Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mùa Quả Ngọt Trên Vùng Đồi K4

Mùa Quả Ngọt Trên Vùng Đồi K4
Ngày đăng: 26/10/2013

K4 - vùng đồi thuộc thôn Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) từng là căn cứ kháng chiến của quân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau ngày hòa bình, người dân địa phương đã đầu tư nhiều công sức khai phá, biến thành vùng đất màu mỡ để phát triển kinh tế. Từ bời bời cỏ dại, rắn rít và đạn bom, K4 bây giờ đã thật sự hồi sinh mạnh mẽ và từng ngày mang lại no ấm cho người dân…

Đất không phụ người

Từ sau ngày hòa bình, nhiều gia đình ở vùng đồng bằng xã Hải Phú đã cơm đùm mắm muối phạt rừng tìm về K4 để khai phá. Ròng rã mấy chục năm bám trụ, cải tạo từng mét đất đầy đá sỏi, họ khắc trong mình niềm tin mãnh liệt rằng rồi đất sẽ hồi sinh… Và bây giờ đất K4 khắc nghiệt đã và đang mang lại những mùa no ấm. Dẫn chúng tôi thăm K4- được xem là vùng trọng điểm trồng cam ở Quảng Trị, ông Nguyễn Nhạc, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Phú cho biết: “Chính sự cần cù, nhẫn nại của những người nông dân ở vùng đồi K4 đã làm đất hồi sinh, cho quả ngọt lành. Anh nhìn đấy, toàn bộ khu triền đồi bên khe suối này giờ đã là bạt ngàn cây cam, đồi chè và nhiều loại cây ăn quả, hoa màu khác… Người lạc quan nhất cũng khó có thể tưởng tượng được giờ đây vùng đồi K4 đã trở nên trù phú thế này”.

Ở vùng đồi K4, anh em ông Trần Ngọc Nhơn và Trần Ngọc Trung bây giờ đã trở thành những người trồng cam có tiếng… Thập niên 90 là khoảng thời gian mà các mô hình kinh tế gia trại, trang trại bắt đầu manh nha. Cũng như những người nông dân, hồi ấy anh em ông Trung chỉ quẩn quanh ruộng vườn mưu sinh. Rồi cơ duyên và khát khao làm giàu đã đưa ông đến với vùng đất K4.

Ông Trần Ngọc Nhơn nhớ lại: “Hồi ấy chấp nhận lên đây là một quyết định táo bạo và phải chịu đựng vô vàn gian khổ mới trụ nổi. Muốn đi được phải phạt lối cây rừng, mất cả ngày đường mới đến được K4. Rồi mồ hôi, công sức, lần hồi khai phá, cải tạo ròng rã gần chục năm trời mới khuất phục được vùng đất này, bắt nó phải cho quả ngọt”.

Hồi ấy, anh em ông cải tạo được khoảng 10 ha đất sỏi bên khe suối, trong đó trồng rừng khoảng 6 ha, phần còn lại trên 4 ha anh em ông dành ra để trồng cam và chè. Năm 2008, anh em ông Trung mang theo nắm đất vùng K4, bắt xe đò lặn lội ra tận vùng cam nổi tiếng xứ Nghệ để quyết chí tìm hiểu, tìm mua giống về trồng. Sau khi được tận tình giúp đỡ, giảng giải, họ khuyên ông mua giống cam Vân Du, Xã Đoài về trồng vì qua nghiên cứu cho thấy, các giống cam này hoàn toàn thích hợp với chất đất ở vùng đồi K4.

