Mùa sứa này...
Hiện mùa sứa đã vào chính vụ, nhưng số khách đến thu mua chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nghề “một vốn bốn lời”
Nghề đánh bắt và chế biến sứa bắt đầu hình thành ở các xã đảo huyện Vân Đồn từ nhiều năm trước. Thế nhưng, phải đến các năm 2004, 2005, khi một số ngư dân trên địa bàn huyện mạnh dạn liên doanh với ngư dân Trung Quốc thu mua và sơ chế xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc thành công, nghề này mới thực sự phát triển mạnh mẽ và nở rộ khắp các địa phương có nguồn lợi biển này.
Xã đảo Quan Lạn cũng là một trong số đó. Ông Lưu Thành Viên, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Khai thác, chế biến sứa là một trong những thế mạnh của địa phương. Từ sự hỗ trợ của huyện, như giao đất cho ngư dân xây dựng xưởng chế biến, hỗ trợ kỹ thuật sơ chế… xã đã định hướng, khuyến khích người dân phát triển kinh tế dựa vào đánh bắt và chế biến sứa.
Với lợi thế có nguồn sứa biển dồi dào, nhiều năm trở lại đây, khai thác và đánh bắt sứa đã trở thành một trong hướng phát triển kinh tế chủ lực, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trên địa bàn, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ở Quan Lạn.
Hiện Quan Lạn có hơn 100 hộ dân làm nghề đánh bắt sứa, 12 xưởng chế biến xuất khẩu sứa sang Trung Quốc; sản lượng khai thác sứa năm sau đều cao hơn năm trước, chiếm 20 - 30% tổng sản lượng khai thác thuỷ sản của xã. Riêng năm 2014, sản lượng sứa thành phẩm đạt 300 tấn, doanh thu trên 20 tỷ đồng. Dẫn chúng tôi tham quan xưởng chế biến sứa của gia đình, ông Bùi Văn Hoan (thôn Thái Hoà) cho biết: Xưởng của ông được chia thành 3 khu riêng biệt, gồm khu quay, sơ chế và ngâm sứa.
Từ năm 2007 đến nay, vụ mùa nào xưởng cũng thu mua nhiều sứa, đơn hàng lớn, giá bán cao; trừ chi phí, bình quân mỗi vụ sứa, gia đình ông thu lãi hàng trăm triệu đồng. Sứa là loài nhuyễn thể được dùng làm thực phẩm, có giá trị dinh dưỡng và bổ mát vào mùa hè nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Ngoài vụ mùa vào tháng 3 đến hết tháng 4 âm lịch, sứa còn có cả vụ chiêm, tháng 8, 9, 10 âm lịch.
Sứa là loài hải sản dễ đánh bắt, không cần đầu tư nhiều, ít rủi ro. Vì vậy, dù thời vụ khai thác chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Trung bình mỗi ngày một gia đình có thể thu tiền triệu từ đánh bắt sứa. Nhờ đó, nhiều ngư dân trong xã đã giảm nghèo bền vững; không ít chủ xưởng thu mua và chế biến sứa giàu lên nhanh chóng.
Hiện khó khăn về “đầu ra”
Vụ sứa năm nay đang khiến nhiều chủ xưởng chế biến lo lắng. Như hàng năm, thời điểm này là đợt cao điểm sơ chế và xuất hàng ra thị trường. Tuy nhiên, hiện ở các xưởng chế biến lại vô cùng vắng lặng, đìu hiu, khác xa hoạt cảnh huyên náo, tấp nập người mua kẻ bán như những mùa trước.
Ông Bùi Văn Hoan cho biết: Từ đầu vụ đến nay, các chủ xưởng chủ yếu tập trung thu mua sứa để trữ hàng bán cho khách vào chính vụ. Bởi vậy, thời gian đầu, ngày nào công nhân cũng phải làm việc hết công suất để kịp trả hàng cho khách khi có yêu cầu. Hiện kho hàng của các xưởng đều chất đầy hàng, nhưng số thương lái đến đặt hàng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Vào tầm này những năm trước, xưởng của ông lúc nào cũng bận rộn từ sáng đến tối; trung bình mỗi ngày có từ 20 - 30 lượt khách đến đặt, mua hàng. Vậy mà vụ năm nay, hôm nào đông lắm chỉ có 2 - 3 khách hàng, nhiều ngày chẳng có khách hàng nào.
Cách đó không xa là xưởng chế biến của gia đình bà Lương Thị Lanh. Do lượng hàng tồn lớn, nên mấy ngày nay bà phải cho một số công nhân nghỉ việc và tạm dừng thu mua sứa. Bà Lanh giải thích với chúng tôi: Từ nhiều năm nay, các chủ xưởng chế biến đều phải thuê người Trung Quốc đến làm việc, hướng dẫn quy trình chế biến sứa nhằm nâng chất lượng sản phẩm, thông qua các doanh nghiệp làm dịch vụ để xin cấp thị thực nhập cảnh vào Việt Nam. Những năm qua, Phòng NN&PTNT huyện được giao bảo lãnh, chuyển đổi mục đích cho số người Trung Quốc có thị thực ký hiệu B3 được làm kỹ thuật và tạm trú tại các cơ sở chế biến sứa.
Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2015, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam không cho phép cơ quan, doanh nghiệp đứng ra bảo lãnh cho người nước ngoài chuyển đổi mục đích làm kỹ thuật chế biến sứa như trước đây. Do không có người hướng dẫn quy trình, kỹ thuật chế biến, nên độ tin cậy về chất lượng sản phẩm cũng bị giảm sút. Sản lượng tiêu thụ vì thế mà giảm mạnh, giá sản phẩm bán ra giảm từ 30 - 40% so với trước. Dù các chủ xưởng đã chấp nhận chịu lỗ để bán với giá rẻ, nhưng lượng khách hàng hiện tìm đến không nhiều...
Nghề khai thác, chế biến sứa ở Quan Lạn đã trở thành nguồn thu nhập cao cho người dân địa phương trong nhiều năm qua, tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, để nghề này phát triển bền vững, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần sớm có giải pháp để tháo gỡ khó khăn về “đầu ra” cho sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm
So với mô hình nuôi cá thịt truyền thống, nuôi cá Koi lai đem lại nguồn thu gấp nhiều lần. Một số hộ nông dân đang khấm khá nhờ chuyển đổi mô hình thuỷ sản này
Mô hình vỗ béo trâu gắn với trồng cỏ của gia đình anh Lý Đức Hà ở thôn Tà Lượt, xã Thèn Phàng, huyện Xín Mần (Hà Giang) thu lãi 250 triệu đồng/năm.
Nuôi chim bồ câu Pháp thương phẩm, bồ câu Pháp giống, anh Trịnh Văn Trường, đoàn viên thanh niên thôn Bồn Thôn, xã Trung An (Vũ Thư) thu lãi hơn 150 triệu đồng
Nhờ tính quyết đoán, dám nghĩ dám làm, Nguyễn Mạnh Linh đã thành công với mô hình chăn nuôi dê sạch và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Với hơn 2 mẫu đất, mùa hè sen nở ông Hậu hái bông và đài đem bán, mùa sen lụi thì thả lưới thu hoạch cá, thu hơn 100 triệu.