Chư Sê (Gia Lai) Xuất Hiện Thương Lái Thu Mua Rễ Tiêu Khô
Gần đây, dư luận xôn xao về việc tái xuất hiện thương lái lùng mua gốc, rễ tiêu ở xã Ia Blang-huyện Chư Sê (Gia Lai). P.V Gialaionline đã trực tiếp về địa phương, làm việc với người dân và chính quyền địa phương để tìm hiểu vấn đề này.
Không có chuyện thu mua ồ ạt
Theo tài liệu của cơ quan Công an huyện Chư Sê, sáng 15-4, qua theo dõi và nắm bắt tình hình, lực lượng chức năng đã bắt quả tang, lập biên bản tạm giữ 12 bao rễ tiêu khô (khoảng 200 kg) do ông Mai Xuân Dũng (trú tại thôn 4-xã Ia Blang-huyện Chư Sê) đang tập kết trên quốc lộ 14, chờ xe đưa đi nơi khác tiêu thụ. Ông Dũng đã được đưa về trụ sở UBND xã Ia Blang cùng toàn bộ số rễ tiêu khô để điều tra làm rõ.
Ông Dũng khai: Vào khoảng tháng 6-2013, ông Lê Thành Thiết (phường Tây Sơn-TP. Pleiku) có đặt vấn đề với ông Dũng về việc mua rễ cây tiêu. Tháng 10-2012, anh Lê Phước Tiến (cùng trú tại xã Ia Blang) có nhu cầu phá bỏ, tái canh lại vườn tiêu già cỗi nên Dũng đã liên lạc trở lại với ông Thiết để thông báo tình hình và tiến hành thu gom số gốc, rễ tiêu trong vườn anh Tiến được 450 kg khô.
Tháng 12-2012, ông Thiết dẫn theo Nguyễn Ngọc Thúy (tên gọi khác là Bé), quê gốc ở Nha Trang và hiện lấy vợ ở phường Tây Sơn (TP. Pleiku) xuống nhà ông Dũng trực tiếp cân và trả cho ông Dũng số tiền 15,3 triệu đồng; còn nợ lại 2 triệu đồng với lời hẹn khi nào gom được số lượng lớn sẽ đem về Pleiku tiêu thụ.
Từ thời điểm đó, ông Dũng cùng vợ con tiếp tục thu gom thêm được khoảng 2 tấn rễ, gốc tiêu từ các vườn cây già cỗi, người dân phá bỏ để trồng thay thế. Số gốc và rễ tiêu này được ông Dũng cất trữ tại nhà riêng.
Thời gian này, trên các phương tiện thông tin đại chúng và chính quyền địa phương đến nhà vận động, tuyên truyền về vấn đề mua bán rễ, gốc tiêu khô, ông Dũng đã liên lạc với ông Thúy để thông báo tình hình không thể tiếp tục việc thu gom, ông Thúy đã dẫn theo 2 người Trung Quốc tới gặp gỡ trực tiếp chính quyền địa phương. Các thương lái Trung Quốc có giải thích rằng, họ mua rễ và gốc tiêu về để làm thuốc chữa bệnh.
Đến tháng 3 năm nay, thấy tình hình có vẻ lắng xuống, khi có thông tin 3 hộ dân trong xã phá bỏ vườn tiêu già cỗi, ông Dũng tiếp tục thu gom được khoảng 200 kg rễ tiêu khô. Liên lạc với ông Thúy, người này đưa ra mức giá 45 ngàn đồng/kg rễ tiêu khô (không còn mua gốc).
Lần này, thay vì làm việc trực tiếp, ông Thúy sắp đặt xe đón hàng trên quốc lộ 14 để chuyển về Nha Trang, tiền bạc và thông tin tất cả sẽ thông qua nhà xe. Khi ông Dũng chuyển số hàng trên ra địa điểm tập kết thì bị ngành chức năng địa phương phát hiện, tạm giữ.
Làm việc với chúng tôi về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Nguyên-Chánh Văn phòng UBND huyện Chư Sê, khẳng định: Đây cũng là trường hợp phát hiện duy nhất trong thời gian vừa qua trên địa bàn huyện, không phải ồ ạt như dư luận phản ánh. Ngay khi phát hiện vụ việc, chính quyền địa phương đã nhanh chóng triển khai các biện pháp xử lý nhanh vụ việc, đồng thời nâng cao tuyên truyền, kiểm soát trong nhân dân để ngăn chặn tình trạng này.
