Nâng Cao Hiệu Quả Kinh Tế Trong Sản Xuất Vụ Đông Ở Thạch Thành
Theo giới thiệu của lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành, chúng tôi đến thăm, tìm hiểu về hiệu quả kinh tế của một số cây trồng vụ đông ở xã Thành Hưng. Là xã sản xuất vụ đông khá phát triển của huyện Thạch Thành, với nhiều loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế, như: cây ngô, dưa chuột xuất khẩu, rau màu các loại...
Anh Vũ Văn Thông, thôn 3, cho biết: Vụ đông năm nay, gia đình trồng 4 sào ngô, hơn 1 sào rau màu các loại, do thời tiết thuận lợi nên cây trồng đang phát triển tốt, mọi năm năng suất ngô đạt 2,5 tạ/sào, rau màu thu nhập hơn 35 triệu đồng/sào/vụ.
Gia đình đầu tư trồng ngô vì cây ngô ngoài thu hoạch hạt, lá còn làm thức ăn để chăn nuôi bò, thân cây và bẹ của bắp dùng làm chất đốt. Do vậy, để cây ngô mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao, anh Thông mong muốn Nhà nước, doanh nghiệp liên kết cùng bà con nông dân đầu tư giống có chất lượng, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm với giá ổn định ngay từ đầu vụ.
Rời xã Thành Hưng, chúng tôi đến xã Thành Tiến, không khí sản xuất vụ đông của bà con nơi đây khá nhộn nhịp. Chị Bùi Thị Huệ, thôn 4, cho biết: Vụ đông năm ngoái, gia đình trồng hơn 1 sào dưa chuột xuất khẩu, thu nhập hơn 45 triệu đồng. Vụ đông năm nay, gia đình mượn thêm đất của bà con thôn 2 để trồng hơn 4 sào dưa chuột xuất khẩu. Mỗi sào trồng dưa đầu tư khoảng 2 triệu đồng, chưa tính công chăm sóc. Nhưng chắc chắn hiệu quả kinh tế của cây dưa chuột xuất khẩu sẽ cao hơn so với các loại cây trồng khác.
Đồng chí Trịnh Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Tiến, cho biết: Là địa phương nằm trong vùng hay bị thiên tai ảnh hưởng đến sản xuất vụ mùa, nên những năm gần đây, xã đã xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích gieo trồng cây vụ đông để bù lại thiếu hụt về kinh tế trong sản xuất vụ mùa; đồng thời, thông qua sản xuất vụ đông để bảo đảm việc làm, thu nhập cho người dân. Trong sản xuất vụ đông, xã xác định cây ngô vẫn là cây trồng chủ lực.
Xuất phát từ quan điểm chỉ đạo đó, xã Thành Tiến đã ký hợp đồng với Công ty Xuất khẩu rau quả Hải Dương về việc cung ứng giống, cho các hộ dân ứng tiền chăm sóc, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm dưa chuột xuất khẩu. Xã cũng đã ký hợp đồng với Hội Nông dân tỉnh trong việc cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật để nông dân triển khai trồng cây bí xanh.
Vụ đông năm 2014 – 2015, xã gieo trồng 116,9 ha cây trồng, tăng hơn vụ trước 20,2 ha. Trong đó, cây ngô 60,5 ha, dưa chuột xuất khẩu 13 ha, bí xanh 10,4 ha, đậu tương 7 ha, rau màu các loại 26 ha. Thực tế sản xuất vụ đông năm 2013 – 2014, cho thấy: Cây ngô thu nhập 28 triệu đồng/ha/vụ, cây dưa chuột xuất khẩu 100 triệu đồng/ha, bí xanh 70 triệu đồng/ha..., rau màu các loại 60 triệu đồng/ha.
Thời gian tới, xã tiếp tục mở rộng diện tích và phấn đấu đạt 150 ha có khả năng đưa vào trồng cây vụ đông. Tuy nhiên, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất vụ đông nói riêng ở xã Thành Tiến hiện nay là đầu ra cho sản phẩm.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành, vụ đông 2014 – 2015 diện tích gieo trồng các loại cây đạt 1.289,7 ha; trong đó, cây ngô 815,1 ha, bí xanh 50 ha, rau màu các loại 377,7 ha, đậu tương 28 ha... Theo đánh giá của huyện, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong huyện đã có nhiều nỗ lực trong sản xuất vụ đông.