Ông Trần Ngọc Nhơn kể: “Khâu giống là rất quan trọng, bởi mất tới vài năm cây mới cho quả. Nếu cây cho quả kém chất lượng thì ắt phải phá vườn cam và tính toán lại từ đầu rất tốn kém. Nhưng tôi đã chọn đúng và cũng nhờ được anh em bạn bè giúp đỡ về kỹ thuật, kinh nghiệm nên thành công với các giống cam này. Các giống cam trồng ở K4 đã cho quả to đều, ngọt thanh, ít bị sâu bệnh, năng suất cao. Mà kể cũng lạ, ở Quảng Trị nhiều nơi cũng trồng cam, cũng trồng cùng giống mà quả lại nhỏ, chua trong khi cam trồng ở vùng đồi K4 thì hoàn toàn khác. Ngay cả khi tôi mang cam quả ra Nghệ An để đo hàm lượng đường đối chứng với cam cùng loại bản địa, kết quả là cam trồng ở K4 vượt trội, khiến những bạn trồng rất ngạc nhiên… Điều ấy đã làm anh em tôi rất hạnh phúc vì đất khó đã không phụ người”.

Cam vùng đồi K4 đã dần được ưa chuộng

Thời điểm mới cho thu hoạch cam, anh em ông Nhơn đã phải vất vả lắm mới bán được từng quả cam do mình nhọc nhằn trồng được. “Trồng được cam ở vùng K4 thì rất mừng nhưng khổ nhất hồi đầu là khâu tiêu thụ. Cả vườn cam với sản lượng vài tấn mà thời điểm những năm 2010 anh em tôi phải đèo xe máy kẹp từng sọt về chợ Diên Sanh, thị xã Quảng Trị, chợ Đông Hà… vừa bán vừa biếu, rồi hồi hộp đợi phản hồi của khách. Bởi thời điểm đó, cam trong nước, cam ngoài nước tràn ngập thị trường trong khi cam vùng K4 thì mới toanh, khó có thể cạnh tranh”, ông Trần Ngọc Trung nhớ lại. Từ những ngày đầu cực nhọc ấy, dần dần cam vùng K4 đã từng bước chiếm được niềm tin của khách bởi đặc tính thơm ngon, mọng nước và đặc biệt là được sản xuất theo quy trình sạch, không phun thuốc trừ sâu trước thu hoạch từ đến 3-4 tháng, đảm bảo an toàn vệ sinh…

Từ thành công của vườn cam của anh em ông Nhơn, đến nay vùng đồi K4 đã phát triển lên đến hơn 10ha cam và đều đã cho thu hoạch rất khả quan. Đó là những vườn cam rộng lớn của các hộ như Văn Ngọc Chúng, Trần Lợi, Văn Tập, Văn Sở, Võ Trường… với bình quân mỗi hộ có diện tích trên 1,5 ha. Điều đáng mừng là những hộ trồng cam trên vùng đồi K4 đã có sự liên kết, giúp đỡ lẫn nhau trong kỹ thuật, kinh nghiệm trồng chăm sóc nên đã thành công cùng với cây cam. Từ năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm mỗi hộ đã có thu nhập từ 80- 120 triệu đồng/ha cam, sau khi trừ chi phí. Vụ năm 2013 này, cam vùng K4 có nhiều khởi sắc, niềm vui vì vừa được mùa được giá. Theo ước tính của các chủ vườn, cam vùng K4 năm nay đạt năng suất trên 10 tấn/ha (tăng 2 tấn so với năm 2012), giá bán đầu vụ tại vườn đạt 15.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng/kg so với năm 2012). Sản lượng cam toàn vùng K4 vụ này ước đạt gần 100 tấn. Từ đầu tháng 9 đến nay, các tư thương từ khắp nơi trong tỉnh nườm nượp đổ về các nhà vườn mỗi ngày để thu mua cam.

Chị Nguyễn Thị Việt, một khách hàng lớn của các vườn cam ở vùng K4 đến từ chợ Đông Hà cho biết: “Từ 2, 3 năm nay cứ đến vụ cam ở vùng K4 là tôi lại vào tận các vườn thu mua. Bình quân mỗi lần tôi mua trên 5 tạ cam, vậy mà có thời điểm vẫn không đủ bán. Không chỉ tôi mà hiện nhiều tư thương khắp nơi trong tỉnh cũng đã tìm đến tận vườn mua cam nơi đây vì dễ bán, bán chạy... Người bán, người trồng cam đều vui mừng vì ngày càng được khách hàng hài lòng, ưa chuộng”.

