Mô Hình Sản Xuất Rau An Toàn Ở Xã Ninh Đông Mở Ra Triển Vọng Mới
Mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm rau an toàn xã Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã nhận được chứng nhận VietGAP. Điều này đang mở ra hướng đi mới, đầy triển vọng cho nghề trồng rau…
Sản xuất theo chuỗi
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa tổ chức tổng kết mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm rau an toàn xã Ninh Đông và trao chứng nhận VietGAP cho sản phẩm của Tổ liên kết (TLK) sản xuất rau an toàn xã Ninh Đông. Đây là mô hình sản xuất rau an toàn đầu tiên trên địa bàn tỉnh được nhận chứng nhận VietGAP.
Xã Ninh Đông có truyền thống về nghề trồng rau với hơn 200 hộ tham gia sản xuất chủ yếu ở các thôn: Quang Đông, Phú Nghĩa, Phước Thuận. Tuy nhiên, diện tích trồng rau nhỏ lẻ, điều kiện canh tác, giao thông thủy lợi gặp khó khăn.
Nhận thấy thế mạnh về trồng rau ở Ninh Đông, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án và cấp kinh phí đầu tư chuyển đổi 12ha đất trồng lúa kém hiệu quả thành vùng sản xuất rau tập trung. Tuy nhiên, thời gian qua, việc sản xuất rau tại vùng chuyển đổi chưa được triển khai rộng rãi do nhiều nguyên nhân như: thiếu lao động, thiếu vốn, không tìm được đầu ra cho sản phẩm...
Từ thực tế đó, năm 2013, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN-PTNT) đã triển khai mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm rau an toàn xã Ninh Đông nhằm tìm ra hướng đi cho nghề trồng rau tại đây. Chi cục đã vận động 18 hộ dân tham gia mô hình với diện tích sản xuất 2,8ha và thành lập TLK sản xuất rau an toàn xã Ninh Đông.
Chi cục cũng đã phối hợp với Trung tâm Chất lượng nông lâm sản và thủy sản vùng 3 (Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản), Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa tổ chức tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm; các quy phạm thực hành sản xuất (VietGAP), chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, HACCP)... cho thành viên TLK.
Ông Trần Hải Đăng - Tổ trưởng TLK sản xuất rau an toàn xã Ninh Đông cho biết: “Chúng tôi vừa học lý thuyết, vừa được cán bộ Chi cục hướng dẫn kỹ thuật tại vườn. Vì vậy, chúng tôi không chỉ nắm vững kiến thức về áp dụng kỹ thuật VietGAP mà còn thực hành tốt khâu thu hoạch, sơ chế rau quả”.
Ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện mô hình, Chi cục đã đẩy mạnh công tác liên kết tiêu thụ sản phẩm. Chi cục vận động Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Hiệp Nông Phát chi nhánh tại xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa (đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm) tham gia chuỗi liên kết để giải quyết đầu ra cho sản phẩm; tổ chức đưa các đơn vị thu mua rau tham quan vùng sản xuất, trực tiếp trao đổi và cam kết tiêu thụ sản phẩm rau an toàn cho nông dân.
Ngoài ra, để giảm bớt chi phí ban đầu cho các thành viên TLK, Chi cục đã vận động Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật 1 Trung ương Chi nhánh Nam Trung bộ hỗ trợ thiết bị bảo quản thuốc bảo vệ thực vật và dụng cụ xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Những mẫu sản phẩm rau của TLK được gửi đến Trung tâm Chất lượng nông lâm sản và thủy sản vùng 3 để kiểm tra các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.
Kết quả, tất cả mẫu rau đại diện cho các nhóm sản phẩm đều đạt yêu cầu của Bộ Y tế. Vì vậy, Trung tâm Chất lượng nông lâm sản và thủy sản vùng 3 đã cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm rau quả của TLK.
Tiếp cận người tiêu dùng
Tại hội nghị tổng kết, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề làm sao để người tiêu dùng biết đến rau an toàn và có thể mua được rau an toàn.
