Dự Án Heifer Giúp Nông Dân Phát Triển Kinh Tế

Năm 2009, huyện Tháp Mười được chương trình Heifer Việt Nam và tỉnh Đồng Tháp chọn thực hiện Dự án nâng cao đời sống nông hộ với mô hình phát triển cộng đồng (gọi tắt là Dự án Heifer) tại 2 xã Láng Biển và Mỹ Hòa. Dự án đã giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Tham gia Dự án có hơn 180 hộ dân của 2 xã được mượn trên 260 con bò và heo giống. Các hộ này mượn bò hoặc heo giống hậu bị ban đầu để nuôi cho đến khi sinh sản lứa đầu tiên thì chuyển giao cho hộ mới tại địa phương. Dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp cho nhiều hộ dân có điều kiện chăn nuôi vươn lên ổn định cuộc sống. Cô Trần Thị Ánh Nguyệt ở ấp 3, xã Láng Biển là một trong những hộ được tham gia Dự án Heifer.
Cô Nguyệt cho biết: “Cuối năm 2009, tôi được mượn một con bò giống. Nhờ chăm sóc tốt, năm sau bò giống sinh được một con nghé cái. Sau đó, tôi chuyển giao bò giống cho hộ khác ở địa phương. Đến nay, đàn bò của tôi phát triển lên 3 con, trị giá trên 60 triệu đồng.
Giờ đây, kinh tế gia đình tôi đã khá ổn định”. Cũng như cô Nguyệt, hộ chị Ngô Thị Nga ở ấp 2, xã Láng Biển và chú Lê Văn Trị ở ấp 4, xã Mỹ Hòa được mượn gia súc từ Dự án Heifer, cảm thấy rất phấn khởi vì kinh tế gia đình đã phát triển hơn trước nhiều.
Bên cạnh việc cho mượn con giống, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho nông dân, Dự án Heifer còn cho các hộ này vay vốn sản xuất nhỏ, sửa chữa chuồng trại, làm hầm biogas... Ở xã Láng Biển thành lập được 6 Tổ tương trợ (thành viên là những hộ tham gia Dự án) nhằm giúp đỡ nhau về kỹ thuật chăn nuôi; góp quỹ tiết kiệm...
“Tổ tương trợ ở ấp 3 có 25 người, hàng tháng các thành viên góp quỹ tiết kiệm. Số tiền này sẽ cho thành viên trong tổ vay với lãi suất thấp để phục vụ cho việc chăn nuôi, buôn bán nhỏ. Qua đây, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong các hộ dân cũng thắt chặt hơn. Đến nay, quỹ tiết kiệm của Tổ tương trợ ở ấp 3 được hơn 20 triệu đồng” - Cô Trần Thị Ánh Nguyệt (Tổ trưởng Tổ tương trợ ấp 3) cho hay.
Ban Quản lý Dự án Heifer ở các xã cũng thường xuyên họp và phân công cán bộ thú y xã phụ trách theo dõi, giúp đỡ các hộ chăn nuôi về kỹ thuật đồng thời đôn đốc, nhắc nhở bà con thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc chuyển giao con giống.
Ông Lê Văn Thanh - Cán bộ thú y phụ trách Dự án Heifer tại xã Láng Biển cho biết: “Lúc mới chuyển giao Dự án, địa phương phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho bà con về xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi bò, heo. Dự án đã góp phần giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế, cất được nhà, mua được xe, cải thiện đời sống. Từ khi tham gia dự án đến nay, trung bình mỗi ấp có hơn 10 hộ dân thoát nghèo”.
Qua 5 năm thực hiện dự án Heifer tại xã Láng Biển và Mỹ Hòa đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Nhiều hộ có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng còn một số khó khăn như công tác quản lý chưa chặt chẽ; một số hộ nuôi chưa ý thức cao trong việc chuyển giao con giống, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh...
Vì vậy để duy trì và phát huy hiệu quả của Dự án, trong thời gian tới Ban quản lý Dự án Heifer huyện Tháp Mười tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho bà con, tăng cường quản lý việc chuyển giao gia súc, đồng thời tuyên truyền vận động hộ chăn nuôi duy trì đàn bò và heo.
Có thể bạn quan tâm

Thời gian gần đây, thương lái đổ xô về các nhà vườn ở Đồng Nai thu gom sầu riêng theo hình thức bao tiêu hết vườn, cắt cả những trái sầu riêng chưa đủ độ già. Sầu riêng bán tại vườn nhanh chóng “sốt” giá, hiện đang ở mức từ 30 - 32 ngàn đồng/kg, cao hơn khoảng 10 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều nông dân khấp khởi vui mừng vì bán được hàng với giá cao.

Lần đầu tiên trên địa bàn Bình Thuận, một Liên hiệp hợp tác xã (HTX) thanh long đã được hình thành và ra mắt. Sự kiện này được xem là bước ngoặt, với hy vọng góp phần phát triển sản xuất và tiêu thụ trái thanh long, tạo sản phẩm an toàn phục vụ cho thị trường trong và ngoài nước...

Đó là anh Phan Thanh Nhàn, hội viên Hội Nông dân phường 11 (TP.Vũng Tàu). Từ giống nhãn xuồng cơm vàng của gia đình, anh Nhàn tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chiết, ghép và nhân rộng giống, góp phần đưa giống nhãn đặc biệt này đi khắp mọi nơi.

Tham gia chương trình tôn vinh sản phẩm nông nghiệp năm 2014 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chỉ đạo, Bến Tre có 3 sản phẩm được Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ chọn gửi dự thi gồm: bưởi da xanh (Tổ hợp tác bưởi da xanh Thành Triệu, huyện Châu Thành), nhãn xuồng cơm vàng (xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại), dừa xiêm xanh (xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm).

“Nếu có đầu ra ổn định thì tính về hiệu quả kinh tế, khó có cây trồng nào qua thanh long”-anh Nguyễn Đức Hoàng, chủ nhân 500 gốc thanh long ở thôn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai khẳng định như vậy sau hơn 3 năm gắn bó với loại cây này.