Cam vùng đồi K4 dần chiếm được niềm tin và chỗ đứng trên thị trường. Vào mùa thu hoạch, hầu như trên mỗi quầy hàng hoa quả trong tỉnh đều đã có mặt cam vùng K4. Lãnh đạo huyện Hải Lăng và người trồng cam ở vùng K4 đang trăn trở và mong muốn xây dựng thương hiệu cho cam vùng đồi K4 để loại quả thơm ngọt trên vùng đất khó này đứng vững trên thị trường.

Ông Nguyễn Nhạc, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Phú cho biết: Để khai thác hết thế mạnh của vùng đồi K4, những năm qua địa phương đã khuyến khích người dân phát triển mạnh cây cam, đồng thời hỗ trợ 60% giá giống cây, ưu tiên cấp đất. Chủ trương của xã là mỗi năm phát triển thêm được từ 3-5 ha cam vì đất phù hợp với phát triển cây cam trên vùng đồi K4 vẫn còn tương đối lớn. Ngoài cây cam được xem là cây trồng chủ lực, xã cũng khuyến khích người dân phát triển mạnh thêm cây chè và một số loại cây ăn quả khác phù hợp, có hiệu quả kinh tế cao.


Có thể bạn quan tâm

Chủ Động Bảo Vệ Thuỷ Sản Chủ Động Bảo Vệ Thuỷ Sản

Thực tế cho thấy, trong đợt rét đậm, rét hại của những năm trước, một số hộ nuôi cá trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có kinh nghiệm chống rét hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng có những hộ do chủ quan đã bị thiệt hại không nhỏ. Vì vậy, chống rét cho thuỷ sản cần được cơ quan chuyên môn và người dân quan tâm.

25/12/2013
Xây Xây "Nhà" Cho Các Loài Thủy Sinh

Sở KH-CN Quảng Nam vừa phối hợp với Viện Khoa học & công nghệ khai thác thủy sản (Đại học Nha Trang) tổ chức hội thảo “Cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm lựa chọn địa điểm xây dựng chà - rạn nhân tạo tại vùng biển ven bờ tỉnh Quảng Nam”. Dự kiến sẽ triển khai mô hình tại đông bắc đảo Hòn Dứa (vùng biển Bàn Than, Núi Thành) nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi ven bờ.

03/12/2013
Nhân Rộng Loại Hình Tổ, Đội Tàu Cá Vươn Khơi Bám Biển Nhân Rộng Loại Hình Tổ, Đội Tàu Cá Vươn Khơi Bám Biển

Theo Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NNPTNT), hiện nay cả nước có khoảng 3.700 tổ, đội tàu cá với khoảng 22.000 tàu/140.000 lao động tham gia cùng vươn khơi bám biển.

25/12/2013
Xuất Hiện Bệnh Lở Mồm, Long Móng Và Cúm Gia Cầm Xuất Hiện Bệnh Lở Mồm, Long Móng Và Cúm Gia Cầm

Từ ngày 15-12-2013 ở Thanh Hóa, trên địa bàn các xã: Xuân Bình, Xuân Hòa (Như Xuân) và Thạch Tượng (Thạch Thành) đã xảy ra bệnh lở mồm, long móng (LMLM) làm 177 con trâu, bò bị mắc bệnh.

25/12/2013
Mô Hình Kết Hợp Lúa - Ếch - Cá Cho Lợi Nhuận Cao Mô Hình Kết Hợp Lúa - Ếch - Cá Cho Lợi Nhuận Cao

Hiện nay, xu hướng sản xuất đa canh, đa con trên cùng một diện tích được nhiều nông dân xã Phong Thạnh Đông A (huyện Giá Rai - Bạc Liêu) áp dụng. Với mô hình lúa - ếch - cá kết hợp, mỗi năm đem về cho người nuôi hàng trăm triệu đồng. Theo đó, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, có điều kiện mua sắm máy móc phục vụ sản xuất.

03/12/2013