Nhà vườn đón mùa nhãn bội thu
Diện tích, sản lượng tăng
Thời điểm này, đến thăm vườn nhãn của gia đình anh Phạm Văn Bình, thôn Hòa An, xã Hợp Đức (Tân Yên) ai cũng tấm tắc khen ngợi. Không chỉ những chùm quả sai trĩu cành, màu vàng sáng mà các cây nhãn được bố trí ngay hàng, thẳng lối; tỉa cành, tạo tán hình mâm xôi rất thuận lợi cho thu hoạch; gốc cây đều sạch cỏ dại.
Với gần 200 gốc nhãn lồng Hưng Yên chính vụ, năm ngoái anh Bình thu được hơn 2 tấn quả, giá bán tại vườn 26 nghìn đồng/kg, trừ chi phí lãi 50 triệu đồng. Còn hơn nửa tháng nữa nhãn mới chín rộ, nếu thời tiết thuận lợi từ giờ đến cuối vụ, dự kiến nhãn cho lượng quả gấp đôi so với năm trước. Hiện anh đang tỉa bớt quả lép, kẹ, cành tăm hương để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Anh Bình cho biết: “Với cách làm này, khi thu hoạch không mất công loại bỏ quả xấu mà chỉ việc cắt chùm bỏ vào thùng xốp, rút ngắn được thời gian thu hái. Cũng nhờ vậy mà quả đều đẹp, ít bị rụng hay dập vỡ”.
Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Yên, thôn Hòa Minh dự kiến cũng có thu nhập cao trong mùa nhãn năm nay. Với hơn 110 cây nhãn từ 5 - 6 tuổi, vụ này bà ước thu 4 tấn quả. Cứ vài ngày, bà Yên lại bơm nước tưới nhãn một lần để chống hạn và phòng trừ bọ xít, rầy, rệp, nấm hại nhãn.
Nhận thấy chất đất phù hợp, hiệu quả kinh tế khá từ cây nhãn, những năm gần đây, người dân xã Hợp Đức tích cực mở rộng diện tích trồng nhãn. Đến nay, xã có 50 ha nhãn nằm rải rác ở tất cả các thôn, một số hộ đã làm giàu từ cây trồng này. Tại Tân Yên, ngoài Hợp Đức, nhãn còn được trồng nhiều ở các xã: Phúc Hòa, Liên Sơn, Nhã Nam… với tổng diện tích toàn huyện hơn 400 ha, sản lượng vụ này ước đạt hơn 3 nghìn tấn.
Cùng với nông dân Tân Yên, nhiều người làm vườn ở huyện Lạng Giang cũng chung niềm vui được mùa. Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Lạng Giang có khoảng 200 ha nhãn, tập trung ở các xã: Tân Thịnh, Hương Lạc, Tân Thanh và Tiên Lục, hiện nhiều vườn quả bắt đầu cho thu hoạch. Anh Nguyễn Văn Quý, thôn Ao Dẻ, xã Hương Lạc cho biết: “Ước cả vụ này tôi thu được 3 tấn quả. Trước kia hai mẫu vườn trồng toàn nhãn thóc, quả nhỏ, cùi mỏng. Từ năm 2008, tôi đã ghép cải tạo cả vườn bằng giống nhãn lồng Hưng Yên để nâng cao năng suất, chất lượng quả, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn”.
Tại huyện Lục Nam, với 620 ha nhãn tập trung tại các xã: Đan Hội, Lục Sơn, Đông Phú, Đông Hưng, sản lượng nhãn vụ này ước đạt 5 nghìn tấn, tăng 500 tấn so với năm trước; huyện Lục Ngạn ước thu gần 7 nghìn tấn nhãn, nhiều hộ ở xã Thanh Hải, Giáp Sơn, Quý Sơn thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ.