Diện tích gieo trồng cây vụ đông năm sau đều cao hơn năm trước; nhiều đơn vị năng động, sáng tạo, đưa nhiều cây trồng có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất.
Huyện, các xã, thị trấn đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm của một số cây trồng cho nông dân, nên hiệu quả kinh tế ngày càng tăng. Vụ đông 2014 – 2015, Công ty Chế biến thức ăn bò sữa Hải Phòng, Công ty Bò sữa Yên Phú (Ninh Bình), Công ty CP Sữa TH (TH True Milk) Nghệ An, ký hợp đồng với bà con nông dân nhiều xã trồng hơn 300 ha cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, với giá hợp đồng thu mua 650.000 đồng/tấn sản phẩm.
Các công ty cung ứng giống, cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với địa phương hướng dẫn nông dân trồng, chăm sóc, thu hoạch và dự kiến năng suất cây ngô làm thức ăn chăn nuôi đạt 2 tấn đến 2,5 tấn/sào.
Đồng chí Trịnh Văn Chất, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành, cho biết: Huyện đang tập trung chỉ đạo nông dân chăm sóc cây trồng vụ đông bảo đảm kỹ thuật để đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao nhất. Thời gian tới, huyện chủ trương tiếp tục mở rộng diện tích gieo trồng cây vụ đông phù hợp với khí hậu và đồng đất của từng xã, thị trấn.
Chú trọng phát triển những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, tiếp tục đấu mối với các doanh nghiệp, đơn vị ký hợp đồng với bà con nông dân trong việc cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Sau chuyến biển hơn 1 tháng 15 ngày, các thuyền đã kịp cập bờ, mang theo hàng trăm con cá ngừ đại dương, mỗi con có trọng lượng hơn nửa tạ để ăn Tết muộn. Cảng cá Đại Lãnh (Vạn Ninh, Khánh Hòa), Phường 6, Đông Tác (TP Tuy Hòa, Phú Yên)… ngư dân vui sướng khi hầu hết các thuyền được mùa, được giá. Hiện tại, cá ngừ được thu mua 130.000-145.000 đồng/kg, so với cách đây 2 tháng tăng 15.000 đồng/kg.
Quả thật, khoảng chục năm trở lại đây, những phiên chợ sát ngày Tết bên cạnh những quầy bán gà, thịt lợn thì mặt hàng thủy sản cũng được khá nhiều người ưu tiên lựa chọn để đổi món trong những bữa ăn ngày Tết. Những hàng cá ngon, mỗi con to từ 3 đến 6kg với các loại trắm đen, trắm cỏ, trôi… luôn đắt khách.
Do đang nghỉ Tết, nên ít tư thương thu mua chình giống và do chình giống khai thác được còn đang ở giai đoạn chình trắng nên giá chình bán được chưa cao, chỉ 1.400 đồng/con. Tuy nhiên, nhờ lượng chình khai thác được khá lớn, bình quân mỗi đêm một người có thể khai thác được từ 75 - 125 con chình giống, đem lại thu nhập từ 200 - 300 nghìn đồng.
Năm 2014, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh Cà Mau đạt 480.000 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, có 170.000 tấn tôm, vượt 10% kế hoạch. Có được kết quả trên là do tỉnh Cà Mau từng bước thực hiện chương trình quy hoạch phát triển nuôi tôm công nghiệp đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, làm cho sản lượng thủy sản cũng từ đó tăng cao.
Nhớ lần đầu gặp ông Cao Văn Minh khai thác tư liệu viết bài Con thuyền trong đời sống tín ngưỡng, ông đón tôi trước hiên nhà, nói một tràng mà quên cả việc mời vào nhà. Lần ấy, ông còn cẩn thận cho tôi mượn bộ đĩa lưu lại những lễ hội nghề biển Nại Hiên Đông do ông làm chủ tế.