Một Kinh Nghiệm Thoát Nghèo Bền Vững
Hiện, Mỏ Cày Nam (Bến Tre) đang có nhiều mô hình thoát nghèo, trong đó anh Nguyễn Văn Út đã thoát nghèo bền vững nhờ tích lũy nhiều kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi.
Năm 2009, hộ anh Nguyễn Văn Út được UBND xã xem xét đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 6 triệu đồng để chăn nuôi. Số tiền này cộng với 2 triệu đồng dành dụm đủ để mua một con bò cái. Đến năm 2011, bò cái đẻ ra một con bò đực, vài tháng sau anh Út bán được 4 triệu đồng. Giữa năm 2011, bò cái có chửa được 5 tháng, anh Út bán được 6 triệu đồng. “Để dứt nợ ngân hàng và thoát nghèo bền vững, tôi lấy 6 triệu đồng và tiền lãi trả hết cho ngân hàng. 4 triệu đồng nhờ bán bò con tôi trích ra một ít để mua 300 con gà nòi lai về thả vườn” - anh Út cho biết hướng đi mới trong chăn nuôi của gia đình.
Nói về kinh nghiệm trong chăn nuôi, anh Út cho biết, bò ít bệnh, dễ nuôi nhưng thời gian nuôi bò vỗ béo kéo dài đến 2 năm mới bán được. Nuôi bò sinh sản thì mau kiếm tiền nhưng không nhiều. Để nuôi bò vỗ béo hay bò sinh sản, nền chuồng phải tráng xi-măng vì bò không chịu nền ẩm ướt. Cỏ nuôi bò nên đổi thường xuyên và phải cho ăn rơm.
Năm 2011, anh Út nuôi đợt I: 300 con gà nòi lai tàu, lời 7,5 triệu đồng. Đợt II, anh nuôi 300 con vẫn là gà nòi lai tàu, lời 7,5 triệu đồng. Từ cuối năm 2011 đến nay, cứ 6 tháng anh bán 1.000 con gà nòi lai tàu thả vườn (mỗi con nặng khoảng 1,5kg). Anh Út cho biết, nói là nuôi gà thả vườn nhưng phải làm chuồng ở đầu bờ để gà ngủ hoặc trú mưa. Chuồng nên cất theo hướng Đông hoặc Đông - Nam để đón nắng sáng. Bên trong chuồng nên lót nhiều thanh cây tre, cây cau để gà ngủ. Các thanh cây phải cách mặt đất ít nhất 0,5m và cách nhau 0,3-0,4m. Tuyệt đối không cho gà ăn những thức ăn bị nấm mốc, thối rửa. Gà dễ bị các bệnh: cầu trùng, thương hàn, dịch tả, gumboro nên thường xuyên tiêm thuốc ngừa hoặc pha thuốc ngừa vào nước cho gà uống mỗi ngày.
Vừa nuôi gà thả vườn, anh Út vừa làm thêm nghề ấp gà. Ban đầu ít vốn, anh Út chỉ đầu tư hai lò ấp gà, mỗi lò ấp khoảng 3.000 trứng. “Thấy nuôi gà thả vườn cũng chưa thoát nghèo bền vững lắm, tôi làm thêm nghề ấp gà để bán đi các tỉnh. Trước khi đưa trứng vào ấp phải chọn lựa từng trứng vì mỗi giống gà cho trứng có trọng lượng khác nhau. Vỏ trứng phải sạch, không rạn vỡ. Ở đây, tôi chỉ ấp gà Tàu, gà Đông Tảo, gà nòi lai Tàu, gà Tam Hoàng” - anh Út cho biết. Hiện nay, anh đã đầu tư 8 lò ấp. Từ năm 2012 đến nay, mỗi tháng anh Út xuất khoảng 5.000 gà con đi các tỉnh: Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Bình Phước… “Cứ 5.000 gà con tôi lời khoảng 5 triệu đồng. Cả năm thu lợi nhuận từ gà con ít nhất 50 triệu đồng” – anh Út phấn khởi nói.
Tỷ lệ gà nở đạt 80%, còn gà đạt yêu cầu để bán chỉ đạt từ 50-65%. Số gà phải loại bỏ, anh Út để dành nuôi trăn. Từ khi “có thêm” nghề ấp gà đến nay, mỗi năm anh Út bán 10 con trăn. Trừ chi phí, còn lãi 18 triệu đồng. Thức ăn cho trăn chủ yếu là những con gà cần phải loại bỏ. Hiện nay, anh đang chuẩn bị chuồng để thả nuôi 20 con trăn. Trăn dưới 6 tháng tuổi thì trọng lượng thức ăn phải bằng 30% trọng lượng cơ thể của nó. Nhưng phải chia ra 7-10 lần cho ăn. Khi trăn trên 6 tháng đến 1 năm tuổi thì lượng thức ăn giảm còn 20% so với trọng lượng của nó. Trăn trên 1 năm tuổi thì trọng lượng thức ăn còn 10% so với cân nặng của trăn (cho ăn 2-4 lần/tháng).
Không những nuôi trăn, tận dụng gà chết, anh Út nuôi 600 con cá trê lai gần 2 năm nay. Mỗi con nặng khoảng 1,5kg, thu lời ít nhất 15 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Viễn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Phước Hội cho biết, ở ấp An Vĩnh 2, hộ anh Nguyễn Văn Út là điển hình về thoát nghèo bền vững. Với lợi nhuận mỗi năm gần 100 triệu đồng, anh được nhận danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện. Hộ anh Út thoát nghèo từ năm 2010, đáng để các hộ nghèo học tập rút kinh nghiệm.
Có thể bạn quan tâm
Gắn bó và trồng quýt nhiều năm nay, ông Phạm Văn Thí (ở ấp Bầu Chiên, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được xem là một trong những người trồng quýt giỏi ở vùng này.
Với 500 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của T.Ư Hội NDVN cho vay để thực hiện dự án nuôi cá nước ngọt, nhiều hộ nuôi cá ở xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa đã đầu tư mua con giống, mở rộng ao nuôi...
Với 32km bờ biển, 81 nghìn ha bãi bồi ven biển và gần 4.000ha đất ngập triều, những năm qua, huyện Giao Thủy (Nam Định) đã tập trung phát triển kinh tế biển trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn” của huyện, trọng tâm là phát triển lực lượng khai thác xa bờ, xây dựng hạ tầng dịch vụ nghề cá và phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện.
“Hơn chục năm trước, có nằm mơ tôi cũng không tưởng tượng mình có thể tạo lập được cơ ngơi như ngày hôm nay. Nhiều người nói việc làm kinh tế của gia đình tôi giống như truyện cổ tích cũng không ngoa”.
Những năm gần đây, nông dân huyện Châu Thành (Long An), chú trọng chuyển đổi từ cây lúa sang trồng thanh long với lợi nhuận cao hơn trồng lúa gấp 2-3 lần.