Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nghề Làm Vàng Trắng

Nghề Làm Vàng Trắng
Ngày đăng: 28/07/2014

Nghề làm “vàng trắng” là cách gọi vui của nhiều người dân chuyên làm tiêu sọ trong tỉnh. Nghề này giúp nhiều người trở nên khá giả, song cũng khiến không ít hộ trắng tay. Thực tế, muốn làm được mẻ tiêu sọ (tiêu trắng) tương đối vất vả.

Trên địa bàn tỉnh có trên 100 cơ sở làm tiêu sọ, nhưng tập trung nhiều ở 2 huyện Trảng Bom và Xuân Lộc. Trong đó, chỉ có gần 20 cơ sở sản xuất lớn với số lượng trên 100 tấn/năm.

* Tìm cách giữ nghề

Trước đây, nghề làm tiêu sọ hầu như phải thực hiện bằng tay và quy trình để hoàn tất được một mẻ tiêu sọ là khoảng 20 ngày. Giá tiêu cao nhưng tăng, giảm thất thường nên chỉ những chủ cơ sở dám “liều” mới đủ can đảm sản xuất với số lượng lớn. Vì chỉ cần giá giảm khoảng 10 ngàn đồng/kg so với khi nhập hàng về sản xuất là chủ cơ sở nắm chắc thua lỗ.

Ông Bùi Văn Kiểm, chủ cơ sở sản xuất tiêu sọ ở ấp An Bình, xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom), kể: “Tôi mở cơ sở sản xuất tiêu sọ gần 20 năm. Nghề này rủi ro rất cao, cùng thời với tôi, nhiều cơ sở đã đóng cửa và đổ nợ.

Tôi còn duy trì và phát triển được là vì kiên trì giữ nghề”. Ông Kiểm nhớ lại, 5 năm trước, chỉ trong vài ngày giá tiêu đang từ 70 ngàn đồng rớt xuống còn 40 ngàn đồng/kg khiến những cơ sở mua hàng dự trữ với số lượng lớn để làm tiêu sọ rơi vào cảnh trắng tay và nợ nần chồng chất.

Thời điểm ấy, ông cũng thua lỗ tiền tỷ và ôm nợ lớn, song vẫn quyết giữ nghề. Khoảng 3 năm lại đây giá tiêu từ từ tăng trở lại, ông thu hồi vốn và có lời. Tất cả tiền lời ông Kiểm dồn vào đầu tư mở rộng cơ sở làm tiêu sọ. Hiện trung bình mỗi tháng cơ sở ông cung cấp cho thị trường gần 100 tấn tiêu sọ.

Ông Nguyễn Thành Đồng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trung Hòa, cho hay: “Hiện xã chỉ còn 4 cơ sở sản xuất tiêu sọ. Nghề này rất cực nhọc và rủi ro cao nên chủ cơ sở nào kiên trì thì mới duy trì nổi”.

* Giảm bớt sức người

Ông Phạm Đình Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc), cho biết: “Toàn xã có 7 hộ sản xuất tiêu sọ lớn, còn lại gần 100 hộ chỉ sản xuất nhỏ lẻ theo mùa. Trước đây, tiêu sọ hầu hết được làm thủ công nên mỗi cơ sở chỉ sản xuất được vài tấn/tháng.

Hơn 2 năm nay, các cơ sở tự nghiên cứu tìm được các loại máy móc, giảm bớt được công lao động và năng suất tăng gấp nhiều lần”. Hai công đoạn vất vả nhất trong sản xuất tiêu sọ là phân loại hạt và chà vỏ thì nay đều đã có máy móc hỗ trợ. Nhờ vậy, các cơ sở giảm được 2/3 số công lao động mà năng suất vẫn tăng gấp 4-5 lần.

Theo các cơ sở sản xuất tiêu sọ, khi mua tiêu đen đã phơi khô về, các cơ sở phải sàng lọc lại chỉ chọn các hạt tròn mẩy, rồi cho vào bể ngâm từ 12-15 ngày, sau đó đưa ra chà sạch vỏ và đem phơi.

Tiêu đen mua về chỉ chọn được khoảng 60-70% để làm tiêu sọ và cứ 1 tấn tiêu đen đã được chọn lựa thì được gần 800 kg tiêu sọ, giá tiêu sọ các đại lý bán cho các công ty là 245-250 ngàn đồng/kg. Tiêu sọ hầu hết được các công ty mua xử lý lại cho trắng hơn rồi xuất khẩu.

“Các công đoạn trong làm tiêu trắng đã dùng máy móc đến 60%, chỉ còn lại công đoạn đem phơi hầu hết vẫn phải làm thủ công.

Cơ sở của tôi cũng như nhiều điểm sản xuất tiêu sọ khác trong tỉnh lo nhất vẫn là đầu ra chứ không phải quy trình làm” - chị Nguyễn Thị Thanh Uyên, chủ cơ sở tiêu sọ ấp An Bình, xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom), nói. Theo chị Uyên, làm tiêu sọ ngốn khá nhiều vốn, với quy mô 15 tấn tiêu sọ/tháng, vốn để mua hàng của chị lên đến 4 tỷ đồng.

Tiêu sọ phần lớn đưa đi Bình Dương bán trực tiếp cho các công ty. Hiện giá hạt tiêu trắng đang ở mức cao nên các công ty xuất khẩu tiêu sọ ngại rủi ro, chỉ nhận hàng khi đã ký được hợp đồng. Vì thế, các cơ sở sản xuất lớn rất lo lắng vì chỉ sợ hàng sản xuất ra chưa bán được, giá đột ngột giảm thì sẽ lãnh đủ.

Ông Trần Đình Thường, xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc), người nhiều năm sản xuất tiêu sọ, thừa nhận: “Muốn làm được tiêu sọ với số lượng lớn, ngoài nắm vững kỹ thuật thì phải có thêm máu liều mới dám làm, bởi nghề này rủi ro rất lớn”.


Có thể bạn quan tâm

Kết Quả Bước Đầu Của Đề Án Phát Triển Cây Chanh Leo Kết Quả Bước Đầu Của Đề Án Phát Triển Cây Chanh Leo

Trong đó huyện Vị Xuyên trồng 50 ha và được triển khai trồng tại 3 xã Trung Thành, Ngọc Linh và Bạch Ngọc; huyện Bắc Quang triển khai 5 ha tại xã Vĩnh Phúc với 16 hộ tham gia và huyện Quang Bình trồng 5 ha tại xã Tiên Nguyên 1,0 ha (với 3 hộ tham gia) và thị trấn Yên Bình 4,0 ha (với 24 hộ tham gia). Thời điểm triển khai trồng chanh leo từ đầu tháng 3/2014.

09/08/2014
Nghêu chết hàng loạt ở các hợp tác xã tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình Nghêu chết hàng loạt ở các hợp tác xã tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình

Mặc dù tháng 3, tháng 4 năm nay thời tiết chưa phải là quá nóng so với nhiều năm trước đây nhưng tình trạng nghêu chết hàng loạt trong tỉnh Bến Tre đã diễn ra, gây nhiều thiệt hại cho các hợp tác xã (HTX). Ngành Nông nghiệp cũng đã cử đoàn cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống các sân nghêu để tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp hạn chế.

09/04/2015
Ngư Dân Sông Đốc Trúng Mùa Cá Ngư Dân Sông Đốc Trúng Mùa Cá

Ông Đoàn Quốc Lượm một ngư dân tại cửa biển Sông Đốc cho biết: Sau khoảng 20 ngày khai thác, chiếc tàu lưới kéo của gia đình thu hoạch được hàng chục tấn cá các loại. Do giá cá biển đang ở mức cao, nên sau khi trừ chi phí và chia cho ngư phủ, ông Lượm còn lãi khoảng 100 triệu đồng. Được mùa cá, nhưng các phương tiện làm nghề câu mực tại thị trấn Sông Đốc lại có một chuyến biển thất thu, chỉ từ huề đến lỗ vốn.

11/08/2014
Sản Lượng Tôm Ở Kiên Giang Tăng Mạnh Sản Lượng Tôm Ở Kiên Giang Tăng Mạnh

Riêng với tôm nuôi công nghiệp, sau khi đã thu hoạch, các doanh nghiệp đang cải tạo để thả nuôi đợt tiếp theo. Năm 2014, ngành nông nghiệp Kiên Giang phấn đấu đạt sản lượng 52.000 tấn tôm nuôi, tăng 10.000 tấn so với năm trước.

11/08/2014
Bà Rịa – Vũng Tàu Xây Dựng Thành Công Mô Hình Ương Giống Tôm Thẻ Chân Trắng Bà Rịa – Vũng Tàu Xây Dựng Thành Công Mô Hình Ương Giống Tôm Thẻ Chân Trắng

Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã triển khai mô hình trình diễn “Ương giống tôm thẻ chân trắng” tại hộ ông Phạm Văn Trí ở ấp Ông Tô, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc – khu vực có diện tích nôi tôm công nghiệp lớn nhất toàn tỉnh hiện nay (trên 150 ha).

11/08/2014