Nâng cấp và hiện đại hóa thủy lợi nội đồng để xây dựng nông thôn mới

Mô hình trạm bơm được đầu tư tại xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A.
Thạc sĩ Nguyễn Đình Vượng đánh giá: “Qua nghiên cứu, chúng tôi đã phân chia vùng sinh thái của tỉnh ra thành 8 tiểu vùng theo quan điểm của thủy lợi - tài nguyên nước.
Qua đó, đánh giá được hiện trạng hệ thống thủy lợi (HTTL) của Hậu Giang đa phần còn nhiều khuyết điểm nên chúng tôi đã có nhiều giải pháp đề nghị và thực hiện một số mô hình mẫu ở các điểm nghiên cứu.
Hy vọng, qua đây, góp phần cải thiện một phần hệ thống thủy lợi nội đồng cho các địa phương”.
Qua thực tế khảo sát tại các huyện Châu Thành A, Châu Thành, Long Mỹ, thành phố Vị Thanh, thạc sĩ Nguyễn Đình Vượng đã nhận định, HTTL trong tỉnh đang ở tình trạng xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa, cơ giới hóa.
Các trạm bơm được xây dựng chưa hợp lý về kiểu dáng, quy mô, vị trí và tốn kém do bơm cá nhân.
Giao thông thủy lợi nội đồng nhiều nơi còn yếu, sự kết hợp giữa giao thông nội đồng với cơ giới hóa chưa cao.
Bờ bao chống lũ sớm bị hư hao, cao trình không phù hợp.
Bên cạnh đó, kênh mương bị bồi, sạt lở nhiều năm không được nạo vét nên năng lực tưới tiêu giảm.
Hơn nữa, HTTL do được đầu tư không đồng bộ nên gây ảnh hưởng nhiều đến sự điều tiết nước mặt ruộng,...
Từ những tồn tại này, chủ nhiệm đề tài đã đưa ra rất nhiều những giải pháp để tháo gỡ khó khăn.
Các giải pháp này đều nhắm đến mục tiêu hướng mọi hoạt động của con người và thiết bị máy móc cơ giới hóa tiện lợi thông qua các thiết kế, công trình xây dựng trên ruộng, bao gồm: nâng cấp cống hở, cống ngầm, nâng cấp các cống ô ruộng,... Theo đó, các thiết bị bổ trợ, thay thế được làm bằng vật liệu nhựa tổng hợp nhưng có độ bền khá cao, chi phí đầu tư thấp, vận hành đơn giản, dễ điều tiết và kiểm soát nguồn nước.
Đặc biệt, chủ nhiệm đề tài còn đề xuất được các mô hình mẫu về giải pháp nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ các mô hình sản xuất nông nghiệp đặc trưng cho 4 nhóm cây trồng, vật nuôi chủ đạo của tỉnh.
Đề xuất này đã góp phần xây dựng nông thôn mới làm quy hoạch thí điểm tại một số xã điển hình, phù hợp với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chủ trương chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp - nông thôn tại địa phương.
Hơn nữa, đề tài đã thiết kế quy hoạch 5 mô hình mẫu thí điểm về nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thủy lợi cấp xã cho các địa phương điển hình, đại diện các vùng chuyên canh cây - con của tỉnh.
Đó là mô hình mẫu cho vùng chuyên lúa, vùng chuyên cây ăn trái, vùng chuyên thủy sản, vùng chuyên mía, vùng chuyên khóm.
Các giải pháp nhóm nghiên cứu đề xuất có tính khả thi cao.
Ông Hà Minh Triều, ở xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, cho biết: Đề tài nghiên cứu đã thúc đẩy ngành nông nghiệp tỉnh hỗ trợ nâng cấp trạm bơm cho cánh đồng lớn trong xã.
Nhờ đầu tư bằng điện và hệ thống hiện đại nên dễ dàng trong vận hành mà hiệu quả bơm bước cũng nhanh hơn.
Nhờ đó, bà con nông dân làm lúa vùng này cũng tiết giảm được chi phí bơm tưới, năng suất lúa cũng vượt trội hơn.
Ông Lê Phước Đại, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, nhận xét: “Tôi rất tâm đắc với kết quả nghiên cứu của đề tài đã phân vùng được các vùng sinh thái, 5 mô hình mẫu phục vụ tưới tiêu cho các nhóm cây trồng chủ lực của tỉnh.
Hơn nữa, đề tài còn đề xuất được 3 mẫu kết cấu trạm bơm điện quy mô vừa và nhỏ phù hợp trên các vùng sản xuất tỉnh.
Trong đó, 1 mẫu trạm bơm tưới tiêu kết hợp đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho triển khai áp dụng tại xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A.
Hiện nay mô hình đang vận hành khá tốt”.
Có thể nhận thấy rằng, bước đầu các giải pháp nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thủy lợi nội đồng do đề tài đề xuất đã góp phần nhằm đảm bảo kết hợp canh tác và cơ giới hóa nông nghiệp, tưới tiêu thuận lợi sẽ tăng năng suất cây trồng, giảm giá thành đầu tư, là cơ sở để xây dựng cánh đồng lớn sản xuất theo hướng hàng hóa,...
Kết quả này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông - ngư nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đồng thời góp phần hoàn thành tiêu chí thủy lợi, xây dựng nông thôn mới ở tỉnh.
Có thể bạn quan tâm

UBND tỉnh Hải Dương vừa phê duyệt Dự án “Nâng cao hiệu quả kinh tế vùng sản xuất tập trung đối với các cây vải, ổi, na tỉnh Hải Dương giai đoạn 2012-2015”.

Sau Lâm Đồng, TPHCM vừa ký kết thỏa thuận hợp tác sản xuất và tiêu thụ rau quả an toàn với 3 tỉnh Tiền Giang, Long An và Tây Ninh. Đây là 4 địa phương có nguồn cung lớn nhất cho TPHCM, chiếm hơn 50% sản lượng rau quả các tỉnh. Có thể nói, ngành nông nghiệp đã có bước dài trong việc tiến tới kiểm soát chất lượng rau quả trên thị trường TPHCM.

Chúng tôi đến thăm mô hình trồng thanh long và mãng cầu ta kết hợp nuôi thỏ rừng và dông của ông Ngô Văn Kéo (Mười Kéo) ở thôn Thuận Minh, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ (Hà Giang) có lợi thế về những đồng cỏ tự nhiên và sản phẩm phẩm phụ dồi dào từ nông nghiệp như ngô, lạc, đậu đỗ… Trong những năm qua xã Tùng Vài đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc gắn với trồng cỏ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra nguồn thu nhập lớn cho nhiều hộ gia đình trong xã

Ngày 20.6, Hội ND huyện Tiên Phước tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2012-2017. Đây là huyện được Hội ND tỉnh Quảng Nam chọn làm điểm tổ chức đại hội khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam.