Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Một Mô Hình Nuôi Bồ Câu Pháp Hiệu Quả

Một Mô Hình Nuôi Bồ Câu Pháp Hiệu Quả
Ngày đăng: 29/12/2014

Trong những năm gần đây mô hình nuôi bồ câu Pháp theo hướng công nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao do chi phí đầu tư ít, không chịu nhiều rủi ro nên được nhiều hộ nông dân lựa chọn. Một trong số đó là mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của hộ gia đình anh Lê Văn Hồng ở thôn Tây Giang, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Việc nuôi chim bồ câu Pháp của anh Hồng bắt đầu từ năm 2012. Sau khi tình cờ đọc được mô hình nuôi bồ câu Pháp trên một tờ báo, nhận thấy đây là một mô hình mới, có nhiều triển vọng, phù hợp với điều kiện của địa phương, anh quyết định vào Quảng Nam mua 30 cặp giống về nuôi thử, mỗi cặp giá 450 nghìn đồng.
Qua quá trình nuôi thử, thấy bồ câu Pháp dễ nuôi, ít dịch bệnh, thức ăn đơn giản, chủ yếu là thóc và ngô, thịt lại là thực phẩm giàu dinh dưỡng, người dân có nhu cầu sử dụng cao, lại không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc, anh quyết định thực hiện mô hình này. Nhờ làm tốt khâu chăm sóc nên đàn bồ câu của gia đình anh cứ tăng dần qua từng tháng.
Là nông dân, từng trải qua nhiều năm kinh nghiệm chăn nuôi nên anh Hồng đã rút ra được một bài học quý báu đó là nuôi bồ câu cũng như nuôi các loại gia cầm khác, điều quan trọng nhất là con giống, vệ sinh chuồng trại, cách phòng dịch và thức ăn. Để bảo đảm an toàn phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại và phun thuốc phòng ngừa dịch bệnh cho đàn bồ câu. Thực hiện tốt các điều kiện cơ bản đó coi như thành công một nửa.
Theo anh Hồng, chim bồ câu dễ nuôi, sức đề kháng cao, ít bệnh tật, sinh sản nhanh và dễ tiêu thụ. Tuy nhiên, muốn đạt hiệu quả kinh tế cao thì khâu chọn giống là quan trọng nhất, nên chọn chim bồ câu giống có lông bụng dày mượt, không có dị tật, lanh lợi. Bên cạnh đó, người nuôi cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện về vệ sinh môi trường và theo dõi sự phát triển của đàn chim từ lúc đẻ, ấp trứng cho đến lúc trưởng thành.
Muốn vậy, chuồng trại phải bố trí nơi cao ráo, thoáng mát, yên tĩnh và đủ ánh sáng mặt trời, bảo đảm tránh mưa và không có gió lùa. Vợ chồng anh bố trí chuồng trại trên nền xi măng cao và kiên cố để tránh những thiệt hại do thời tiết gây ra. Trong diện tích 120m2 chuồng nuôi, anh chia làm 240 ô, mỗi ô 2 con chim giống bố mẹ, trong ô đặt một ổ đẻ lót bằng rơm khô. Ngoài ra còn có máng ăn, máng uống, lúc nào cũng sạch sẽ và thay rửa thường xuyên, tránh bị phân và lông chim làm ô nhiễm.
Bồ câu Pháp thường sinh sản rất nhanh, từ chim giống đến khi sinh sản được chỉ mất khoảng 2,5 - 3 tháng, mỗi lần bồ câu đẻ hai trứng, ấp khoảng 20 ngày là nở . Nếu nuôi chim để làm giống thì tiến hành tách chim non khỏi chim mẹ khi chúng được 30 - 40 ngày tuổi, đối với nuôi chim lấy thịt là 18 ngày tuổi.
Tùy thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng của chim mà có thể dùng nhiều loại thức ăn như: lúa, gạo, cám trộn lẫn...; cần cho chúng ăn thêm thức ăn công nghiệp, nhằm bổ sung khoáng chất và vitamin; cho chim ăn 2 lần trong ngày, buổi sáng và buổi chiều; nước uống của chim phải sạch sẽ và thay hàng ngày. Vào ban đêm có thời tiết lạnh, có thể lắp thêm đèn để sưởi ấm cho chim.
Như vậy, có thể thấy, quá trình sinh sản của chim bồ câu liên tục và khá nhanh, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Với 100 cặp chim bồ câu ở độ tuổi đang sinh sản, mỗi tháng gia đình anh Hồng có khoảng 45 cặp chim bồ câu vừa giống vừa thịt. Nếu tính giá 1 cặp chim giống hiện bán trung bình 150.000 - 450.000 đồng, giá chim thịt khoảng 100.000 đồng/cặp thì mỗi tháng gia đình anh Hồng có nguồn thu từ 9 - 10 triệu đồng.
Giá thức ăn cho bồ câu vào khoảng 8.000 đồng/1kg, một ngày trung bình 100 cặp chim ăn hết 10 kg thức ăn, một tháng khoảng 3 tạ thì chi phí thức ăn chỉ hết khoảng 2 đến 3 triệu đồng. Như vậy, mỗi tháng, sau khi trừ đi các khoản chi phí, anh Hồng có lãi từ 5 - 6 triệu đồng. Đối với một người làm nghề nông thì đây là một nguồn thu nhập rất đáng kể.
Anh Hồng cho biết: Mô hình nuôi bồ câu Pháp đang được mở rộng trong xã. Với các hộ gia đình thuần nông, điều kiện kinh tế khó khăn, đây là hướng làm kinh tế hiệu quả để thoát nghèo.


