Đầm Hà (Quảng Ninh) Được Mùa Tôm

Trong những năm gần đây bà con nông dân huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) đã mạnh dạn đầu tư, cải tạo ao đầm phát triển nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp, nhiều hộ nông dân đã có thu nhập cao từ việc nuôi trồng này.
Để động viên khuyến khích bà con nông dân nuôi trồng thuỷ sản, huyện Đầm Hà đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các vùng nuôi. Năm 2014 ba công trình cấp điện cho khu nuôi tôm công nghiệp các xã Đại Bình, Tân Bình và xã Đầm Hà với mức đầu tư trên 10 tỷ đồng đã đưa vào sử dụng giải quyết nhu cầu điện cho nuôi trồng thuỷ sản của bà con nông dân.
Cùng với đó huyện đã quan tâm hỗ trợ một phần về giá giống, cải tạo ao đầm, mua sắm thiết bị mới như quạt nước, sục khí để nuôi trồng thuỷ hải sản. Vì vậy mà những năm gần đây diện tích nuôi tôm công nghiệp của huyện không ngừng tăng.
Tính đến tháng 7-2014 toàn huyện Đầm Hà đã có 185ha nuôi tôm công nghiệp và để quản lý tốt vùng nuôi, hạn chế dịch bệnh phát sinh Phòng NN&PTNT huyện đã mở 10 lớp tập huấn cho 500 lượt người về đăng ký, kê khai thuỷ sản, ghi chép nhật ký, xây dựng lịch thời vụ và kỹ thuật nuôi thuỷ hải sản. Hướng dẫn các hộ dân cải tạo ao đầm, mua giống tại các cơ sở uy tín có đủ điều kiện sản xuất giống theo quy định.
Việc thả tôm giống có sự giám sát của chính quyền cấp xã và các cơ quan chuyên môn như Phòng NN&PTNT và Trạm Thú y của huyện. Trong quá trình nuôi tôm các hộ được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm, phòng trừ dịch bệnh.
Nhờ thực hiện tốt công tác quản lý con giống, quản lý vùng nuôi tôm nên vụ nuôi tôm năm nay 85% hộ mua tôm giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm dịch, qua quá trình nuôi đến nay 100% mẫu xét nghiệm đối với 5 bệnh thường gặp ở tôm đều cho kết quả âm tính, hiện nay 60ha tôm của huyện Đầm Hà đã cho thu hoạch với năng suất trung bình từ 6-10 tấn/ha, tôm đạt từ 50-70 con/kg, giá trung bình từ 150.000-180.000 đồng/kg. Nhiều hộ nuôi tôm sau khi trừ chi phí thu lãi được vài trăm triệu đồng.
Ông Lê Văn Quyết hộ nuôi tôm tại xã Đại Bình cho biết: Năm nay gia đình tôi nuôi hơn chục ha tôm, các hộ nuôi tôm cũng đã truyền nhau kinh nghiệm, kỹ thuật, nên vụ thu hoạch tôm năm nay được hơn mọi năm, ở Đại Bình năm nay nhiều hộ nuôi tôm thắng lợi, bà con rất phấn khởi.
Để có một vụ nuôi tôm thắng lợi, ngoài sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, các hộ nuôi tôm huyện Đầm Hà tích cực hỗ trợ, giúp nhau về kinh nghiệm, phòng trừ dịch bệnh có như vậy hạn chế dịch bệnh phát sinh từ các ao nuôi, vùng nuôi. Hiện nay các hộ nông dân đang thu hoạch diện tích còn lại, tiếp tục cải tạo ao đầm đã thu hoạch chuẩn bị cho vụ nuôi tôm thứ hai trong năm.
Có thể bạn quan tâm

Những tháng đầu năm 2015 vụ nuôi tôm nước lợ diễn ra trong bối cảnh bất lợi về thời tiết, nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn đến sớm hơn so với năm 2014, độ mặn ở nhiều nơi trên 32‰, mưa trái mùa, nguồn nước cấp bị ô nhiễm (nhiều thông số môi trường tại các điểm quan trắc đầu nguồn nước cấp đều vượt ngưỡng cho phép đặc biệt như nitrit, COD, Amonia, vibrio…) làm cho dịch bệnh như đốm trắng, hoại tử gan tụy, đường ruột, phân trắng, vi bào tử trùng… phát triển, gây chết tôm nuôi, giảm sản lượng tôm thu hoạch và gây thiệt hại cho người nuôi.

Việc nuôi tôm cao triều ở Phú Yên trong thời gian qua đã mang lại thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên trong quá trình quản lý đất đai, một số địa phương đã để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất làm hồ nuôi tôm trái phép, có địa phương không kiên quyết xử lý nên diện tích lấn chiếm ngày càng tăng, diễn biến ngày càng phức tạp.

Do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh liên tục xảy ra, giá tôm giảm mạnh nhiều tháng liền. Trong khi đó, chi phí thức ăn, con giống… nuôi tôm tăng mạnh dẫn đến diện tích nuôi tôm công nghiệp ở huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2014.

Cư vào mùa này vào thời điểm thủy triều xuống ngư dân lại tìm đến nghề cào chem chép. Một ký chem chép sau khi cào xong, đóng bao bán cho các đầu nậu 1500 đồng/kg. Các đầu nậu cân lại cho các cơ sở nuôi tôm hùm, cá bóp vì chem chép sữa là thức ăn giàu dinh dưỡng cho các hải đặc sản giá trị như tôm hùm, cá mú, cá bóp...
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nếu doanh nghiệp không tuân thủ trách nhiệm xã hội sẽ không thể tiếp cận được với thị trường thế giới.