Mua Bán Phân Bò, Nguy Cơ Lây Lan Dịch Bệnh
Phú Yên đang có dịch lở mồm long móng (LMLM) gia súc ở một số xã. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, các ngành chức năng đã cấm vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc ra khỏi vùng dịch. Tuy nhiên lại rất khó kiểm soát phân bò khi nó đang là mặt hàng được mua bán khá rộ.
Tại thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân), nơi đang có dịch LMLM, tình trạng dịch bệnh lây lan tại khu vực này rất nhanh. Bùng phát dịch từ ngày 14/6, từ hộ nuôi của ông Võ Văn Sáu (Kiều) sau đó một tuần, số bò mắc bệnh lây lan lên đến 64 con, với 32 hộ nuôi trong vùng. Hiện nay, các ngành chức năng phun thuốc tiêu độc khử trùng, đồng thời dựng biển cảnh báo khu vực có dịch nghiêm cấm vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc ra khỏi vùng dịch. Tuy nhiên, cũng tại khu vực này đang rộ lên phong trào mua bán... phân bò, các điểm tập kết phân bò rải rác dọc theo suốt chiều dài của thôn.
Theo quan sát của phóng viên, phân bò tập kết tại các điểm chờ bốc lên xe chứa trong các bao tải, có những bao bị rách, phân bò rơi vãi, gặp trời mưa chảy tràn ra đường gây mất vệ sinh công cộng. Ông Phạm An Vương, cán bộ thú y xã Xuân Quang 3 cho biết: “Chúng tôi đã làm việc trực tiếp với các chủ điểm thu mua phân bò, buộc họ ký biên bản cam kết trong thời gian này không được vận chuyển phân bò ra khỏi vùng có dịch”.
Việc vận chuyển bò và sản phẩm từ bò được quản lý nghiêm ngặt đối với vùng có bò mắc bệnh LMLM số lượng lớn đủ điều kiện công bố dịch, còn đối với những xã lân cận giáp ranh với thôn Thạnh Đức có bò mắc bệnh LMLM số lượng ít chưa đủ điều kiện công bố dịch thì phân bò được tự do vận chuyển.
Đáng lo ngại hiện nay không chỉ ở huyện Đồng Xuân mà trên địa bàn các huyện từ đồng bằng đến miền núi của tỉnh đang rộ lên phong trào mở đại lý mua bán... phân bò. Để có sản phẩm đi tiêu thụ, các đại lý không ngần ngại lùng sục đến tận các xã vùng cao như Ea Trol, Ea Bar (Sông Hinh), xã Sơn Long, Sơn Định (Sơn Hòa) mua phân bò.
Tại đây họ còn đặt các “chi nhánh” thu mua. Anh Nguyễn Xuân Cường, chủ đại lý mua bán phân bò ở thôn Phú Điềm (xã An Hòa, Tuy An), cho biết: “Tôi theo nghề này đã 5 năm, làm ăn thấy được nên dốc sức đầu tư. Hiện tôi đang mở chi nhánh tại xã Sơn Long”. Anh Cường nhẩm tính, chỉ tính riêng huyện Tuy An đã có đến 50 đại lý. Phân bò đang là mặt hàng giúp tăng thu nhập cho nhiều người nông dân.
Bà Nguyễn Thị Nga ở xã Xuân Sơn Nam (Đồng Xuân) cho biết, nuôi 5 con bò trung bình một tháng bán được 300.000 đồng từ phân bò. Chưa có con số thống kê chính thức nhưng ước tính trên địa bàn tỉnh Phú Yên, mỗi tháng lượng phân bò xuất đi các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk lên hàng trăm tấn.
Theo Chi cục Thú y Phú Yên, gia súc mắc bệnh LMLM thải virus trong nước bọt, sữa, tinh dịch, phân, nước tiểu và hơi thở. Virus có thể sống sót bên ngoài vật chủ trong vài tháng. Virus LMLM truyền từ nơi này sang nơi khác nhờ bám vào xe cộ, quần áo. Trong điều kiện khí hậu mát và ẩm, virus có thể theo gió đi rất xa.
Có thể bạn quan tâm
Nghề câu mực khơi từ lâu được xem như một nghề ăn nên làm ra của ngư dân. Thế nhưng, hiện nay tại một số địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi hàng loạt đội tàu câu mực khơi đã “giải nghệ”.
Minh Côi là một trong những xã có diện tích nuôi thủy sản lớn của huyện Hạ Hòa (Phú Thọ). Trong gần 10 năm trở lại đây phong trào nuôi thủy sản ở Minh Côi đã phát triển mạnh mẽ. Trước đây chỉ có một số hộ dân nuôi cá phục vụ đời sống, đến nay toàn xã đã có 230 hộ nuôi thủy sản theo hướng kinh doanh với tổng diện tích 68,87ha, phân bố ở 7 khu hành chính.
Vụ tôm sú 2013 đã qua một nửa thời gian nhưng người dân ở Trà Vinh, Bến Tre vẫn không dám thả nuôi do thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp và đã cạn vốn.
Nhờ được vay vốn không phải trả lãi, nhiều hộ ND ở Hải Dương đã có điều kiện mua máy cày, máy tuốt lúa, máy gặt đập liên hợp, ô tô tải nhẹ...
Với sự năng động, dám nghĩ dám làm và bằng kiến thức tích lũy được qua tìm tòi, nghiên cứu, anh Trần Văn Biên ở thôn Bình Tiến, xã Phước Minh (Bù Gia Mập - Bình Phước) đã có một trang trại nuôi ong mật quy mô lớn, đem lại nguồn thu không dưới 400 triệu đồng mỗi năm.