Có thể bạn quan tâm

Chăn nuôi gia cầm sống còn trước hội nhập Chăn nuôi gia cầm sống còn trước hội nhập

Ngày 28-7, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai phối hợp Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ tổ chức họp báo bàn về giải pháp gỡ khó cho chăn nuôi gia cầm trong giai đoạn hiện nay. Dịp này, 2 bên cùng ký biên bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương… đề nghị điều tra chống bán phá giá với mặt hàng thịt gà nhập khẩu.

04/08/2015
Chi cục Phát triển nông thôn cấp bò sinh sản tại xã Gia Hòa 2 (Sóc Trăng) Chi cục Phát triển nông thôn cấp bò sinh sản tại xã Gia Hòa 2 (Sóc Trăng)

Chiều ngày 29-7, tại UBND xã Gia Hòa 2 (Mỹ Xuyên - Sóc Trăng), Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị hữu quan tổ chức cấp bò sinh sản cho một số hộ dân trên địa bàn xã Gia Hòa 2.

04/08/2015
Lục Nam hỗ trợ nuôi gà Đông Tảo Lục Nam hỗ trợ nuôi gà Đông Tảo

Trạm Khuyến nông huyện Lục Nam (Bắc Giang) đang triển khai mô hình nuôi gà Đông Tảo thương phẩm cho 10 hộ dân thuộc các xã Tam Dị, Chu Điện, Phương Sơn với tổng kinh phí 90 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện.

04/08/2015
Người chăn nuôi vẫn bị ăn trên lưng Người chăn nuôi vẫn bị ăn trên lưng

Trong chăn nuôi, khâu tiêu thụ đóng vai trò lớn đối với lợi nhuận mang lại cho nông dân. Tuy nhiên, đặc thù lĩnh vực này ở nước ta là hầu hết có quy mô nhỏ lẻ, manh mún dẫn tới chi phí giao dịch cao. Người nông dân chỉ được hưởng lợi nhuận (nếu có) một phần rất nhỏ...

04/08/2015
Kon Tum ngăn chặn kịp thời dịch lở mồm long móng ở đàn bò Kon Tum ngăn chặn kịp thời dịch lở mồm long móng ở đàn bò

Ông Hà Thanh Lâm, Phó Trạm trưởng Trạm Thú y thành phố Kon Tum cho biết, nhờ phát hiện sớm và triển khai các biện pháp nghiệp vụ, ngành chức năng tỉnh Kon Tum đã ngăn chặn kịp thời ổ dịch lở mồm long móng ở đàn bò của 2 hộ gia đình trên địa bàn thôn Đăk Led, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum. Hiện đàn bò gồm 8 con mắc dịch lở mồm long móng đã được chữa trị và đã ăn uống bình thường.

04/08/2015