Bình Định Xuất Khẩu Thủy Sản 6 Tháng Đầu Năm Kim Ngạch Tăng Khá

Trong 6 tháng đầu năm 2014, vượt qua không ít khó khăn, các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu (CBTSXK) trên địa bàn tỉnh Bình Định đã giữ được hoạt động sản xuất ổn định, kim ngạch xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ năm trước.
Khó khăn lớn nhất đối với các DN CBTSXK trên địa bàn tỉnh Bình Định từ đầu năm 2014 đến nay là nguồn tôm nguyên liệu bị thương lái Trung Quốc cạnh tranh thu mua mạnh với giá cao, tình hình dịch bệnh tôm tiếp tục xảy ra do thời tiết không thuận lợi nên nguồn cung hạn chế. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay trên địa bàn vẫn ở mức khá cao (bình quân trên 10%)…
Trong bối cảnh đan xen giữa thuận lợi và khó khăn, các DN CBTSXK trên địa bàn đã nỗ lực cơ cấu bộ máy, sắp xếp lại các dây chuyền sản xuất, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường XK…
Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2014, giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) toàn tỉnh của nhóm hàng thủy sản ước thực hiện 33 triệu USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2013.
Điều đáng ghi nhận là KNXK của hầu hết các DN CBTSXK trên địa bàn đều tăng khá so với cùng kỳ năm 2013: Công ty CP Thủy sản Bình Định (gần 22 triệu USD, 127%); CP Đông lạnh Quy Nhơn (trên 5,4 triệu USD, 156,4%). Công ty CP Thực phẩm XNK Lam Sơn (4,2 triệu USD, 104%); Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn (gần 1,6 triệu USD, 121%)…
Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Tổng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, quy mô của DN CBTSXK chủ yếu vừa và nhỏ, thiết bị công nghệ hầu hết là lạc hậu, chưa tạo ra sản phẩm có chất lượng cao; chất lượng nguồn nhân lực trên 3 lĩnh vực: cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật và lao động chưa đạt yêu cầu nên năng suất lao động chưa cao.
Đáng lưu ý, hoạt động XK hải sản đông lạnh chủ yếu theo đơn hàng lẻ, số lượng đơn hàng lớn không nhiều. Đồng thời, các DN CBTSXK trên địa bàn đang phải đối mặt với tình hình khó khăn về nguyên liệu sản xuất, chất lượng nguyên liệu không đạt tiêu chuẩn XK, giá nguyên liệu nhập khẩu cao.
Trong 6 tháng cuối năm, nhằm hỗ trợ các DN hoạt động XK, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; thực hiện tốt các chính sách tài chính, tiền tệ, nhất là cơ chế hỗ trợ lãi suất cho DN; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại…
Đồng thời, Sở sẽ nỗ lực hoàn thành Đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm chế biến từ nông, lâm, thủy sản và các ngành dịch vụ xuất khẩu Bình Định giai đoạn đến năm 2020”; tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương theo công nghệ của Nhật Bản.
Sở Công Thương cũng lưu ý: Thời gian tới, nguồn cung của Thái Lan sẽ giảm, trong khi giá tôm thẻ chân trắng sẽ tăng cao nên các DN trên địa bàn cần đẩy mạnh hoạt động XK mặt hàng này. Sở khuyến khích các DN đẩy mạnh đầu tư chiều sâu, tăng năng lực sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng; xây dựng thương hiệu sản phẩm...
Có thể bạn quan tâm

Năm 2013, hộ ông Nguyễn Văn Ái ở ấp Gò Sầm, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn để thực hiện mô hình nuôi ghép cá thát lát còm với cá chép V1 trên diện tích 1.000m2.

Năm 2013, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 5.300 tấn, trong đó, sản lượng khai thác 1.450 tấn, sản lượng nuôi trồng 3.850 tấn. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành thủy sản ước đạt 8,24%, giá trị thu nhập/ha nuôi trồng thủy sản ước đạt 75 triệu đồng.

Tốt nghiệp cử nhân kinh tế nhưng Vương Đình Hiếu và Mai Thị Lê (đều sinh năm 1990) không nộp đơn xin việc làm với chuyên ngành đã học mà lập trại nuôi thỏ tại xã Bình Nam (Thăng Bình - Quảng Nam).

Thời tiết bất thường, dịch bệnh hay xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm nên nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh Đồng Nai phải dùng thuốc kháng sinh để phòng trị bệnh. Đây chỉ là giải pháp tạm thời không được khuyến khích.

Ngày 27/11/2013, tại Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố đã tổ chức buổi họp báo "Hội thi – Triển lãm Bò sữa Thành phố Hồ Chí Minh lần IV - năm 2013". Được biết, hiện nay tổng số lượng bò sữa của TP khoảng 90.000 con, với chu kỳ cho sữa trung bình hàng năm là 6000 lít/con/chu kỳ cho sữa.