Thắng Đậm Vụ Tôm Hùm Giống
Tôm xuất hiện dày, cộng với cách đánh bắt mới đạt hiệu quả cao nên ngư dân có những chuyến biển thắng lớn.
Thời gian qua, ngư dân các vùng ven biển ở Bình Định trúng đậm tôm hùm giống. Tôm xuất hiện dày, cộng với cách đánh bắt mới đạt hiệu quả cao nên ngư dân có những chuyến biển thắng lớn.
Trúng mùa, trúng giá
Mùa đánh bắt tôm hùm giống của ngư dân Bình Định bắt đầu từ tháng Chạp năm trước đến tháng 3 (ÂL) năm sau. Đầu mùa, mặc dù tôm hùm giống chưa xuất hiện nhiều nhưng nhờ giá bán rất cao, từ 300.000 đến 350.000 đ/con nên ngư dân tham gia đánh bắt cũng có thu nhập khá.
Ông Nguyễn Từ Thiện, Chủ tịch UBND xã Cát Tiến (Phù Cát, Bình Định), cho biết: “Từ đầu tháng 3 đến nay, không biết con nước biến chuyển như thế nào mà tôm hùm giống xuất hiện dày đặc, có ghe đi chỉ 1 đêm mà đánh bắt đến những 50 - 70 con. Hiện giá tôm sao gần 300.000 đ/con, tôm xanh gần 100.000 đ/con. Ghe nào trúng tôm, mỗi đêm thu nhập trên 14 triệu đồng, sau khi chia phần cho phương tiện, mỗi ngư dân tham gia được chia từ 1,4 đến 1,8 triệu đồng/người/đêm. Đặc thù của nghề đánh bắt tôm hùm giống là chiều đi sáng về, chỉ 1 đêm mà có được mức thu nhập ấy thì không còn gì bằng”.
Cũng theo ông Thiện, xã Cát Tiến có 13.000 dân thì có đến 4.000 người hành nghề ngư nghiệp với 234 tàu thuyền có công suất từ 60 CV trở lên, hầu hết đánh bắt tại ngư trường phía Nam, chỉ 1 ít khai thác gần bờ. Từ khi tôm hùm giống có giá, cứ đến mùa khai thác là nhiều tàu rời ngư trường xa bờ, quay về quê để đánh bắt tôm hùm. Hết mùa tôm hùm, những tàu này lại vươn khơi đánh bắt cá ngừ đại dương. Vụ đánh bắt tôm hùm giống năm nay vừa trúng mùa, vừa trúng giá, ngư dân vô cùng phấn khởi.
Không chỉ có ngư dân ở xã Cát Tiến trúng tôm hùm giống, mà ngư dân các xã láng giềng là Cát Thành, Cát Khánh, Cát Hải (Phù Cát) cũng có niềm vui tương tự. Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Chủ tịch UBND xã Cát Thành, cho biết thêm: “Dọc bãi ngang xã Cát Thành có khoảng 30 hộ dân hành nghề đánh bắt tôm hùm giống. Mùa này mật độ tôm xuất hiện khá dày nên bà con đánh bắt cả ngày lẫn đêm.
Vùng đánh bắt chỉ cách mép sóng khoảng 100 m nên đêm thả lưới, sáng thăm; sáng thả chiều thăm để bắt tôm. Ít có năm nào ngư dân trúng tôm hùm giống như năm nay, mỗi người có thể có mức thu nhập 2 - 3 triệu đồng/ngày đêm. Đánh bắt gần bờ nên ít hao nhiên liệu mà kiếm được nhiều tiền nên ngư dân bám biển cả ngày lẫn đêm”.
Áp dụng phương pháp mới
Nghề đánh bắt tôm hùm giống phát triển tại các xã vùng biển ở Bình Định từ năm 2005, nghề này được ngư dân học được từ ngư dân tỉnh Phú Yên. Trước đây, phương pháp đánh bắt tôm hùm giống chủ yếu bằng lưới mành trủ. Cũng học từ ngư dân Phú Yên, bây giờ nhiều người đánh bắt tôm hùm giống ở đây đã chuyển đổi “công nghệ” đánh bắt tôm hùm giống bằng lưới mành trủ sang đánh bắt bằng lưới màng kết hợp cột cây khoan lỗ, ví như ở xã Cát Tiến (Phù Cát).
“Các hộ chuyên nuôi tôm hùm thương phẩm ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa đang rất thiếu nguồn giống. Khi tôm hùm giống khan hàng, ngư dân không phải lo vốn đầu tư mua sắm phương tiện và ngư lưới cụ, đã có các chủ nậu đầu tư để sau đó thu mua. Do đó, hiện nay không chỉ có ngư dân trong xã Cát Thành tham gia đánh bắt tôm hùm giống ngày càng nhiều, mà ngư dân các xã lân cận như Cát Hải, Cát Khánh cũng đang rầm rộ làm theo”, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Chủ tịch UBND xã Cát Thành.