Theo bà Nguyễn Thị Trang - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, cần có kế hoạch tuyên truyền về sản phẩm rau an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng, triển khai thử nghiệm một số gian hàng bán rau an toàn tại các chợ lớn của TP. Nha Trang như: chợ Đầm, Xóm Mới, Vĩnh Hải.
Ông Vũ Đình Bình - Trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở NN-PTNT) cho rằng, được nhận chứng nhận VietGAP là thành công bước đầu, mở ra một hướng đi mới cho nghề trồng rau truyền thống.
Tuy nhiên, để nông dân yên tâm sản xuất theo VietGAP thì mức thu nhập phải cao hơn sản xuất rau truyền thống. Vì vậy, phải tăng cường sự liên kết trong tiêu thụ, trước hết là liên kết với các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, trường học...
Trao đổi về việc đưa rau an toàn vào siêu thị, bà Lê Thị Thanh Nhàn - Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Nha Trang cho biết: “Siêu thị thu mua sản phẩm trực tiếp từ vườn của nông dân. Việc này đem lại lợi ích cho các bên.
Người trồng không bị ép giá; siêu thị giảm được chi phí trung gian; người tiêu dùng mua được sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng và giá thành thấp hơn. Vì vậy, siêu thị luôn mong muốn liên kết với hợp tác xã, TLK đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn...”.
Tại hội nghị, đại diện TLK, Siêu thị Co.opmart Nha Trang, Siêu thị Maximark đã ký biên bản ghi nhớ liên doanh, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm rau an toàn. Sau khi ký biên bản ghi nhớ, TLK sẽ đưa sản phẩm rau an toàn vào tiêu thụ tại các siêu thị. Đây là thành công bước đầu của mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm rau an toàn xã Ninh Đông, cũng là tín hiệu vui cho nông dân sản xuất rau trên địa bàn tỉnh và người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản: Đến nay, mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm rau an toàn xã Ninh Đông đã thành công và mang lại hiệu quả rất lớn về kinh tế - xã hội và môi trường.
Việc bảo quản, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón... đúng quy định đã hạn chế tác động xấu đến môi trường, cải thiện sức khỏe cho chính nông dân. Việc liên kết với các đơn vị thu mua trên địa bàn tỉnh giúp ổn định đầu ra sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Theo tính toán của các hộ trồng ớt, sau 2 tháng trồng ớt sẽ bắt đầu cho thu hoạch, thời gian thu hoạch liên tục từ 4 đến 5 tháng, sản lượng đạt từ 25 đến 30 tấn/ha, thu nhập bình quân của mỗi ha ớt đạt từ 175 đến 220 triệu đồng (đã trừ chi phí). Với lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với những cây trồng khác nên huyện Yên Định đang chỉ đạo các xã rà soát để mở rộng diện tích trồng ớt trong thời gian tới.
Phòng Kinh tế TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết, kết thúc niên vụ 2013 - 2014, mô hình Cánh đồng mẫu cà phê (do UBND thành phố phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Công ty TNHH Dak Man Việt Nam thực hiện) tại thôn 3, xã Hoà Thuận đã thu được 100 tấn cà phê đạt tiêu chuẩn 4C.
Trong khi bà con trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang bước vào thời điểm thu hoạch rộ lúa Đông xuân, thì bất ngờ giá lúa giảm mạnh trong những ngày gần đây, còn thương lái lại “bỏ của chạy lấy người” đã khiến cho nhiều nông dân như ngồi trên đống lửa.
Năm 2009, HTX thủy sản Rạng Đông (xã Thới Thuận - Bình Đại) xây dựng thành công thương hiệu nghêu Bến Tre đạt tiêu chuẩn MSC (do Hội đồng Biển quốc tế chứng nhận). Không chỉ cả nước mà cả khu vực chỉ có con nghêu Bến Tre được tổ chức này công nhận. Đây là vinh dự lớn, mở ra nhiều cơ hội để con nghêu của HTX nói riêng, nghêu Bến Tre nói chung vươn xa hơn.
Hiện nay 2 trại này đang sản xuất thử nghiệm, gồm trại sản xuất tôm giống Hoàng Thái, xã Hàng Vịnh và Công ty sản xuất tôm giống Thảo Nguyên, xã Hàm Rồng.