Dự Án Nuôi Bò Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Dự án chăn nuôi bò thịt được triển khai thực hiện đầu tiên tại 2 xã Phong Thạnh và Tân Phong (huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) từ nguồn quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương. Qua hơn 2 năm thực hiện, dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thêm thu nhập cho nông dân.
Để đảm bảo người dân trong vùng dự án có được giống bò tốt, Hội Nông dân xã Phong Thạnh và Tân Phong đã chủ động đến các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang… để tìm hiểu kỹ con giống rồi về giới thiệu với những hộ được vay vốn nuôi bò. Nhờ cách làm này mà đàn bò trong vùng dự án ít xảy ra dịch bệnh và phát triển rất tốt.
Ông Nguyễn Xuân Tươi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Giá Rai cho biết: “Trước khi triển khai nguồn vốn để thực hiện dự án, Hội Nông dân huyện đã thành lập đoàn xuống cơ sở khảo sát xem có phù hợp để thực hiện dự án hay không.
Cùng với đó, Hội phân công cán bộ phụ trách tìm nguồn bò giống để hướng dẫn bà con mua, tránh tình trạng nguồn giống không rõ ràng, gây thiệt hại cho người nuôi. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương với 650 triệu đồng, mỗi hộ trong vùng dự án được vay vốn mua từ 1 hoặc 2 con (giá từ 13 - 14 triệu đồng/con bò giống). Sau 2 năm thả nuôi đến khi xuất bán, mỗi hộ thu lãi từ 10 - 12 triệu đồng/con bò”.
Lúc đầu dự án triển khai nuôi bò thịt, thế nhưng nhiều hộ nuôi đã nhận ra lợi nhuận từ việc cung cấp bò giống cao hơn nhiều so với việc bán bò thịt. Khi đến kỳ hạn hoàn vốn, nhiều hộ không bán bò mà xuất tiền gia đình trả lại cho Hội Nông dân để tiếp tục phát triển mô hình nuôi bò giống. Nhờ vậy, nguồn vốn được thu hồi rất nhanh và tạo điều kiện tái đầu tư cho những hộ nông dân khác.
Ông Nguyễn Văn Hiểu (ấp 19, xã Phong Thạnh) chia sẻ: “Gia đình tôi rất phấn khởi khi được hỗ trợ vay vốn mua 2 con bò giống. Lúc trước tôi nuôi cá sấu, nhưng do giá cả bấp bênh nên thường bị thua lỗ. Bây giờ nuôi bò tôi thấy ổn định hơn, mà cũng không cực lắm. Tôi có nhiều thời gian làm những việc khác tăng thêm nguồn thu cho gia đình”.
Để dự án nuôi bò phát huy hiệu quả cũng như tránh những tổn thất cho người nuôi (vì vốn đầu tư ban đầu khá lớn), thời gian tới, các ngành chức năng cần mở các lớp tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi bò cho người nuôi…
Có thể bạn quan tâm

Nông dân Đà Lạt đã quen “thâm canh” rau với việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đạt năng suất tối đa. Bởi vậy, khi quay trở lại cách trồng rau kiểu “các cụ” - trồng rau theo hướng hữu cơ - họ đã phải thay đổi rất nhiều trong tư duy và trong thói quen. Làm sao để sản xuất ra những cây rau thương phẩm an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, người nông dân, bảo vệ môi trường cũng là vấn đề được đặt ra khi Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng thực hiện mô hình Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau theo hướng hữu cơ tại thành phố Đà Lạt.

Ông Đặng Phúc, Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật cây trồng Phú Yên cho biết, với 22ha đất sản xuất lúa 2 vụ tại 2 trại giống ở Hòa An (Phú Hòa) và Hòa Đồng (Tây Hòa), mỗi năm, đơn vị cung ứng cho thị trường hơn 220 tấn lúa giống siêu nguyên chủng và nguyên chủng.

Những cuối tháng 10, nông dân xã Vũ An (Kiến Xương) tấp nập làm đất, bón phân, đánh rạch trồng khoai tây. Không ai bảo ai nhưng ai cũng có một mong ước chung là “mưa thuận gió hòa” thu hoạch trước tết để bán được giá cao.

Năm 2013, Trạm Khuyến Nông lâm ngư (KNLN) thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) đã thực hiện mô hình trồng nấm rơm và tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho 30 hộ dân ở phường Thủy Lương và phường Thủy Phương thực hiện mô hình.

Cùng chung niềm đam mê công việc trồng nấm, ngay sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nông lâm TP.HCM, chuyên ngành công nghệ sinh học năm 2012, Cao Ngọc Hải và Bồ Bảo Giang đã xây dựng trang trại trồng nấm linh chi và nấm bào ngư. Bằng sự năng động và vốn kiến thức tích lũy được trong 4 năm đại học, hai chàng trai đã thành công với nghề trồng nấm.