Tiến tới xây dựng vùng nhãn xuất khẩu
Những năm gần đây ngành nông nghiệp, các huyện, thành phố có chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình trồng giống nhãn mới nên diện tích nhãn cho năng suất, chất lượng cao ngày càng mở rộng. Vụ này, giống nhãn mới chiếm 80% cơ cấu giống. Hiện trà nhãn sớm bắt đầu cho thu hoạch, giá bán bình quân 15 - 25 nghìn đồng/kg, thương nhân đến tận vườn thu mua, việc tiêu thụ diễn ra khá thuận lợi. Trà nhãn chính vụ, nhãn muộn thu hoạch vào cuối tháng 7 kéo dài đến cuối tháng 9.
Ông Nguyễn Anh Hoàng, Phó Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo: “Để nhãn cho quả to, chất lượng tốt, từ nay đến lúc thu hoạch, nông dân cần bón phân cân đối, phòng trừ bọ xít, nấm hại nhãn và dơi ăn quả. Đồng thời, thu hoạch sản phẩm đúng độ chín, tránh bị thối rụng và xấu mã”. Ngoài ra để hạn chế tình trạng “năm ăn quả, năm trả cành”, sau thu hoạch cần tỉa cành, tạo tán, bón phân bù dinh dưỡng cho cây.
Được biết, hiện nay cơ cấu các trà nhãn tương đối hợp lý. Đây cũng là cây trồng rải vụ, vận chuyển dễ, tăng thu nhập cho nông dân. Do đó từ nay đến năm 2020, ngành nông nghiệp định hướng mở rộng diện tích nhãn toàn tỉnh lên hơn 3 nghìn ha trên chân đất ven sông, suối hoặc đất cấy lúa kém hiệu quả. Việc Bộ Nông nghiệp Mỹ đồng ý nhập khẩu nhãn của Việt Nam mở ra cơ hội vươn xa cho loại quả này của tỉnh. Vì thế, cùng với định hướng tăng quy mô sản xuất, ngành cũng dự kiến xây dựng vùng trồng nhãn theo quy trình GlobalGAP, cấp 1 - 2 mã vùng để xuất khẩu nhãn vào Mỹ và một số thị trường khác vào các vụ tới./.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm nay toàn tỉnh có hơn 2,2 nghìn ha nhãn, trong đó diện tích được thu hoạch 1,8 nghìn ha, tăng 300 ha so với cùng kỳ năm ngoái và là năm tiếp tục được mùa. Hầu như vườn nào cũng sai quả, năng suất nhãn bình quân ước đạt 70 - 80 tạ/ha, sản lượng hơn 15 nghìn tấn, tăng 2 nghìn tấn so với năm ngoái.
Có thể bạn quan tâm
Thả giống ra biển là hoạt động được tỉnh Cà Mau tổ chức thường xuyên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản đang có nguy cơ cạn kiệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư, đặc biệt là ngư dân ven biển không sử dụng các biện pháp khai thác tận diệt, cùng chung tay bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản một cách bền vững.
Nếu như giai đoạn 2005-2010, tỉnh Hưng Yên đã rất thành công với chương trình “sind hoá” đàn bò, góp phần đưa tỉ trọng đàn bò lai sind trong toàn tỉnh đến nay đạt trên 95% tổng đàn, nâng tỉ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi lên trên 45% trong tổng cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp.
Bộ NNPTNT đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam về kế hoạch xả nước hồ chứa thủy điện tại các tỉnh miền Trung phục vụ sản xuất do tình hình xâm nhập mặn cộng với hạn hán cục bộ đang khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Sở NN & PTNT Hà Nội, lúa vụ xuân năm 2014 trỗ tập trung vào các ngày từ 10 - 15/5. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết âm u, thiếu ánh sáng, nên hiện nay hầu hết diện tích lúa xuân đều có biểu hiện thừa đạm.
Với mục đích khai thác tiềm năng của địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập và giúp người dân có định hướng để thoát nghèo bền vững, xã Nam Cường (Chợ Đồn - Bắc Kạn) triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ nuôi dê. Qua gần hai năm thực hiện, Dự án đã có những kết quả khả quan.