Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tháng 7, giá các loại nông sản và thủy sản chưa khởi sắc

Tháng 7, giá các loại nông sản và thủy sản chưa khởi sắc
Ngày đăng: 28/07/2015

Lúa gạo: Nhu cầu đối với gạo Việt Nam vẫn ở mức thấp, lượng mua từ Trung Quốc chỉ với khối lượng nhỏ và một vài tàu đang xếp gạo ở cảng Sài Gòn. Lúa hè thu sớm mới thu hoạch không thu hút được thương lái do chất lượng thấp, không đảm bảo để chế biến gạo xuất khẩu.

Trong tháng 7, giá lúa đông xuân cũ diễn biến có phần ổn định hơn, trong khi giá lúa hè thu giảm khoảng 100-200 đ/kg. Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, diễn biến giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL trong 20 ngày đầu tháng 7 như sau: đối với lúa vụ hè thu, lúa ướt chủng loại IR50404 tại An Giang giảm 100 đ/kg, từ 4.100 đ/kg xuống còn 4.000 đ/kg, lúa khô cùng chủng loại Vĩnh Long giảm từ 4.800 đ/kg xuống còn 4.700 đ/kg. Đối với lúa đông xuân, lúa chất lượng cao tại Bạc Liêu ổn định ở mức 5.200-5.300 đ/kg (lúa khô). Tại Kiên Giang, lúa tẻ thường có thời điểm tăng lên 5.300 đ/kg sau đó giảm trở lại mức 5.200 đ/kg như đầu tháng; trong khi lúa dài tăng 200 đ/kg, từ 5.700 đ/kg lên 5.900 đ/kg (lúa khô).

Cà phê: Trong tháng 7, giá cà phê trong nước biến động giảm mạnh theo xu hướng giá thế giới. So với cuối tháng 6, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên ngày 21/7 giảm tới 1.900 đ/kg xuống còn 35.600-36.100 đ/kg. Niên vụ cà phê 2014-2015 đã kết thúc gần 4 tháng qua, nhưng do giá mặt hàng nông sản này vẫn ở mức thấp nên nhiều hộ dân chưa muốn bán ra thị trường. Chính vì vậy, việc kinh doanh, giao dịch cà phê của các doanh nghiệp cũng diễn ra khá trầm lắng. Hiện nông dân và thương nhân vẫn đang trữ một lượng lớn cà phê từ vụ trước trong khi vụ thu hoạch mới bắt đầu trong 12-13 tuần nữa.

Cao su: Tháng 7 chứng kiến sự lên xuống thất thường của giá cao su thành phẩm trên thị trường trong nước, song nhìn chung vẫn đứng ở mức thấp. So với tháng 6, giá cao su thành phẩm giảm đáng kể. Cụ thể, tại Bình Phước, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương giá cao su thành phẩm biến động như sau: cao su SVR 3L giảm từ 28.600 đ/kg xuống còn 27.700 đ/kg; cao su SVL10 giảm từ 23.600 đ/kg xuống còn 22.800 đ/kg. Đồng thời, giá mủ cao su nguyên liệu tại Bình Phước tháng 7 cũng giảm, từ 9.920 đ/kg xuống còn 8.000 đ/kg. Giá cao su giảm thấp trong bối cảnh u ám của thị trường cao su thế giới do cán cân cung cầu cao su thiên nhiên mất cân đối bởi nguồn cung cao su thiên nhiên tăng nhanh trong những năm gần đây.

Chè: Giá chè tại Thái Nguyên trong tháng này giữ mức ổn định như tháng trước. Cụ thể, tại Thái Nguyên, giá chè xanh búp khô giữ ở mức 130.000 đ/kg, giá chè cành chất lượng cao vẫn giữ ở mức giá cao là 200.000đ/kg. Trong khi đó, tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), giá chè nguyên liệu sản xuất chè xanh và giá chè nguyên liệu sản xuất chè đen lần lượt giữ ở mức 9.000 đ/kg và 4.000 đ/kg sau khi giảm từ 10.000 đ/kg và 5.500 đ/kg vào giữa tháng trước do thông tin bất lợi từ phía Đài Loan.

Tuy nhiên, gần đây chính quyền Đài Loan vừa có thông báo chính thức về các mẫu trà Lâm Đồng xuất sang lãnh thổ này đều đạt tiêu chuẩn chất lượng. Cụ thể, 148 mẫu trong số 968 tấn trà của 40 công ty sản xuất, chế biến trà ô long ở Lâm Đồng đều có kết quả xét nghiệm không có dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép.

