Mua Bán Phân Bò, Nguy Cơ Lây Lan Dịch Bệnh

Phú Yên đang có dịch lở mồm long móng (LMLM) gia súc ở một số xã. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, các ngành chức năng đã cấm vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc ra khỏi vùng dịch. Tuy nhiên lại rất khó kiểm soát phân bò khi nó đang là mặt hàng được mua bán khá rộ.
Tại thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân), nơi đang có dịch LMLM, tình trạng dịch bệnh lây lan tại khu vực này rất nhanh. Bùng phát dịch từ ngày 14/6, từ hộ nuôi của ông Võ Văn Sáu (Kiều) sau đó một tuần, số bò mắc bệnh lây lan lên đến 64 con, với 32 hộ nuôi trong vùng. Hiện nay, các ngành chức năng phun thuốc tiêu độc khử trùng, đồng thời dựng biển cảnh báo khu vực có dịch nghiêm cấm vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc ra khỏi vùng dịch. Tuy nhiên, cũng tại khu vực này đang rộ lên phong trào mua bán... phân bò, các điểm tập kết phân bò rải rác dọc theo suốt chiều dài của thôn.
Theo quan sát của phóng viên, phân bò tập kết tại các điểm chờ bốc lên xe chứa trong các bao tải, có những bao bị rách, phân bò rơi vãi, gặp trời mưa chảy tràn ra đường gây mất vệ sinh công cộng. Ông Phạm An Vương, cán bộ thú y xã Xuân Quang 3 cho biết: “Chúng tôi đã làm việc trực tiếp với các chủ điểm thu mua phân bò, buộc họ ký biên bản cam kết trong thời gian này không được vận chuyển phân bò ra khỏi vùng có dịch”.
Việc vận chuyển bò và sản phẩm từ bò được quản lý nghiêm ngặt đối với vùng có bò mắc bệnh LMLM số lượng lớn đủ điều kiện công bố dịch, còn đối với những xã lân cận giáp ranh với thôn Thạnh Đức có bò mắc bệnh LMLM số lượng ít chưa đủ điều kiện công bố dịch thì phân bò được tự do vận chuyển.
Đáng lo ngại hiện nay không chỉ ở huyện Đồng Xuân mà trên địa bàn các huyện từ đồng bằng đến miền núi của tỉnh đang rộ lên phong trào mở đại lý mua bán... phân bò. Để có sản phẩm đi tiêu thụ, các đại lý không ngần ngại lùng sục đến tận các xã vùng cao như Ea Trol, Ea Bar (Sông Hinh), xã Sơn Long, Sơn Định (Sơn Hòa) mua phân bò.
Tại đây họ còn đặt các “chi nhánh” thu mua. Anh Nguyễn Xuân Cường, chủ đại lý mua bán phân bò ở thôn Phú Điềm (xã An Hòa, Tuy An), cho biết: “Tôi theo nghề này đã 5 năm, làm ăn thấy được nên dốc sức đầu tư. Hiện tôi đang mở chi nhánh tại xã Sơn Long”. Anh Cường nhẩm tính, chỉ tính riêng huyện Tuy An đã có đến 50 đại lý. Phân bò đang là mặt hàng giúp tăng thu nhập cho nhiều người nông dân.
Bà Nguyễn Thị Nga ở xã Xuân Sơn Nam (Đồng Xuân) cho biết, nuôi 5 con bò trung bình một tháng bán được 300.000 đồng từ phân bò. Chưa có con số thống kê chính thức nhưng ước tính trên địa bàn tỉnh Phú Yên, mỗi tháng lượng phân bò xuất đi các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk lên hàng trăm tấn.
Theo Chi cục Thú y Phú Yên, gia súc mắc bệnh LMLM thải virus trong nước bọt, sữa, tinh dịch, phân, nước tiểu và hơi thở. Virus có thể sống sót bên ngoài vật chủ trong vài tháng. Virus LMLM truyền từ nơi này sang nơi khác nhờ bám vào xe cộ, quần áo. Trong điều kiện khí hậu mát và ẩm, virus có thể theo gió đi rất xa.
Related news

Những ngày qua, nhiều địa phương trong tỉnh Đồng Tháp rộ lên thông tin có thương lái nước ngoài thu gom chuối để xuất khẩu với số lượng không giới hạn làm cho giá chuối tăng vọt, nhiều nhà vườn rất phấn khởi vì chưa bao giờ trồng chuối lại lãi cao đến vậy.

Sau hơn hai năm đi vào họat động, câu lạc bộ (CLB) khuyến nông xã Hương Phong, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế) giúp cho hàng chục hộ dân vươn lên thoát nghèo từ mô hình nuôi ếch.

Sau nhiều năm nuôi thả nghêu, năm được mùa, năm mất mùa do thiên tai... đến năm 2013, những người nuôi nghêu ở xã Quảng Minh (Hải Hà - Quảng Ninh) đã chủ động được hơn khi có sự bảo hộ của Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thuỷ hải sản Minh Hà - một tổ chức do chính họ lập ra.

Chăn nuôi heo là một trong những lĩnh vực quan trong trong sản xuất nông nghiệp ở Sóc Trăng. Những năm qua dịch bệnh tái phát đã làm cho hiệu quả kinh tế chăn nuôi heo không ổn định. Tuy vậy những hộ chăn nuôi trang trại với những giống heo chất lượng và biết áp dụng tốt tiến bộ kỹ thuật đã vượt qua những thời điểm khó khăn nhất.

Trung tuần tháng 3, nông dân Phú Yên thu hoạch lứa dưa đợt đầu nhưng gặp nhiều khó khăn do giá giảm. Hiện nay người trồng dưa đang thu hoạch lứa 2 và cũng đối mặt với giá rẻ như cho không. Dưa rớt giá liên tục làm người trồng dưa lỗ vốn, lâm cảnh nợ nần.