Cảnh Báo Nạn Ô Nhiễm Môi Trường Từ Rác Thải Thuốc Bảo Vệ Thực Vật
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, mỗi năm nông dân Bạc Liêu thải ra môi trường từ 90 - 120 tấn rác thải là các loại bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Trong khi đó, việc thu gom, xử lý loại rác thải độc hại này theo quy trình đảm bảo an toàn gần như không có!
Đầu độc môi trường
Nạn ô nhiễm môi trường vì rác thải thuốc BVTV ở nhiều vùng nông thôn hiện đã đến mức báo động. Do thói quen, sau khi sử dụng thuốc BVTV, nông dân thường vứt bao bì, chai, lọ chứa thuốc ngay trên đồng ruộng hoặc bỏ xuống ao, sông, rạch mà không có hình thức thu gom, tiêu hủy hợp lý.
Điều đáng quan tâm là lượng thuốc BVTV còn sót lại trong các bao bì, chai lọ bị vứt ra môi trường là từ 18 - 24 tấn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc hàng năm có đến hàng chục tấn “thuốc độc” được thải ta môi trường. Dù vô tình, nhưng chính hành động thiếu ý thức của nông dân đã trực tiếp đầu độc nguồn nước và đất.
Phần lớn các loại rác từ vỏ thuốc BVTV là những chất rắn, rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Đó là các loại vỏ chai nhựa, chai thủy tinh, bao bì nylon… Do đó, khi nông dân vứt bừa bãi hay chôn, chúng sẽ tồn tại trong đất một thời gian dài. Những hóa chất và chai, lọ này sẽ thúc đẩy nhanh quá trình thoái hóa đất, hủy diệt các nguồn lợi thủy sản.
Ông Phạm Văn Tài, nông dân xã Hưng Phú, huyện Phước Long nói: “Ở đây, nông dân thường vứt vỏ chai thuốc trừ sâu ra sông. Có vụ lúa người ta bỏ vỏ chai xuống sông nhưng trong chai còn thuốc, từ đó làm cho cá chết cả khúc sông”.
Có người xử lý rác thải (bao bì, vỏ chai nhựa thuốc BVTV) bằng cách đem chôn hoặc đốt, song, đó cũng chưa phải là giải pháp tối ưu. Cách tốt nhất vẫn là thu gom tập trung, phân loại rác và tiêu hủy theo đúng quy trình kỹ thuật. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh vẫn chưa có điểm để tiêu hủy loại rác thải độc hại này.
Thu gom, xử lý còn gặp khó
Trước nhu cầu sử dụng thuốc BVTV ngày càng tăng, lượng rác thải cũng ngày một nhiều, nên việc tập trung xử lý rác độc hại từ thuốc BVTV trở thành vấn đề bức xúc.
Để thu gom và tiêu hủy rác thải, ngành Nông nghiệp tỉnh và các doanh nghiệp cung cấp thuốc BVTV đã có biện pháp thu hồi vỏ thuốc bằng cách xây dựng các hố rác tập trung trên các cánh đồng lúa. Sau khi sử dụng thuốc BVTV, nông dân có thể bỏ bao bì, chai lọ vào những hố rác này.
Đến cuối mùa vụ, doanh nghiệp cung cấp thuốc BVTV sẽ thu gom và tiêu hủy. Song, giải pháp trên chưa phát huy được tính hiệu quả vì số lượng hố rác còn hạn chế, và do nông dân vẫn còn thói quen vứt rác thải thuốc BVTV bừa bãi nên số lượng vỏ chai, bao bì thu về chẳng được là bao.
Ông Mai Văn Hoàng (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long), nông dân có ruộng gần hố thu gom rác cho biết: “Bà con ở đây ít bỏ rác thải thuốc BVTV vào hố rác, nên rác thu gom cũng chẳng được bao nhiêu”.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tại 2 xã thí điểm là Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long) và Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi) mỗi năm chỉ thu được từ 800 - 900kg rác thải thuốc BVTV. Con số này nếu so với khối lượng 90 - 120 tấn rác thải thuốc BVTV mà nông dân thải ra môi trường thì chẳng thấm vào đâu.
Ông Trần Văn Na, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho rằng: “Mặc dù ngành Nông nghiệp đã tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sử dụng an toàn thuốc BVTV và cách xử lý rác thải thuốc BVTV, nhưng hiện nay, vẫn có hơn 60% nông dân vứt vỏ bao bì, vỏ chai thuốc BVTV ra môi trường.
Thời gian tới, bà con cần tập trung rác thải thuốc BVTV về các hố để có biện pháp thu gom, xử lý đúng quy trình kỹ thuật. Nếu không có ý thức bảo vệ môi trường thì chính nông dân đang tự đầu độc, hủy hoại môi trường sinh thái ở nông thôn”.
Giờ đây, ngoài những giải pháp tuyên truyền của ngành Nông nghiệp, việc xử lý rác thải thuốc BVTV chỉ còn biết trông chờ vào ý thức của nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Bằng ý chí, nghị lực, sự đam mê, ông Phạm Tất Đạt ở phường Yên Bình, thành phố Tam Điệp (Ninh Bình) đã thành công với mô hình nuôi ba ba gai.
Nấm rơm là loại nấm dễ trồng so với nhiều loại nấm khác, thời gian thu hoạch ngắn và cho lợi nhuận khá cao. Nghề trồng nấm rơm đã được nông dân đầu tư mạnh
Ngành chăn nuôi nai lấy nhung, mới đây, một doanh nghiệp đã cam kết sẽ xây dựng mô hình nuôi nai khá táo bạo để khôi phục lại ngành chăn nuôi đã bị mai một này.
Quế Phong là huyện miền núi của tỉnh Nghệ An. Do trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn
Chăn nuôi chim công vừa cho hiệu quả cao vừa và là vật nuôi có tính giải trí cao với ngoại hình độc đáo, bắt mắt đã thu hút sự quan tâm của khách hàng