Hạt điều: Tại Bình Phước, giá thu mua hạt điều khô trong tháng nhìn chung duy trì mức 37.500-38.000 đ/kg. Đây là mức giá khá cao so với các năm trước nhờ giá xuất khẩu và nhu cầu thu mua phục vụ chế biến tăng. Do giá điều xuất khẩu đang tốt nên nhiều doanh nghiệp đang có ý định nhập khẩu điều thô về sản xuất.

Hồ tiêu: Nhìn chung, giá hạt tiêu trong nước tháng 7 tiếp tục xu hướng ảm đạm, chững lại từ tuần cuối tháng 6 đến trung tuần tháng 7. Tính đến ngày 17/7, giá thu mua tiêu tại các tỉnh trồng tiêu trọng điểm Gia Lai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk, và Bình Phước, lần lượt ở mức 201.000 đ/kg, 205.000 đ/kg, 201.000 đ/kg, và 203.000 đ/kg, trung bình tăng 2.000 đ/kg so với tháng trước. Giá tiêu tăng là do nguồn cung hạn chế, trong khi xuất khẩu hồ tiêu trong thời gian qua đã tăng cả lượng và giá.

Rau quả: Tại một số tỉnh ĐBSCL, thời điểm này nhiều loại trái cây vào mùa thu hoạch rộ, giá giảm mạnh. Tại Tiền Giang, thanh long ruột trắng chỉ bán được 3.000 đ/kg, thấp nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, chôm chôm bước vào vụ mùa chưa lâu nhưng giá đã giảm mạnh. Hiện giá chôm chôm thường được bán ra chỉ còn hơn 2.000 đ/kg, loại Thái và nhãn giá từ 6.000-7.000 đ/kg, chỉ bằng một nửa giá so với thời điểm này năm ngoái. Nguyên nhân giá giảm là do sản lượng chôm chôm năm nay tăng do được mùa, khả năng thời gian tới giá sẽ khó tăng thậm chí giảm tiếp do hiện mới là đầu vụ.

Tuy nhiên, tại thời điểm này giá các loại sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng được đánh giá là cao nhất trong những năm qua. Hiện giá sầu riêng ghép như Mongthong, Ri6, Đô Na có giá 24.000-28.000 đ/kg (tăng khoảng 10.000 đ/kg) so với năm 2014. Tính đến thời điểm hiện tại, cơ bản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang đã được tiêu thụ hết. Người dân Lục Ngạn hân hoan vì được mùa, giá cao nhất trong hơn 60 năm qua. Hiện chỉ còn rải rác các điểm thu mua của các thương lái trong nước với mức khoảng 15.000-16.000 đ/kg. Bây giờ chủ yếu là vải thiều muộn nên mẫu mã, phẩm cấp đều kém, do đó giá cũng giảm.

Trong tháng 7, nhìn chung giá một số rau tại Đà Lạt, Lâm Đồng có xu hướng giảm nhẹ so với tháng trước. Loại rau có dấu hiệu giảm rõ nhất là cải bó xôi và đậu Hà Lan, giảm 5.000 đ/kg. Nguyên nhân giảm giá một số loại rau là do nguồn cung tăng trong khi nhu cầu lại không tăng mạnh.

Thủy sản: Thị trường cá tra nguyên liệu tại hầu hết các tỉnh ĐBSCL trong tháng 7 tiếp tục xu hướng ảm đạm. Tại thị trường Cần Thơ, giá cá tra nguyên liệu (cỡ 650-850 g/con) ở mức 20.800 đ/kg nhưng nhu cầu mua yếu. Tại Đồng tháp, cá tra nguyên liệu cùng cỡ giá khoảng 20.500-20.700 đ/kg. Tại Bến Tre, giá cũng duy trì trong khoảng 19.500-19.700 đ/kg.

Trong khi đó, thị trường cá tra vượt cỡ đang khá sôi động khi các doanh nghiệp đẩy mạnh gom hàng loại này. Tại Cần Thơ, cá tra (cỡ từ 1-1,2 kg/con) được các doanh nghiệp đẩy mạnh gom để xuất sang Trung Quốc, mức giá dao động 20.000-20.300 đ/kg. Tại An Giang nhu cầu cá cỡ từ 1,5 kg/con trở lên với giá 22.500 đg/kg đang tăng mạnh.

Giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL tháng này tăng nhẹ so với tháng trước. Cụ thể, giá tôm sú nguyên liệu tại Cà Mau tăng khoảng 10.000 đ/kg tùy kích cỡ, hiện ở mức 260.000 đ/kg (cỡ 20 con/kg); 190.000 đ/kg (cỡ 30 con/kg); 150.000 đ/kg (cỡ 40 con/kg). Giá tôm thẻ sau khi giảm vào đầu tháng này đã tăng trở lại do nguồn cung tôm nguyên liệu không còn nhiều, một phần sức mua tăng nhẹ. Ngày 16/7, giá tôm thẻ tại Cà Mau giữ ở mức 103.000 đ/kg (cỡ 60 con/kg), 100.000 đ/kg (cỡ 70 con/kg), 93.000 đ/kg (cỡ 80 con/kg), và 87.000 đ/kg (cỡ 100 con/kg). Dự báo, nhu cầu tiêu thụ tôm của thị trường thế giới sẽ tăng trở lại trong thời gian tới để phục vụ dịp lễ Noel và Tết Dương lịch 2015.

Thịt: Giá lợn hơi tại nhiều địa phương nhìn chung đang sụt giảm khiến người chăn nuôi bị lỗ và để đối phó với tình trạng này, người chăn nuôi chọn cách giảm đàn, chuyển sang nuôi lợn sinh sản để cầm cự hoặc ngừng nuôi để cắt lỗ. Cụ thể là, tại Vũng Liêm, Vĩnh Long, giá thu mua lợn hơi đã giảm khoảng 4.000 đ/kg so với tháng trước, hiện đạt 41.000 đ/kg; Thoại Sơn, An Giang giảm khoảng 2.000-3.000 đ/kg, hiện đạt 45.000 đ/kg. Riêng tại Phú Yên, trong gần 5 tháng qua, giá lợn hơi liên tục giảm từ 45.000 đ/kg xuống còn 32.000-34.000 đ/kg và chưa có dấu hiệu tăng trở lại.

Cùng xu hướng giảm giá với giá lợn hơi, giá gia cầm tại nhiều địa phương thời gian qua cũng giảm mạnh do chi phí đầu vào tăng và do thịt nhập khẩu giá rẻ về nhiều. Hiện giá thu mua gà thịt lông màu tại trại ở các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL đang ở mức 31.000-33.500 đ/kg và 31.000-33.000 đ/kg, giảm lần lượt là 9.500-12.000 đ/kg và 10.000-12.000 đ/kg so với mức giá đạt được vào đầu tháng trước.


Có thể bạn quan tâm

Làm giàu từ V.A.C Làm giàu từ V.A.C

Từ diện tích đất bỏ hoang của địa phương, anh Nghiêm Đình Minh (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) đã mạnh dạn đấu thầu, vay vốn phát triển mô hình kinh tế vườn - ao -chuồng (V.A.C) mang lại giá trị kinh tế cao.

12/09/2015
Hiệu quả từ mô hình nuôi gà an toàn sinh học ở huyện Cư Kuin Hiệu quả từ mô hình nuôi gà an toàn sinh học ở huyện Cư Kuin

Để giúp người chăn nuôi nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, ổn định và bền vững, Trạm Khuyến nông huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã bước đầu xây dựng thành công mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học tại buôn Kram, xã Ea Tiêu.

12/09/2015
Ngành chăn nuôi sẽ chịu thiệt nhất từ TPP và AEC Ngành chăn nuôi sẽ chịu thiệt nhất từ TPP và AEC

Nuôi bò quy mô nông hộ sẽ bị thu hẹp do kém cạnh tranh khi hội nhập.

12/09/2015
Mô hình nuôi vịt trời siêu lợi nhuận tại Đồng Nai Mô hình nuôi vịt trời siêu lợi nhuận tại Đồng Nai

Mô hình nuôi vịt trời siêu lợi nhuận do chi phí chuồng trại không lớn, đầu ra lại thuận lợi nên có rất nhiều nông dân Đồng Nai đã đầu tư nuôi.

12/09/2015
Mật ong mất mùa, rớt giá Mật ong mất mùa, rớt giá

Mùa mật năm nay, các hộ nuôi ong rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan" vì sụt giảm sản lượng, lại còn mất giá.

12/09/2015