Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mòn Mỏi Chờ Tiền Cung Ứng Gạo

Mòn Mỏi Chờ Tiền Cung Ứng Gạo
Ngày đăng: 09/07/2014

Năm nay, đến thời điểm này, hầu hết các DN cung ứng gạo cho chương trình dự trữ quốc gia 2014 đều đang dài cổ chờ được ngành dự trữ thanh toán tiền.

Tháng 3 năm nay, cùng với nhiều DN khác, DNTN Thanh Lịch (Đồng Tháp) đã tham gia đấu thầu cung ứng gạo cho chương trình mua gạo dự trữ quốc gia (kế hoạch 2014). Chương trình do các Cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước thực hiện.

Kết quả, DN đã trúng thầu cung ứng tổng cộng khoảng 1.500 tấn gạo cho các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực tỉnh, thành phố Hải Phòng, Bắc Thái và Tuyên Quang. Song tới nay, DN vẫn chưa được thanh toán tiền...

Cụ thể từ tháng 4/2014, DNTN Thanh Lịch đã bắt đầu tiến hành giao gạo cho các Cục Dự trữ nói trên. Lúc này, DN gặp khó khăn lớn do cước vận tải tăng bởi Bộ GT-VT tiến hành xiết tải trọng. Chẳng hạn, cước chở gạo từ Hải Phòng (nơi tập kết gạo từ ĐBSCL đưa ra miền Bắc theo đường biển) đi Hải Dương tăng 50 đ/kg, đi Hà Nội tăng 100 đ/kg, đi Điện Biên tăng 500 đ/kg …

Trong khi đó, do Bộ Tài chính tính giá sàn gạo chương trình dự trữ quốc gia 2014 rất sát với giá thị trường, nên ở thời điểm trúng thầu, các DN chỉ lời khoảng 50-100 đ/kg. Vì thế, từ ngày 1/4, khi giá cước tăng lên, hầu hết các DN không có lời, thậm chí còn bị lỗ, có DN bị lỗ nặng.

Tuy nhiên, cũng như các DN khác, DNTN Thanh Lịch đã cố gắng thực hiện giao đủ gạo cho các đơn vị của Tổng cục Dự trữ Nhà nước theo đúng như hợp đồng là từ ngày 1/4 đến hết 31/5. Mà chủ yếu là giao gạo trong tháng 4. Các DN đều hy vọng sớm được Tổng cục Dự trữ Nhà nước thanh toán đầy đủ và nhanh chóng tiền như những năm trước đây.

Ông Trần Bảo Toàn, GĐ DNTN Thanh Lịch, cho biết, DN của ông đã tham gia cung ứng gạo cho chương trình dự trữ quốc gia hàng năm, từ năm 1998 đến nay, năm cao nhất cung ứng tới 14.000 tấn. Nhìn chung, năm nào ngành dự trữ cũng tiến hành thanh toán tiền cho các DN khá nhanh chóng, chỉ khoảng 15 ngày sau khi giao đủ gạo là đã được thanh toán tiền, khi nào chậm thì cũng chỉ 20 ngày đến 1 tháng trở lại.

Hiện nay, các DN cung ứng gạo cho chương trình dự trữ quốc gia 2014 chỉ còn biết đề nghị Tổng cục Dự trữ Nhà nước và Bộ Tài chính có trách nhiệm trong việc thanh toán sớm và đầy đủ tiền cho các DN, khi mà họ đã hoàn thành trách nhiệm cung ứng gạo theo hợp đồng.

Nhưng năm nay, đến thời điểm này, hầu hết các DN cung ứng gạo cho chương trình dự trữ quốc gia 2014 đều đang dài cổ chờ được ngành dự trữ thanh toán tiền. Với những DN đến cuối tháng 5 mới thực hiện xong hợp đồng cung ứng gạo, thì cũng đã phải chờ trên 1 tháng. Còn những DN thực hiện hợp đồng ngay từ đầu tháng 4, thời gian chờ đợi đã là 3 tháng.

Ông Trần Bảo Toàn bức xúc: “Tiền mua gạo để cung ứng cho chương trình dự trữ quốc gia, chúng tôi đều phải thế chấp nhà xưởng để vay tiền ngân hàng với lãi suất 10-12%/năm. Tháng nào chúng tôi cũng phải trả lãi ngân hàng trên 100 triệu đồng.

Trong bối cảnh khó khăn vì giá cước tăng cao, DN bị lỗ nặng, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện đúng hợp đồng. Vậy mà đến nay, đã 2 tháng trôi qua, DN của tôi vẫn chưa được thanh toán một đồng nào từ Tổng cục Dự trữ Nhà nước”.