Cần nâng cao cảnh giác
Làm việc với ông Dũng, chính quyền và ngành chức năng địa phương đã cung cấp một số thông tin, yêu cầu ông Dũng và gia đình ngừng việc thu gom, không tổ chức mua bán để thu gom rễ tiêu làm phức tạp tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. “Theo đánh giá ban đầu, hiện phạm vi thu gom mới chỉ nằm ở mức độ gia đình, nguồn thu gom từ các vườn tiêu già cỗi trên địa bàn mà người dân có nhu cầu phá bỏ.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng việc thu mua rễ tiêu có liên quan đến người Trung Quốc tại địa bàn xã Ia Blang nhằm mục đích phá hoại thị trường nông sản nên nếu không có biện pháp ngăn chặn, vận động kịp thời sẽ dễ lây lan sang các địa bàn khác, gây tình trạng bất ổn trong việc thu mua các loại nông sản trên địa bàn, tạo điều kiện cho các đối tượng xấu lợi dụng để phá hoại kinh tế” - ông Lê Sỹ Quý - quyền Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Sê, cho biết.
Được biết, cách đây khoảng 2 năm, tại địa bàn huyện Chư Sê cũng đã rộ lên tình trạng thương lái lùng mua gốc, rễ tiêu khô. Sau khi chính quyền địa phương vào cuộc, vấn đề thu mua gốc, rễ tiêu cơ bản đã lắng xuống.
“Tâm lý người dân thường rất e dè với những gì liên quan đến thương lái Trung Quốc cộng với giá gốc, rễ tiêu cũng không cao nên việc chặt bỏ tiêu sống lấy gốc, rễ bán là điều không tưởng-trừ khi là tiêu già cỗi bắt buộc phải thay thế và người dân tận dụng.
Vấn đề nghiêm trọng là ở chỗ, từ nguồn hàng thu mua khó hiểu này (vì trước nay người dân chưa từng sử dụng hay buôn bán gốc, rễ tiêu) sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, tạo điều kiện cho các đối tượng trộm cắp phá hoại vườn tiêu của nhân dân, xa hơn là phá hoại nền kinh tế. Hiện nay, chúng ta cũng chưa biết rõ được, rễ và gốc tiêu khô được thương lái mua về sử dụng chính xác là vào mục đích gì nên rất khó để kiểm soát…”-ông Quý, phân tích thêm.
Chư Sê là vựa tiêu lớn bậc nhất nước với khoảng hơn 2.500 ha. Thương hiệu hồ tiêu Chư Sê đang là một trong những mũi nhọn của nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.
Bởi vậy, chúng ta phải nâng cao hơn nữa ý thức cảnh giác với mọi hoạt động bất thường khi chưa biết rõ lý do, đặc biệt là những vấn đề có xen lẫn lợi ích kinh tế. Để làm được điều đó cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hai phía: chính quyền và người dân.
Trong vai những người dò hỏi tìm nguồn thu mua rễ và gốc tiêu, chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu của người dân trồng tiêu kèm theo lời giải thích cặn kẽ và rõ ràng của họ-những người nắm giữ khả năng cung cấp gốc, rễ tiêu: Chỉ có tiêu chết hoặc tiêu già cỗi cần phá bỏ người ta mới bán rễ tiêu kiếm ít đồng, chứ chẳng ai dại gì phá bỏ trụ tiêu đang cho thu hoạch bình thường.
“Mỗi trụ bình thường một năm cho thu nhập bạc triệu, ai dại gì phá bỏ lấy vài chục đồng bạc”-bà Nguyễn Thị Gái-một trong những hộ trồng khá nhiều tiêu ở thôn 4-xã Ia Blang-huyện Chư Sê, cho biết như vậy.
Có thể bạn quan tâm
Một thời gian dài, cây hồ tiêu được xem là cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cao của nông dân xã Văn Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, những vườn tiêu hàng nghìn gốc của bà con nơi đây bỗng dưng chết rụi…
Hiện nay có rất nhiều mô hình làm kinh tế của đoàn viên, thanh niên trong huyện Cái Nước (Cà Mau) mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó phải kể đến mô hình nuôi thỏ giống của anh Nguyễn Văn Trạng, Bí thư Chi đoàn ấp Ngọc Tuấn, thị trấn Cái Nước.
Sau khi thất thu ở vụ đầu năm, đây là thời điểm người dân nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Tuy Phong phấn khởi vì tôm thu hoạch được mùa lẫn được giá.
Vỗ béo bò trước khi bán mang lại hiệu quả cao nhờ tăng khối lượng và chất lượng thịt. Vỗ béo là biện pháp tích cực để phát huy khả năng sinh trưởng bù của bò khi ở giai đoạn trước không nuôi thâm canh.
Mặc dù giá cá giống đã giảm khoảng một nửa (chỉ còn trên 20.000 đồng/kg) nhưng vẫn không bán được. Nhiều ao cá giống đang quá lứa khiến người ương nuôi cá giống gặp nhiều khó khăn.