, Bí thư Tỉnh ủy - Võ Văn Dũng và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa có chuyến khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

Qua đó, ghi nhận những kiến nghị và chỉ đạo các ngành cùng với doanh nghiệp tập trung khai thác thế mạnh kinh tế mũi nhọn này.

Từ nuôi tôm vi sinh…

Trước tình hình tôm nuôi gặp nhiều rủi ro và thiệt hại, nhiều nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học, khắc phục tình trạng suy thoái môi trường, dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả cao và bền vững, mở ra hướng làm ăn mới.

Phương pháp nuôi tôm sú công nghiệp, bán công nghiệp (CN-BCN) sử dụng chế phẩm vi sinh xuất hiện ở Bạc Liêu khá lâu và cho năng suất, hiệu quả cao. Nhờ vậy, diện tích nuôi tôm sú CN-BCN theo mô hình này ở Bạc Liêu hiện lên đến hơn 15.000ha.

Sử dụng chế phẩm sinh học, tôm nuôi nhanh lớn, tăng sức đề kháng, cho năng suất và lợi nhuận cao. Ngoài ra, môi trường không bị phá hoại, giúp người nuôi tôm giảm chi phí đầu tư trong sản xuất.

Điển hình trong mô hình nuôi tôm vi sinh là anh Lê Anh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trúc Anh (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu). Sau nhiều năm sản xuất, anh Xuân đúc kết quy trình nuôi tôm vi sinh như sau: sản phẩm thu hoạch là tôm sạch, không chứa các loại dư lượng thuốc kháng sinh, hóa chất, môi trường nuôi an toàn.

Năm 2008, với 15 ao nuôi có diện tích hơn 4ha mặt nước, anh Xuân thả tôm mật độ 15 con/m2, sau 170 ngày nuôi, thu hoạch cỡ tôm đạt 45g/con, trừ chi phí còn lãi 750 triệu đồng. Trúng tôm, anh Xuân đầu tư mở rộng, đến nay diện tích nuôi theo mô hình này tăng lên 14ha.

Trong đó, anh Xuân dành 4ha mặt nước nuôi tôm sú, 6ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Mật độ thả nuôi đối với tôm sú 20 - 30 con/m2, tôm thẻ chân trắng 80 - 100 con/m2. Anh Xuân cho biết: “Sau khi trừ chi phí, mỗi năm tôi lãi hơn 2 tỷ đồng từ nuôi tôm”. Không chỉ làm giàu cho bản thân, nhiều năm qua, anh Xuân còn tư vấn, hướng dẫn quy trình nuôi tôm vi sinh cho hàng trăm lượt nông dân.

Nhiều hộ từ chỗ nuôi tôm thua lỗ, nợ nần chồng chất, khi áp dụng mô hình nuôi này đã trả được nợ, từng bước vươn lên khá giàu. Ngoài ra, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trúc Anh còn phối hợp với Hội Nông dân tỉnh đầu tư, xây dựng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến an toàn sinh học sử dụng vi sinh và bước đầu mang lại hiệu quả khá cao.

...đến nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính

Không chỉ nuôi tôm vi sinh, hiện nay có một số doanh nghiệp đã đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính. Đi đầu trong mô hình này là anh Đinh Vũ Hải, Giám đốc Công ty Hải Nguyên (đóng tại xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu). Mô hình nuôi tôm trong nhà kính chi phí đầu tư ban đầu rất cao, khoảng 10 tỷ đồng/ha. Bao gồm xây nhà bao phủ các vuông tôm, xây tường xung quanh ao nuôi, lót bạt dưới đáy ao, lắp đặt hệ thống quạt, ôxy đáy, hệ thống dây chuyền cho tôm ăn...

Do đầu tư công nghệ cao nên việc thả tôm nuôi trong nhà kính có mật độ rất cao, từ 200 - 400 con/m2. Tôm nuôi 65 ngày đạt 50 con/kg, 80 ngày đạt 40 con/kg và 105 ngày đạt 30 - 33 con/kg. Năng suất tôm thẻ đạt hơn 80 tấn/ha/vụ, ước tính đạt 240 tấn/3 vụ/năm.

Anh Đinh Vũ Hải cho biết: “Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính có thể nuôi liên tục, từ 3 - 4 vụ/năm. Nhờ nuôi trong nhà kính nên người nuôi dễ dàng kiểm soát được dịch bệnh, tôm sinh trưởng và phát triển nhanh”.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, anh Hải cho biết tôm thả nuôi với mật độ cao nên hệ thống dàn quạt và ôxy đáy phải hoạt động 24/24 giờ. Định kỳ 5 ngày phải cấy vi sinh một lần và hằng tuần phải kiểm tra sự tăng trưởng của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn kịp thời.

Để quản lý tốt môi trường ao nuôi, định kỳ 3 - 4 ngày phải hút bỏ các chất thải, bùn, độc tố tích tụ dưới đáy ao nhằm làm sạch môi trường.