“Mỗi cây có chiều ngang khoảng 2 - 3 cm, dài 50 - 60 cm, trên cây được khoan nhiều lỗ nhỏ. Lưới được may thành tấm hình chữ nhật, mỗi tấm lưới được cột dính với 4 thanh cây (trên 2 cây dưới 2 cây). Tấm lưới màng cột cây được thả chìm cách mặt nước biển từ 3 đến 7 m. Tôm đi dựa theo tấm lưới màng, chui vào những lỗ nhỏ được khoan trên thanh cây. Khi thu hoạch ngư dân kéo lưới lẫn cây lên tìm tôm trong những cái lỗ mà bắt”, Chủ tịch UBND xã Cát Tiến (Phù Cát), ông Nguyễn Từ Thiện, diễn tả cách đánh bắt mới của ngư dân.
Tại nhà chị Bảy ở thôn Trung Lương, xã Cát Tiến, hộ chuyên sản xuất cây đánh bắt tôm hùm giống, chị cho biết: “Vợ chồng tui mua gỗ tạp chỉ có giá 4.000 đ/m, cưa ra thành khúc theo quy cách rồi dùng khoan 1 mũi khoan lỗ. Sau khi ngư dân ở địa phương học tập ngư dân Phú Yên dùng cây khoan lỗ đánh bắt tôm hùm giống đạt hiệu quả cao, vợ chồng tui học lóm nghề rồi cứ thế mà làm. Vợ chồng tui bắt đầu làm nghề này từ tháng 3 năm ngoái. Làm theo đơn đặt hàng của các chủ nậu, mỗi đợt nhận từ 1.000 đến 2.000 cây, từ đó đến nay đã cung cấp đến 15.000 cây”.
Anh Lê Đình Quý, một chủ nậu người cùng thôn Trung Lương đang đến nhà chị Bảy đặt hàng, cho biết thêm: “Để mua được hàng, các chủ nậu phải bỏ vốn đầu tư cho ngư dân đi đánh bắt; từ lưới, cây, đến kinh phí sắm phương tiện, mua nhiên liệu… Tui đầu tư cho 20 bạn hàng là ngư dân có nghề đánh bắt tôm hùm giống, mỗi chuyến đánh bắt mỗi bạn hàng đi 1.000 cây nên các cơ sở SX cây làm không kịp cung ứng”.
Năm nay, nghề đánh bắt tôm hùm giống ăn nên làm ra khiến những hộ ngư dân ở các xã ven biển thuộc huyện Phù Cát không có sẵn ghe thuyền thì làm thúng nhôm, gắn máy có công suất nhỏ (4 - 5 CV) vào chạy, tham gia đánh bắt tôm hùm giống.
Có thể bạn quan tâm
Hơn 8 tấn cá nuôi trong ao tại một trang trại ở xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) chuẩn bị thu hoạch bỗng chết hàng loạt không rõ nguyên nhân.
Với thu nhập từ năm 2012 đến nay đạt 4,45 tỷ đồng/năm sau khi đã trừ chi phí, anh Nguyễn Văn Côn (SN 1968), hội viên nông dân xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) được nhiều người biết đến là tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng.
Thật vậy anh Nguyễn Phỉ Lượng ở xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa bắt đầu thả nuôi 60 kg lươn (loại 35 - 40 con/kg) vào cuối tháng 4 năm 2014 do Trạm Khuyến nông huyện Tư Nghĩa hỗ trợ theo chương trình khuyến nông. Sau 5 tháng nuôi, tỷ lệ sống đạt 90%, trọng lượng bình quân 200g/con, có con nặng 300 g. Mô hình dự kiến thu vào cuối tháng 9, với giá bán hiện nay là 160.000 – 170.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ước thu lãi khoảng 40 triệu đồng/vụ nuôi.
Tham gia dự án, các hộ gia đình được quy hoạch chăn nuôi theo vùng, được tập huấn tiếp cận khoa học công nghệ chăn nuôi an toàn, kỹ thuật quản lý, sản xuất, phòng chống dịch bệnh hiệu quả, hỗ trợ xây dựng công trình bể bioga. Ngoài ra, địa phương còn được dự án đầu tư hỗ trợ nâng cấp các cơ sở giết mổ, chợ buôn bán thực phẩm tươi sống.
Đó là trại thỏ Tuấn Phát do anh Trần Thanh Tuấn ở ấp Bãi Vàng, xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh làm chủ. Trại gồm 3 khu, với tổng diện tích hơn 400 m2, qui mô hơn 450 con thỏ. Trong đó có 50 con đực và 400 con thỏ cái gồm các giống thỏ gốc Mỹ, Pháp, Đức, Hungari và New Zealand. Đây là những giống thỏ có trọng lượng cao gấp 2 lần so với giống thỏ địa phương.