Phải gồng mình trả lãi ngân hàng do bị ngành dự trữ chậm trễ thanh toán tiền bạc, nhưng các DN chỉ biết kêu trời, bởi hợp đồng cung ứng gạo cho chương trình dự trữ quốc gia mang nặng tính áp đặt từ Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

Ông Trần Bảo Toàn cho hay, trong các hợp đồng đều ghi: “Khi nào các cục dự trữ lấy được tiền của Nhà nước thì trả cho các DN bán gạo”. Với điều khoản này, nếu ngành dự trữ chậm trễ thanh toán 2 tháng, 3 tháng hay lâu hơn nữa thì có lẽ các DN cung ứng gạo chỉ còn biết tiếp tục cắn răng trả lãi ngân hàng mà thôi.

Ngoài ra, theo ông Trần Bảo Toàn, mỗi năm, Tổng cục Dự trữ tiến hành mua khoảng 200 ngàn tấn gạo cho chương trình dự trữ quốc gia, thì nên giao thẳng cho 2 Tổng công ty lương thực Nhà nước.

Theo đó, Nhà nước sẽ ứng vốn 100%, không tính lãi suất cho 2 Tổng công ty này để thực hiện cung ứng gạo dự trữ quốc gia. Ở những nơi xung yếu, chỉ cần dự trữ sẵn 10 ngàn tấn. Khi cần gạo, Nhà nước chỉ cần báo trước 5 ngày là sẽ có đủ gạo theo yêu cầu. Như vậy sẽ giảm được chi phí bảo quản, bù lỗ, hao hụt, tiêu cực (có thể có) trong đấu thầu mua gạo cho chương trình dự trữ quốc gia như hiện nay.


Có thể bạn quan tâm

Bình Định Hoàn Thiện Quy Trình Khai Thác Cá Ngừ Đại Dương Theo Chuỗi Bình Định Hoàn Thiện Quy Trình Khai Thác Cá Ngừ Đại Dương Theo Chuỗi

Chuyến cá ngừ đầu tiên được ngư dân tỉnh Bình Định đưa sang bán đấu giá tại Trung tâm đấu giá Osaka (Nhật Bản) không được như kỳ vọng. Đây là chuyến hàng đầu tiên áp dụng quy trình đánh bắt, bảo quản cá ngừ theo công nghệ Nhật Bản nên chưa đặt nặng vấn đề lợi nhuận. Thế nhưng, từ đó cũng đặt ra nhiều vấn đề với ngư dân và chính quyền tỉnh Bình Định.

20/10/2014
Xuất Khẩu Thủy Sản Của Cần Thơ Sẽ Tăng Mạnh Vào Cuối Năm Xuất Khẩu Thủy Sản Của Cần Thơ Sẽ Tăng Mạnh Vào Cuối Năm

Theo ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, từ tháng Sáu đến nay, xuất khẩu thủy sản liên tục tang, từ mức xuất khẩu 38 triệu USD trong tháng Sáu đã tăng lên 49 triệu USD trong tháng Chín vừa qua.

20/10/2014
Giá Tôm Hùm Maine Cao Do Thiếu Hàng Giá Tôm Hùm Maine Cao Do Thiếu Hàng

Một số người đang tìm kiếm sản phẩm thay thế hoặc đợi giá xuống thấp. Trong khi chuỗi nhà hàng lớn có thể bỏ các món liên quan đến tôm hùm thì các nhà hàng nhỏ tìm kiếm các cách “sáng tạo” từ loài này.

20/10/2014
Mức Tiêu Thụ Hải Sản Ở Tây Ban Nha Cao Mức Tiêu Thụ Hải Sản Ở Tây Ban Nha Cao

Theo khảo sát, 75,1% người tiêu dùng ăn hải sản không vì thích mà do giá trị dinh dưỡng. Vì vậy, các sản phẩm thủy sản nên nhấn mạnh đến chức năng dinh dưỡng. Angels Segura, phụ trách lĩnh vực thủy sản của AECOC, khuyến khích tập trung vào sự hấp dẫn và dễ nấu của các sản phẩm thủy sản.

20/10/2014
Cà Mau Gian Nan Đường Phát Triển Tôm Công Nghiệp Cà Mau Gian Nan Đường Phát Triển Tôm Công Nghiệp

Cà Mau là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản. Tuy nhiên, theo khảo sát, sau thu hoạch tôm nuôi hầu hết sản phẩm đều bán qua thương lái thu gom. Sau đó thương lái mới bán lại cho doanh nghiệp với giá cao hơn để hưởng chênh lệch giá.

20/10/2014