Nghề Nuôi Ong Mật Ở Giếng Đá
Tận dụng lợi thế địa hình xã có nhiều đồi núi và vườn cây ăn quả, nhiều hộ dân ở xóm Giếng Đá, xã Tiền An (Quảng Yên - Quảng Ninh) đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi ong lấy mật. Từ đây, ong đã trở thành con vật nuôi xoá đói giảm nghèo hiệu quả, giúp nhiều hộ dân ở đây vươn lên làm giàu.
Nghề nuôi ong lấy mật ở xóm Giếng Đá đã có từ lâu, tuy nhiên trước đây người nuôi ong chủ yếu nuôi dưới hình thức tự phát, nhỏ lẻ, năng suất và chất lượng mật không cao. Mấy năm gần đây, nhờ áp dụng kỹ thuật nuôi tiên tiến, tự quay lấy mật mà nghề nuôi ong ở đây đã mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho nhiều hộ dân.
Gia đình ông Phạm Văn Khoa, có truyền thống làm nghề nuôi ong từ lâu và là một điển hình về nuôi ong lấy mật ở xóm Giếng Đá. Tận dụng lợi thế xung quanh nhà có nhiều đồi núi, cây ăn quả, gia đình ông đã cải tạo vườn cây để nuôi ong lấy mật. Từ một vài đàn ong ban đầu, đến nay, gia đình ông đã có hơn 50 đàn ong.
Ông Khoa cho biết, mỗi năm, đàn ong cho thu hoạch từ 1-2 lần, trung bình được 6-7 tạ mật. Với giá bán bình quân từ 250 đến 300.000 đồng/lít, trừ các chi phí gia đình ông thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Ông Khoa cho hay, nuôi ong không tốn nhiều diện tích, vốn đầu tư ban đầu không lớn và tốn ít công chăm sóc.
Tuy nhiên, nghề nuôi ong đòi hỏi sự kiên trì và am hiểu về kỹ thuật như: Chọn hốc, hòm phải được vệ sinh sạch sẽ, am hiểu về các loài hoa, các đặc tính của ong (xây tổ, chia đàn); biết cách luân chuyển đàn ong, tìm kiếm những nơi có nguồn mật hoa dồi dào. Ong làm giống phải chọn những con béo mập, màu vàng, chọn nhiều con cái, ít con đực. Mỗi tổ phải có một con ong chúa…
Ông Bùi Văn Nảm, có truyền thống nuôi ong từ 30 năm nay tâm sự: “Cứ vào tháng ba hàng năm, tôi đều mang đàn ong nhà mình ra gửi ở Tuần Châu. Nhờ việc “ký gửi” này mà đàn ong phát triển và sinh sản tốt hơn. Mật ong làm ra đều được các chủ buôn đến tận nhà thu mua hết nên đầu ra không còn lo nữa. Sang năm, tôi sẽ mở rộng nuôi nhiều đàn ong hơn”.
Tính đến nay, cả xóm Giếng Đá đã có gần 20 hộ làm nghề nuôi ong lấy mật. Hàng năm, cứ vào tháng 3 đến tháng 8 âm lịch, khi mùa hoa vải, hoa nhãn hết cũng là thời điểm nhà nông bắt đầu chăm sóc lúa và các loại hoa màu khác. Thời điểm này, sâu và côn trùng phát triển nhiều. Để tránh ảnh hưởng từ thuốc trừ sâu, các hộ thường mang đàn ong đi gửi ở những nơi khác... Nhờ đó mà đàn ong luôn khoẻ mạnh, ít bị bệnh, sinh sản tốt hơn.
Nghề nuôi ong lấy mật ở Giếng Đá không chỉ mang lại lợi ích cao về kinh tế mà nó còn góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo môi trường sinh thái và giúp cây trái thụ phấn đậu quả tốt hơn. Đây cũng là vùng có diện tích trồng rau an toàn lớn của TX Quảng Yên, vì vậy bên cạnh việc trồng rau, những lúc nông nhàn việc nuôi ong lấy mật cũng đã tạo thêm nhiều việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Có thể bạn quan tâm
Một thanh niên 33 tuổi ở H.Duy Xuyên (Quảng Nam) nảy ra ý tưởng xây nhà cao tầng nuôi gà do thường xuyên chứng kiến đàn gà bị nước lũ cuốn trôi.
Anh Nguyễn Thanh Thánh khiến nhiều người nể phục, tìm đến học hỏi khi vượt khó thoát nghèo, vươn lên trở thành tỉ phú bằng chính sức lao động của mình
Mạnh dạn thuê đất trồng gấc, chỉ một năm sau, ông Đặng Văn Hai ở H.Mang Thít (Vĩnh Long) đã có thu nhập gần 600 triệu đồng.
Với 7 ha trồng nhãn, mô hình sản xuất của ông Nguyễn Hữu Thanh ở xã Long Hòa, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre thu về lợi nhuận 2 tỷ đồng mỗi năm.
Cây khóm (dứa) là một trong mười loại nông sản được tỉnh Hậu Giang lựa chọn để xây dựng vùng chuyên canh, tập trung, phát triển thành nông sản chủ lực