Phát biểu trong chuyến khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản, Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Minh Khái cho rằng: Ngoài việc tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích nuôi, Công ty Hải Nguyên nên kết hợp với các hộ dân, doanh nghiệp có điều kiện để đưa kỹ thuật vào áp dụng nuôi theo mô hình này. Có như thế mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính mới ngày càng được nhân rộng.

Nhân rộng mô hình

Từ hiệu quả mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính mang lại, Công ty Hải Nguyên tiếp tục mở rộng diện tích nuôi từ 15 - 20ha. Song, Công ty đang nghiên cứu nhằm giảm giá thành đầu tư xuống còn 3 - 4 tỷ đồng/ha. Còn Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trúc Anh cũng tiến hành đầu tư nuôi tôm theo mô hình này nhưng sử dụng hoàn toàn bằng chế phẩm sinh học.

Anh Lê Anh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trúc Anh cho biết: “Công ty đang xây dựng mô hình nuôi tôm trong nhà kính trên diện tích 1ha với số vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng”.

Là một trong những công ty hàng đầu sản xuất tôm giống, Công ty TNHH Việt Úc cũng đang đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính với diện tích lên đến 50ha (tại xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình). Trong 50ha, công ty chia ra thành 500 ao với diện tích khoảng 20ha để nuôi, còn 30ha là ao lắng và bờ bao.

Tổng nguồn vốn đầu tư ban đầu dự kiến khoảng 130 tỷ đồng. Ông Lương Thanh Vân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Úc cho biết: “Khoảng 2 tháng nữa công ty sẽ tiến hành thả nuôi thử trong 100 ao, mật độ 250 - 500 con/m2. Dự kiến đến tháng 6/2015, công ty sẽ thả nuôi toàn bộ diện tích 500 ao”.

Hiện Bạc Liêu có 126.000ha nuôi tôm, trong đó có 15.000ha nuôi tôm CN-BCN. Các mô hình nuôi tôm từng bước ứng dụng công nghiệp cao cho ra sản phẩm sạch, đáp ứng được thị trường xuất khẩu. Bí thư Tỉnh ủy - Võ Văn Dũng cho biết: “Bạc Liêu đi đầu trong khu vực ĐBSCL với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính. Tuy vốn đầu tư ban đầu khá lớn (khoảng 10 tỷ đồng/ha) nhưng mô hình mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Vì vậy, có một số doanh nghiệp đã đầu tư nhân rộng mô hình nuôi tôm trong nhà kính như Công ty Việt Úc và Công ty Trúc Anh. Hiện, Chính phủ đang đầu tư 5 cụm hạ tầng kỹ thuật cho tỉnh, trong đó có điện để đảm bảo phục vụ nuôi tôm công nghiệp”.


Có thể bạn quan tâm

Nhà Vườn Võ Văn Bé Năm Chí Thú + Sáng Tạo = Làm Giàu Nhà Vườn Võ Văn Bé Năm Chí Thú + Sáng Tạo = Làm Giàu

Với 8.000 m2 đất vườn trồng vú sữa và bưởi, có lúc phải lao đao vì bệnh thối rễ do nấm bệnh tấn công, nhưng nông dân Võ Văn Bé Năm (Phú Quới, Phú Phong, Châu Thành, Tiền Giang) không chịu đầu hàng mà quyết tâm nghiên cứu tìm ra giải pháp hữu hiệu để chữa trị. Kết quả vườn cây ăn trái của anh đã được phục hồi và phát triển xanh tốt, mỗi năm mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng.

20/06/2013
Giới Thiệu Giống Lúa Thích Ứng Biến Đổi Khí Hậu Giới Thiệu Giống Lúa Thích Ứng Biến Đổi Khí Hậu

Ngày 24-9, Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang phối hợp Viện lúa ĐBSCL tổ chức hội thảo đánh giá giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu tại ấp 3, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy (Hậu Giang).

27/09/2012
Nuôi Rắn Thu Tiền Tỷ Nuôi Rắn Thu Tiền Tỷ

Anh Trần Đình Vường là một trong những người đầu tiên ở thôn Thống Nhất, xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà, Thái Bình nuôi rắn. Giờ đây, mỗi năm rắn đem về cho gia đình anh tiền tỷ.

28/09/2012
Một Tay Làm Nên Cơ Nghiệp Một Tay Làm Nên Cơ Nghiệp

Bị mất một bàn tay trong chiến tranh nhưng hiện ông Nguyễn Văn Thuận (trại Cầu Cả, xã Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) vẫn có thu nhập 100 triệu đồng/năm từ làm VAC.

07/08/2013
Hạn Hán Gây Thiệt Hại Nặng Cho Thủy Sản Ở Cà Mau Hạn Hán Gây Thiệt Hại Nặng Cho Thủy Sản Ở Cà Mau

Hạn hán kéo dài không chỉ gây ảnh hưởng cho sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh Cà Mau, mà sản xuất thuỷ sản cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

03/05/2013